Mất phương hướng

Việc Thủ tướng Anh T.May tuyên bố từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ đang tạo ra cuộc đua sôi động nhằm giành chiếc ghế trống của bà trên chính trường Anh. Trong bối cảnh nội bộ Anh vẫn 'chia năm xẻ bảy' với nhiều quan điểm khác nhau về Brexit (Anh rời Liên hiệp châu Âu-EU) thì dù ai ngồi vào 'ghế nóng', vị thủ tướng mới của 'xứ sở sương mù' vẫn đối mặt khó khăn trong việc kết thúc tiến trình rời EU một cách êm đẹp.

Thủ tướng Anh T.May mới đây đã tuyên bố từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ sau khi không thể thuyết phục các nghị sĩ ủng hộ thỏa thuận Brexit mà bà đạt được với EU hồi cuối năm 2018. Theo kế hoạch, bà Mây sẽ là Thủ tướng tạm quyền của Anh trong suốt cuộc bầu cử lãnh đạo đảng Bảo thủ dự kiến kéo dài khoảng sáu tuần và trong khoảng thời gian ít ỏi này, bà sẽ tập trung vào chương trình nghị sự đối nội.

Báo chí Anh cho biết, hiện có ít nhất 13 ứng cử viên công khai ý định tham gia chạy đua trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền, đồng nghĩa với việc trở thành thủ tướng tiếp theo của nước Anh. Ở thời điểm mà cuộc đua giành ghế thủ tướng Anh đang nóng lên, chính giới Anh, trong đó có nhiều người đang là ứng cử viên thủ tướng, đã bày tỏ quan điểm về Brexit. Tuy nhiên, quan điểm của các chính khách Anh cho thấy, họ đang "nhìn về nhiều hướng" trong vấn đề đưa Anh rời EU. Bộ trưởng Ngoại giao Anh J.Hunt, một trong các ứng cử viên thủ tướng Anh, tin tưởng rằng, EU sẽ đàm phán lại thỏa thuận Brexit và cho biết, Thủ tướng Ðức A.Merkel cũng đã tỏ ý như vậy. Cũng theo Bộ trưởng Ngoại giao Anh, cách duy nhất để nước Anh tránh một cuộc tổng tuyển cử là phải rời EU với một thỏa thuận.

Trong khi đó, ứng cử viên sáng giá cho chức thủ tướng là cựu Bộ trưởng Ngoại giao Anh B.Johnson lại ưu tiên vấn đề "hóa đơn chia tay" khi Anh rời EU. Theo ông B.Johnson, vấn đề tài chính có vai trò quan trọng để đạt được một thỏa thuận Brexit tốt đẹp. Ông khẳng định sẽ từ chối thanh toán khoản phí Anh "chia tay" EU cho đến khi EU đồng ý những điều khoản tốt hơn để đưa nước Anh rời EU. Một ứng cử viên khác cho chiếc ghế thủ tướng Anh là Bộ trưởng Nội vụ S.Javid lại dành sự quan tâm cho vấn đề biên giới với Ireland. Trả lời phỏng vấn hãng tin Sky News, ông S.Javid cho biết, sẽ đề xuất trang trải hàng trăm triệu bảng nhằm tìm một giải pháp biên giới hậu Brexit với Ireland, coi đây là "chìa khóa" để tháo gỡ bế tắc của Brexit. Khác với những quan điểm nêu trên, ứng cử viên M.Gove, Bộ trưởng Môi trường Anh, cho biết, ông sẽ chuẩn bị để trì hoãn Brexit thêm vài ngày hoặc vài tuần sau thời hạn 31-10 tới, nếu nước Anh chọn giải pháp ký một thỏa thuận Brexit với EU.

Những quan điểm nêu trên cho thấy, các ứng cử viên thủ tướng Anh vẫn chưa đưa ra được định hướng, giải pháp tổng thể, khả thi cho những vấn đề vướng mắc nhất trong đàm phán Brexit thời gian qua. Trên thực tế, EU gần đây đã nhiều lần bày tỏ quan điểm cứng rắn là sẽ không đàm phán lại thỏa thuận Brexit mà họ đã đạt được với Chính phủ Anh hồi cuối năm 2018. Trong khi đó, Anh vẫn sẽ phải đối mặt với bài toán biên giới Ireland và giải pháp mà các ứng cử viên thủ tướng nêu ra cho vấn đề này chưa thể giúp tháo gỡ bế tắc.

Trưởng đoàn đàm phán của EU về Brexit M.Barnier cuối tuần qua nhận định, bất kỳ thủ tướng mới nào của Anh vẫn sẽ phải đối mặt với vấn đề đường biên giới Ireland sau Brexit. Ông M.Barnier cho rằng, quản lý biên giới Ireland là việc nhạy cảm và yêu cầu về thiết kế một giải pháp "chốt chặn" khẩn cấp để ngăn chặn sự trở lại của các biện pháp kiểm soát biên giới sau Brexit đã cho thấy đây là yếu tố gây tranh cãi nhất trong đàm phán Brexit. Cũng theo Trưởng đoàn đàm phán của EU về Brexit, điểm mấu chốt hiện nay là liệu nước Anh có muốn rời đi một cách có trật tự hay không. Nếu câu trả lời này là "có" thì thỏa thuận rút lui là con đường duy nhất có thể. Ngoài ra, quan chức của EU cho biết, khối này sẽ không bao giờ lựa chọn một Brexit "không thỏa thuận", đồng thời kết luận rằng, vấn đề then chốt trước tiên là hòa bình, con người và sự ổn định tại Ireland.

Từ thực tế nêu trên có thể thấy, kể từ khi nước Anh quyết tâm rời "mái nhà chung châu Âu" từ năm 2016 đến nay, sau rất nhiều tranh cãi và kể cả thay thủ tướng, đến nay tiến trình Brexit vẫn hầu như "giậm chân tại chỗ". Nước Anh vẫn bế tắc trong những vấn đề căn bản nhất của việc rời EU như biên giới Ireland, "hóa đơn chia tay"… Vì thế, trong bối cảnh nội bộ Anh vẫn "chia năm xẻ bảy" với nhiều quan điểm khác nhau về Brexit thì dù ai ngồi vào "ghế nóng", nước Anh vẫn mất phương hướng trong việc rời EU và Brexit sẽ vẫn là một "câu chuyện bế tắc".

TRUNG NGUYÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/40507902-mat-phuong-huong.html