Mất mặt

Thầy Hiệu trưởng là người đầu tiên nhận ra, thốt lên, 'Ngọc, là em à?'. Mọi người lúc đó mới ồ lên một tiếng. Họ nhận ra cô học trò năm trước bị đình chỉ học tập vì hoang thai. Cô học trò ấy đã bỏ nhà đi mất tích, không để lại một dấu vết gì để người ta nhận ra đó là con gái ruột của ông Đông. Sao bây giờ vẫn có nhiều người không biết cô bé là con gái ruột ông Đông?

Ông Nhã được công ty bảo vệ cử đến làm bảo vệ cho trường N. một trường tư thục do ông Đông nắm cổ phần khống chế, nổi tiếng của một thị trấn lớn đang trên đường vươn lên thành phố trực thuộc tỉnh. Ngôi trường quay hướng Đông - Nam. Khu nhà học gồm ba ngôi nhà ba tầng ở phía Tây khu đất. Ngôi nhà hai tầng của ông Đông lùi xa lên phía Bắc, riêng hẳn. Đồn rằng ông Đông mời thầy địa lí từ Kinh Đô về xem đất cắm hướng, bảo đảm nhà trường sẽ phát triển, đạt và giữ vững tầm cỡ quốc gia.

Ngôi nhà xây kiểu biệt thự theo phong cách cổ điển, trên khuôn viên chỉ cỡ ba trăm mét vuông, so với toàn bộ kiến trúc khu trường, nổi bật vẻ khiêm nhường, nhưng tao nhã. Từ căn nhà hai tầng của ông Đông đến khu học tập, phải đi qua khu nhà Ban Giám hiệu, Phòng Hội đồng, phòng nghỉ của các giáo viên, vườn trường xanh tốt mới đến được. Từ cổng trường đi vào, một chiếc hồ to thả hoa súng đập ngay vào mắt, tạo ấn tượng mạnh. Giữa hồ xây một cây tháp tượng hình ngọn bút, tả thanh thiên, trên một hòn đảo trồng cỏ xanh, gợi đến một hồ gươm thu nhỏ. Như ông Đông tự nói, đây phải là một trung tâm văn hóa, nơi cung cấp cho các thế hệ tương lai nguồn kiến thức luôn được làm mới.

Bờ hồ trồng liễu rủ, gió Đông - Nam thổi xanh mướt đung đưa, nước hồ gợn sóng lăn tăn, nom thật đáng yêu. Trục đường chính trong khuôn viên lát gạch đỏ, hai bên trồng cây hoa ban lấy giống từ Điện Biên về. Lối vào biệt thự ông Đông trồng cây anh đào, giống nhập từ Nhật Bản. Ông Nhã nghe mọi người nói, cách trồng cây, trồng hoa của ông Đông như thế là đã rất cân nhắc, thông qua cây cỏ hoa lá dựng nên khuôn mặt nhà trường mà bày tỏ ý chí, mà gửi gắm nội tâm. Ông Nhã chỉ là một nhân viên bảo vệ, nhưng cũng cảm thấy được sự kỹ càng một cách cao quý của ông chủ ngôi trường. Lẽ dĩ nhiên, khuôn viên nhà trường còn trồng rất nhiều loại hoa, bốn mùa đằm thắm màu sắc.

Ông Nhã nhà xa, được Ban Giám hiệu trường bố trí cho ở ngay tại phòng bảo vệ, ngăn ra bằng mấy bức bình phong cũng vẽ hoa rất đẹp. Ngoài giờ trực, ông Nhã chăm hoa, xới cỏ, nhặt lá vàng, say sưa quan sát ông chủ của ngôi trường, ông Đông, theo cách của một người ngưỡng mộ.

Ông Đông có trình độ thạc sĩ. Vốn là giáo viên dạy môn chính trị, thăng tiến qua các nấc Hiệu phó rồi Hiệu trưởng, lên Phó phòng rồi Trưởng phòng Sở. Ông được Giám đốc giữ lại hơn nửa năm vì đang dở dang một dự án chưa tìm được người thay, về hưu muộn nửa năm. Trước khi về hưu, ông Đông đã âm thầm chuẩn bị dự án mở trường tư thục. Vì vậy, khi nhận quyết định hưu, việc gom tiền, vận động cổ đông, lo thủ tục dự án về cơ bản đã xong xuôi. Để gắn bó với nhà trường, ông quyết định chuyển cả gia đình từ thành phố về thị trấn. Mọi việc bao gồm cả việc xây dựng cơ sở vật chất, chỉ mất hai năm rưỡi, ba năm gì đó thì nhà trường bắt đầu tuyển sinh, khai giảng khóa đầu tiên. Tiếp, sau ba năm cật lực làm việc, Trường phổ thông trung học N. đã bắt đầu nổi lên, tạo dựng được tiếng tăm.

