Mật ngọt trang thơ

Suốt một cuộc đời cầm bút, nhưng dường như chỉ đến khi nghỉ hưu ông mới có nhiều thời gian cho thơ. Bắt đầu từ năm 2010, những tập thơ cứ nối nhau ra mắt, và mới đây nhất là Tuyển chọn Thơ Nguyễn Hồng Vinh, tác phẩm đánh dấu chặng đường mười năm thơ của ông kể từ khi tập thơ đầu tiên được xuất bản.

99 bài thơ trong Tuyển chọn Thơ Nguyễn Hồng Vinh được sắp đặt ngẫu hứng, không theo thứ tự xếp vần, cũng không chia chủ đề nội dung mà để bạn đọc khám phá con đường thơ Nguyễn Hồng Vinh theo từng “dấu chân” mỗi tác phẩm. Song, dù bạn đọc có đi dọc hay rẽ ngang thì đọc hết cuốn sách cũng không khó để nhận ra một Hồng Vinh thực trọng tình.

Nhà thơ yêu từng mảnh đất mình đi qua, thương từng con người mình gặp gỡ, nhớ từng đoạn thời gian của Những năm tháng không quên. Ông luôn biết ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha, không quên nghĩa phu thê từ những ngày gian khó, thường hay tiếc nhớ đồng đội, và lúc nào cũng đau đáu nghĩ suy về cuộc đời, về thời cuộc, về đất nước quê hương. Với Nguyễn Hồng Vinh, “Cuộc đời trăm ngàn lẽ/ Không gì thay thủy chung/ Sống bằng cả yêu tin/ Ấm mãi niềm hạnh phúc”.

Không bi lụy, đau thương, thơ của Nguyễn Hồng Vinh dù viết về thời chiến, viết cho thời bình hay nhớ về những năm bao cấp thì lúc nào cũng ánh lên ngọn lửa của yêu tin, lạc quan, hy vọng, của “mạch đời đâu dễ đóng băng”. Như khi viết về Xuân trong người lính đảo, ông gieo niềm tin: “Vọng gác anh giữa trùng khơi mờ sương/ Gió cắt thịt da xiết vào nỗi nhớ/ Súng chắc tay có hậu phương điểm tựa/ Và cùng em, Tổ quốc mãi mùa xuân”. Nhớ về gần 40 năm trước trong Hà Nội gắn đời ta, ông kể chuyện “Xếp hàng lấy nước thâu đêm/ Bữa bữa cơm mì cõng gạo/ Mà tiếng cười vẫn trong trẻo vang vang”. Những số phận, những con người mà ông đã gặp trên khắp nẻo dừng chân của mình, khi vào thơ Hồng Vinh đều “Đọng lại trong tâm nhiều gương mặt thân thương/ Giữa gian khó chẳng một lời trách móc” (Nhịp đời).

Ngay từ mở đầu tập thơ, đã thấy Bóng Cha phủ bóng con thuyền chênh chao của Nguyễn Hồng Vinh trong Cha vẫn còn đây. Hình ảnh người cha ấy cũng như bao người cha trên thế gian này, dẫu có nghèo khó, dẫu có vất vả, dẫu có lưng còng, răng rụng, mắt mờ đến đâu thì “Cuối đời vẫn trút tình thương/ Đan rổ, vặn chổi rơm nồng gửi con”. Gieo hạt giống yêu thương lại gặt về quả ngọt yêu thương, để người con Hồng Vinh có đi khắp trăm miền thì lúc nào cũng “Con xin tạc dạ, ghi lòng/ Lời Cha, Mẹ dạy vẹn tròn Hiếu - Tâm/ “Thương người như thể thương thân”/ Anh em hòa thuận, chữ Nhân là nền” (Nhớ Mẹ). Đọc cả tập thơ, bắt gặp nhiều bài thơ đong đầy tình cảm sâu nặng của Nguyễn Hồng Vinh với gia đình, với bạn bè, đồng đội, đó là Những năm tháng không quên, Cho, Anh nằm nơi nao?, Gửi bạn về hưu, Hồn quê, Nhớ về tổ ấm, Khoảnh khắc cầu Vòi, Nhãn muộn, Thì thầm những dòng sông... Dường như

Tuyển chọn Thơ Nguyễn Hồng Vinh là một lời tri ân của tác giả đến những người mà ông đã từng gặp gỡ, gắn bó: “Có những điều trái tim tôi khắc ghi/ Nợ quê hương thuở thiếu thời còn đó/ Nợ bè bạn, nợ cuộc đời ân nghĩa/ Trao cho tôi hạnh phúc quá bất ngờ” (Sắc màu thời gian).

Nguyễn Hồng Vinh cũng dành nhiều tứ thơ viết về tình yêu. Trong đôi mắt thơ Hồng Vinh, tình yêu dịu dàng và rất đỗi thủy chung, tha thiết. Là “Có một miền em tha thiết/ Suối nguồn những cánh thơ bay” trong Tam Đảo và em; là “Anh lại đi trăm ngả/ Vượt qua nhiều dòng sông/ Mang hình em tươi tắn/ Trong trái tim ấm nồng” trong Hoài niệm những dòng sông; là “Nhưng dù gặp gỡ muộn mằn/ Nhịp tim vẫn rộn thanh âm của Đời” trong Hoài niệm; là “Ở nơi xa anh nhớ về em/ Biển nhớ biển cồn cào con sóng/ Trời nhớ trời không gian dài rộng/ Đêm nhớ ngày nỗi nhớ đầy thêm”

trong Xa nhớ; là chiêm nghiệm: “Ngẫm ra đều phù vân/ Hão huyền và ảo tưởng/ Chỉ tình người còn đọng/ Giữa bộn bề trái ngang”. Đặc biệt nhất là bài thơ tình 5 câu với niềm tin yêu mãnh liệt: “Đất bên lở, bên bồi/ Sông dòng trong, dòng đục/ Tình ta chỉ một dòng/ Bồi yêu thương năm tháng/ Dù có lúc bão dông…”.

Sâu nặng tình người, thơ Hồng Vinh cũng chứa chan tình đời. Ông trăn trở về cuộc đời thời cơ chế thị trường, hội nhập: “Tư duy con người không động/ Làm sao bứt phá mùa xuân?!”. Ông đặt câu hỏi: “Trời ban tặng kho tài nguyên vô tận/ Sao, con người tự tàn phá ngày đêm?!”. Và chiêm nghiệm về nghề: “Mật ngọt của trang văn/ Có khi trong một chữ”. Mật ngọt của trang văn có khi chỉ cần một chữ, cũng như tình yêu từ trong tâm “dẫu thơ tôi chưa nói được bao điều” thì vẫn “xanh tháng năm dài”, vẫn là “nguồn men đời làm nên trang viết” Nguyễn Hồng Vinh.

Vân Hạ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/963235/mat-ngot-trang-tho