Ông Nhã ghi nhận một thói quen rất đẹp của ông Đông. Cứ sáng sớm, khi học sinh mới lác đác đến trường, hoặc chiều muộn khi học sinh đã về nhà vãn, ông Đông một mình đi dạo trong khuôn viên, dưới những hàng cây nở hoa, nhặt nhạnh những cánh hoa rơi hoặc những bông hoa bị gió đánh rụng, đặt lên lòng bàn tay, nâng niu ngắm nghía, sau đó từ từ khẽ nắm lại, dịu dàng như thể ôm hôn một người đàn bà. Những hôm có gió, hoa rụng nhiều, ông Đông mang theo một chiếc túi vải thô xám, bỏ những cánh hoa rụng vào đó. Rồi ông đứng im, nhìn lên ngọn cây đung đưa hoa, không nói gì. Ông Nhã không biết ông Đông dùng những cánh hoa rơi, những bông hoa rụng làm gì, nhưng luôn có cảm giác, đó là hiện thân của sự tao nhã, rất trí thức. Những người ham đọc sách thì ví ông là Giả Bảo Ngọc hiện đại.

Mùa hè, ông Đông mặc chiếc áo ngắn tay, rộng, màu xanh da trời. Mùa đông ông khoác tấm trường bào nhẹ, tựa chiếc áo các thầy giáo môn hóa mặc trong phòng thí nghiệm, màu vàng xám. Bộ trang phục bốn mùa chỉ thay đổi hai gam màu của ông Đông, phấp phới như trôi trong khuôn viên xanh đầy hoa, khiến người ta nghĩ rằng ông là một đạo sĩ tu hành có phẩm hạnh cao hoặc là một nhà hiền triết.

Học sinh mới vào trường nom dáng bộ ông Đông thì có vẻ e ngại, nhưng từ năm thứ hai trở đi thì thích ông, hễ gặp ông là đứng nghiêm, khoanh tay, cúi đầu "chào thày ạ". Ông Đông bao giờ cũng nhẹ nhàng đáp lại, rồi dịu dàng chạm khẽ lên đầu một học trò đứng gần. Dân thị trấn nức tiếng ông Đông, coi ông là một tấm gương yêu nghề, yêu trẻ, thử hỏi đã có ai ở thị trấn này dám đổ ra một đống tiền cùng cơ man công sức cho ngôi trường như ông không.

Có người nghi ngờ đặt câu hỏi, một ông Trưởng phòng Sở về hưu lấy đâu nhiều tiền thế. Những người biết ông đáp, hai con trai ông du học ở Mỹ, ở Đức đỗ tiến sĩ được mời ở lại làm giáo sư, dành dụm gửi tiền cho ông mở trường. Ông Nhã nghĩ, thói đời thích đào bới cái xấu, lười vun đắp cái hay, cái phải, cái tốt. "Ở sao cho vừa lòng người, ở rộng người cười, ở hẹp người chê". Thỉnh thoảng đi qua phòng bảo vệ, ông Đông thường dừng xe lại, (ông có ôtô riêng, nhưng ít đi) trò chuyện dăm ba câu với ông Nhã.

Một hôm vào buổi sáng, ông Đông đem đến phòng bảo vệ một chiếc bình gốm Bát Tràng và một bó hoa hồng cắt trong khuôn viên trường. Ông đặt tất cả lên bàn, nói với ông Nhã, khách đến trường bao giờ cũng phải qua phòng bảo vệ trước, về phương diện nào đó, phòng bảo vệ chính là khuôn mặt của trường, cần phải tạo cho khách một ấn tượng dễ chịu, một sự vồn vã vừa đủ, một không gian văn hóa. Ông Nhã hiểu ý, bèn nói, để tôi cắm hoa, có gì ông chỉ bảo thêm.

Ông Đông ngắm nhìn bình hoa vừa được ông Nhã cắm gật gù, được đấy. Từ nay, ông có thể tỉa hoa trong khuôn viên, chọn những bông tốt mà cắm. Khách đến dừng chân, uống một cốc nước vối hãm khéo, ngắm sắc hoa tươi, có thể biết chủ nhân ở đây thế nào. Ông Nhã bảo, vâng, tôi đã hiểu ạ. Rõ ràng ông Đông, một nhà giáo dục, rất dễ gần, gần rồi thì có cảm tình, ông Nhã bảo vệ tự nhận định.

Nghe nói trước khi miếng đất được đưa vào qui hoạch xây dựng, nơi đây là một khu ruộng lầy thụt, bị bỏ hoang, tuy nhiên phải thần thế lắm ông Đông mới đạt được thỏa thuận cắm đất. Sau khi có giấy phép thành lập trường, ông Đông gọi thêm đầu tư, tiến hành thuê Hiệu trưởng, thuê giáo viên. Và tuyển sinh. Vạn sự khởi đầu nan. Dĩ nhiên ông Đông phải trải qua bước đó, nhưng nhờ biết cách quảng bá, nhờ có mối quan hệ rộng rãi, ông vượt qua bước đó khá nhanh. Vài năm sau, học sinh trường ông thi tốt nghiệp, thi vào đại học đều chiếm tỉ lệ cao, dần dà nhà trường tạo dựng được uy tín. Ông chủ sáng lập trường được tưởng thưởng xứng đáng. Giờ ông trở thành bộ mặt của nền giáo dục dân lập, trở thành nhân sĩ của thị trấn.

Ông Nhã nghe được những điều đó, tỏ ra thêm kính phục ông Đông. Nhưng là người biết giữ ý, ông Nhã không thóc mách các công việc cụ thể của nhà trường. Do thế, chuyện tầm phào giữa các giáo viên, chuyện đời tư của ông Đông đều được ông Nhã cho nằm ngoài tai.

Thế rồi vào một buổi chiều muộn, học sinh chỉ còn lác đác do bận việc lớp, việc đoàn thanh niên chưa về, bất ngờ ông Nhã phát hiện một chuyện kì lạ, khiến ông bị sốc nặng. Nhìn từ phòng bảo vệ ra, ông Nhã tình cờ thấy ông Đông có chuyện gì đó rất tức giận, to tiếng với một nữ sinh của trường, khác hẳn với con người mà lâu nay ông vẫn thể hiện. Nhìn từ xa, ông Nhã biết cô gái là nữ sinh của trường vì mặc đồng phục. Ông Nhã muốn chạy đến can ông Đông hoặc xem có việc gì có thể giúp được ông, nhưng ngặt vì phòng bảo vệ ở cách nơi xảy ra sự việc khá xa, ông không thể bỏ vị trí.

Cô học sinh có lẽ đã nói gì đó phạm thượng, đã kích nổ cơn giận dữ, khiến ông Đông không kìm chế nổi, đã tát cô bé ngã dúi dụi. Cô bé lồm cồm bò dậy, phủi quần áo, nhìn ông Đông quát lên một tiếng, rồi bỏ chạy khuất sau ngôi nhà dành cho các giáo viên.

Chuyện đó không chỉ mình ông Nhã biết. Người ta vẫn nói, "tai vách mạch rừng", quả không sai. Lúc đầu tin tức chỉ thì thào rỉ tai người này người khác ở đâu đó, rồi lan khắp trường. Ông Đông đã có hành vi bạo lực, hành hung học sinh. Lại nghe nói, học sinh gái ấy đã thất thân với ai đó, nhưng dứt khoát không mở miệng nói cái thai trong bụng cô là của ai.

Một hôm nhân lúc vắng người, ông Nhã mới nói với ông Đông bằng giọng điệu đàn em, thông cảm, con gái bây giờ nhiều đứa hư thân, không coi danh dự của cha mẹ, của dòng họ là gì. Ông Đông nghe thế, sắc mặt hơi biến, nhưng chỉ im lặng. Ông Nhã không để ý sắc mặt ông Đông, tiếp tục nói, để em giúp anh tìm ra kẻ ăn vụng. Ánh mắt ông Đông xoáy vào ông bảo vệ, có ý dò hỏi, bằng cách nào? Ông Nhã hăng hái, em tìm cách giữ con bé lại phòng bảo vệ, chờ vắng người tẩn cho một trận thừa sống thiếu chết, dám không khai. Ông Đông vội vàng cản lại, đừng làm thế, to chuyện, hòn đá ném xuống ao, sóng nổi lên loang rộng, một lúc rồi cũng lặng. Trước khi rời đi, ông Đông nói thêm, ông có ý giúp tôi giữ thể diện là rất tốt, tôi cám ơn, nhưng nếu để bung toang thêm chuyện gì khác nữa thì mất mặt lắm.

Hoang thai, bảo lớn thì lớn thật, nhưng bảo không nghiêm trọng thì cũng không có gì quá nghiêm trọng, đây đó thi thoảng cũng có. Học trò bây giờ khác ngày xưa lắm, internet đã biến đổi chúng thành những đứa trẻ tò mò, thích khám phá, thích lớn trước tuổi. Hơn nữa, không hiểu sao những vấn đề thường thức như vậy lại không được dạy dỗ trong nhà trường. Xã hội thay đổi khác xưa, những việc ngày xưa coi là tày đình, bây giờ là hết sức bình thường. Riêng đối với học trò trường N. chuyện đó qua vài ba tháng đã tan loãng vào gió mưa.

Qua được ít tuần, chuyện tưởng như đã xong, nhưng bỗng nhiên có thư tố cáo lên Thanh tra Sở. Việc hoang thai ở trường phổ thông trung học N. trở thành chuyện lớn. Thanh tra đến trường không phải một lần. Chuyện cô gái hoang thai bị đem ra mổ xẻ. Cô bị Hội đồng kỉ luật quyết định đình chỉ học tập một năm.

Chuyện đến đây vẫn chưa xong. Các vị lãnh đạo Sở nhớ rất dai, trong các dịp họp hành tổng kết rút kinh nghiệm, thường đem chuyện trường N. ra làm ví dụ điển hình. Có vị lãnh đạo trong những lúc vui chén còn đem ra, biến tấu đi làm chuyện đùa. Lãnh đạo thị trấn cũng không còn coi trọng ông Đông nữa. Cái ghế danh dự mà trong các dịp khánh tiết long trọng ông vẫn được ngồi, giờ đã là chỗ của người khác.

Từ sau vụ khủng hoảng đó, ông Nhã không thấy ông Đông khoác trường bào màu vàng xám, tản bộ trong khuôn viên trường, nhàn tản nhặt những cánh hoa rơi, những bông hoa rụng nữa. Ông Nhã ngẫm nghĩ, chắc phải có chuyện gì đó nghiêm trọng hơn chuyện đã xảy ra, giờ thì có không ít người biết rồi? Những cây hoa anh đào nhập giống từ Nhật về trồng, những khóm hoa hồng Sa Pa, Đà Lạt vẫn trổ hoa rực rỡ, vắng ông Đông dường như cũng tẻ nhạt. Khuôn viên rải rác những cánh hoa rơi, những bông hoa rụng, đỏ tươi, đỏ thẫm rồi đen lại. Hình ảnh một nhà tu hành, một vị hiền triết cũng rời bỏ ông luôn.

Cứ thế ông Đông dần biến thành người khác. Bây giờ ông Đông trở nên khắc nghiệt hơn, ông yêu cầu Ban giám hiệu ban hành qui chế kiểm soát học sinh chặt chẽ đến mức trong địa phương không có trường nào dám làm như thế. Bây giờ sắc mặt ông Đông không còn hồng hào với đôi mắt nheo cười của bậc tiên phong đạo cốt. Những buổi chào cờ sáng thứ hai, ông xuất hiện cùng Ban giám hiệu, săm soi từng đứa học trò, như muốn moi những ý nghĩ thầm kín của chúng ra, khiến chúng sợ ông, xa lánh ông.

Tự nhiên, ông Nhã trở nên người hay ngẫm nghĩ. Ông thấy thói đời trớ trêu, thói đám đông ù xọe, cứ dàn hàng ngang tiến thì không sao. Hễ trong đám đông ấy có kẻ bỗng nhiên tiến nhanh hơn, nhô cao, thế nào cũng bị lôi trở lại, thậm chí còn bị táng cho vài đòn vào khoeo chân, không khéo bị ngã gục. Ông Nhã không cắt nghĩa nổi, ông Đông là người từng trải, biết sau vụ việc tiêu cực nói trên, không tránh khỏi sẽ gặp gió cả, mà không phòng bị chống trả được. Gió cả đến, người ta thích thú quan sát ông Đông, coi ông chèo lái thế nào. Những kẻ độc mồm nói, trường N. giờ đây thành một ổ đĩ điếm sa đọa. Xú danh ấy ngấm ngầm truyền lan. Và hậu quả nhãn tiền.

Những năm trước, học sinh không chỉ trong thị trấn, mà khắp vùng nộp đơn xin thi vào Trường trung học phổ thông N. rất đông, là điều kiện hoàn hảo để nhà trường lựa chọn đầu vào chất lượng. Giờ, những gia đình tử tế không ai muốn cho con nộp đơn thi vào cái nơi xú uế đó nữa.

Vậy là tuyển sinh khó khăn. Không có học sinh giỏi. Để đủ sĩ số không khỏi vơ bèo vạt tép, Trường trung học phổ thông N. gặp phải một vực thẳm, vô phương san lấp: kết quả thi tốt nghiệp phổ thông và thi vào đại học thấp báo động. Đi kèm là thiếu kinh phí. Để duy trì hoạt động của trường, ông Đông buộc phải rút từ khoản tích lũy của cá nhân ra bù đắp. Nhân viên bảo vệ trường cũng dần thu gọn lại. Sớm muộn gì cũng đến lượt ông Nhã.

Khai giảng niên học mới năm ấy, dù vẫn cờ hoa rực rỡ, trống đánh rộn ràng, nhưng không khí gượng gạo thấy rõ. Ông Đông giống như người vừa ốm dậy, khí sắc rất không tốt. Ông gần như biến thành một người khác. Mỗi khi người ta bắt gặp ông, nhìn ông trang phục xộc xệch, bàn tay run run như muốn nắm bắt cái gì đó mà không được, không khỏi ngậm ngùi thương cảm. Ông vẫn đi qua các lớp học, đi qua nhà Ban Giám hiệu, đi qua dãy phòng thí nghiệm, đi quanh vườn trường, nhưng miệng lẩm bẩm kiểu tam đoạn luận của Aristotles, "mọi người phải chết, ông Đông là người, ông phải chết".

Ông Nhã thấy ông Đông đáng thương, nhiều lúc muốn nói chuyện với ông, nhưng ông đều lảng đi. Thế rồi việc gì đến khắc đến. Ông Nhã được công ty bảo vệ chuyển đi làm cho một nhà máy trong khu chế xuất mới thành lập ở H, tận cuối tỉnh.

Một hôm, nhân về công ty kí lại hợp đồng, ông Nhã được một người bạn kể cho nghe về ông Đông và Trường phổ thông trung học N.

Người bạn nói, ông Đông mất rồi, Trường N. cũng đổi chủ rồi. Ông Nhã giật mình, toát mồ hôi lạnh. Sao lại có thể như thế được? Người bạn đồng tình, nói cũng lạ, chuyện cứ như ma ám. Nghề bảo vệ, ông Nhã biết, có nhiều thời gian rỗi, biết làm gì ngoài việc đọc nát mấy tờ báo và lùng sục trên mạng những chuyện li kì rùng rợn, chuyện ma, chuyện vụ án. Người bạn kể, những ngày cuối cùng ông Đông vừa đi vừa nói thành tiếng, nói rồi nghe, "mọi người phải chết, ông Đông là người, ông phải chết".

Gom góp những điều nghe được sau này, gộp với câu chuyện người bạn cùng công ty kể lại, ông Nhã cuối cùng cũng hình dung ra đoạn cuối của cuộc đời ông Đông. Có thể là như thế này. Sau sự kiện kể trên, ông Đông bắt đầu bỏ bê công việc của Hội đồng quản trị. Ông Thậm, một vị cổ đông đóng góp không nhiều, cổ phần chỉ bằng một phần năm ông Đông, trước kia cũng dạy môn chính trị, đồng nghiệp của ông, gần đây thường xuyên đi lại, thậm chí còn đưa ông đi viện kiểm tra sức khỏe. Ông ta nói, ông Đông bị suy nhược thần kinh, đêm nào cũng nằm mơ đi tìm mặt mình bị mất. Ông cũng mơ thấy vợ đi từ dưới hồ lên, đến bên giường ngắm nhìn ông, không nói gì, sau đó quay ra, lại đi xuống hồ. Ít lâu sau, ông Thậm lớn tiếng tuyên bố đã được ông Đông ủy quyền điều hành Hội đồng quản trị.

Trận lụt vừa qua, thị trấn bị nhấn chìm, nước tràn cả vào khuôn viên nhà trường. Buổi sáng thứ hai, nước vừa rút, bảo vệ phát hiện ông Đông chết đuối ở chính chiếc hồ có cây tháp bút tả thanh thiên.

Ông Đông mất, con cháu ông ở Mỹ, ở Đức do dịch bệnh Corona virus giam chân, không về chịu tang được, Hội đồng quản trị và Ban giám hiệu phải đứng ra tổ chức lễ tang.

Đúng vào giờ phát tang, thì có một thiếu phụ trẻ, bế theo một đứa bé trai, đi taxi đường dài, đến đỗ xịch trước cổng khuôn viên. Vừa bước xuống, thiếu phụ khóc rống lên, "ối cha ơi, ối cha ơi là cha".

Thầy Hiệu trưởng là người đầu tiên nhận ra, thốt lên, "Ngọc, là em à?". Mọi người lúc đó mới ồ lên một tiếng. Họ nhận ra cô học trò năm trước bị đình chỉ học tập vì hoang thai. Cô học trò ấy đã bỏ nhà đi mất tích, không để lại một dấu vết gì để người ta nhận ra đó là con gái ruột của ông Đông. Sao bây giờ vẫn có nhiều người không biết cô bé là con gái ruột ông Đông? Thầy Hiệu trưởng nói, nhiều người không biết là phải, em Ngọc sinh ra, lớn lên ở thành phố, khai giảng được một tháng, em Ngọc mới chuyển từ thành phố về. Ông Chủ tịch Hội đồng yêu cầu không công khai em là con ruột ông. Khi họp Hội đồng kỉ luật, mọi người biết chuyện, nhưng do ông Đông nài nỉ, nên chuyện không lan rộng. Ông Hiệu trưởng quay sang Ngọc nói, "em bỏ nhà đi đã gây nên hậu quả như thế này đây. Nhà trường đứng chủ tang".

Cúng ba ngày cho ông Đông xong thì Hội đồng quản trị họp, Ngọc nói mình là người thừa kế số cổ phần của cha, đòi tham dự và được chấp nhận. Tại cuộc họp, ông Thậm tuyên bố mình là Chủ tịch Hội đồng quản trị, trình ra hợp đồng chuyển nhượng cổ phần giữa ông ta và ông Đông. Mọi người ngớ ra không hiểu chuyện gì đã xảy ra.

Ngọc tuyên bố phản đối, nghi ngờ hợp đồng chuyển nhượng cổ phần là giả. Cô nói, ngôi trường này là công sức xương máu của gia đình mình. Cô nói, khi xây ngôi trường này mẹ cô đã đóng góp cả mạng sống của mình. Tất cả hoa trong khuôn viên trường là do bà trồng. Do đã làm việc quá sức, bà không để tâm chăm sóc sức khỏe cá nhân, bệnh ung thư phổi di căn lên não, đi khám mới biết, thành thử đành bó tay. Cha cô đổ tâm sức cho ngôi trường, các anh cô đổ tiền của cho ngôi trường. Cô sẽ chiến đấu để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của gia đình cô.

Rồi ông Nhã cũng nghỉ công việc bảo vệ, về nhà chăm sóc cái vườn nhỏ, nhập vào xã hội những người chơi phong lan, chơi cây cảnh. Sáng sớm thức dậy, ông Nhã thường ra ngắm mấy dò lan, mấy gốc hoa xem qua một đêm chúng thay đổi thế nào. Ông Nhã thấy thư thái trong lòng, thấy mình như trẻ ra. Thấy thêm yêu đời. Đôi lúc hình ảnh ông Đông hiện về trong kí ức ông. Hình ảnh ông Đông mặc chiếc áo mùa hè rộng, khoác tấm trường bào mùa đông màu vàng xám, dạo bước trong khuôn viên nhà trường, nhặt những cánh hoa hoặc bông hoa rụng, tự dưng bớt đi màu sắc cao nhã, sang trọng. Ông Nhã rụt rè nhận ra ở sau hình ảnh ấy có gì cố ý, có gì làm dáng. Ý nghĩ ấy làm ông đau đớn. Vào lúc như thế, ông Nhã thở dài, cúi đầu nói, đáng tiếc làm sao, đáng tiếc làm sao. Mặc dù là người hiền lành, tốt bụng nhưng hàm dưỡng văn hóa có hạn, ông Nhã không thể cắt nghĩa nổi, tại sao ông Đông lại sa sút đến mức tự kết liễu cuộc sống của mình.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen/mat-mat-i657628/