Mất kiên nhẫn với ông Kim Jong Un, Trump ra đòn trả đũa?

Mỹ vừa thông qua việc bán cho Nhật Bản đến 73 tên lửa SM-3 Block IIA – một loại tên lửa được bắn đi từ biển và có thể chặn các tên lửa đạn đạo đang bay tới. Động thái này được thực hiện sau khi Triều Tiên liên tục tiến hành các vụ phóng tên lửa.

 Tên lửa SM-3 Block IIA

Tên lửa SM-3 Block IIA

Tokyo đang tìm cách để tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo sau khi thể hiện lo ngại trước việc Bình Nhưỡng đang chế tạo ra những loại vũ khí “có đường bay lạ thường” có thể xuyên qua Nhật Bản.

Washington hôm 27/8 đã thông qua đề nghị bán các tên lửa chống đạn đạo trị giá 3,3 tỉ USD cho Nhật Bản. Bước đi này được thực hiện ngay sau khi Triều Tiên tiến hành một loạt vụ thử tên lửa đạn đạo, gây đe dọa cho đồng minh của Mỹ.

Nhật Bản sẽ mua đến 73 tên lửa SM-3 Block IIA do tập đoàn Raytheon sản xuất. Tên lửa SM-3 được thiết kế để bắn đi từ những hệ thống Aegis trên các tàu chiến với mục đích chặn các tên lửa đạn đạo đang bay tới, Lầu Năm Góc cho hay.

SM-3 Block IIA là phiên bản mới của tên lửa đánh chặn SM-3. Tên lửa đánh chặn SM-3 có thể được triển khai trên các chiến hạm trang bị hệ thống Aegis hoặc trên bộ. Hệ thống cảm biến cải tiến sẽ giúp cho tên lửa đánh chặn này tăng cường khả năng tìm diệt tên lửa đạn đạo. Khoang chứa nhiên liệu lớn hơn sẽ giúp tên lửa có tầm hoạt động lớn hơn.

Tên lửa SM-3 sẽ được trang bị cho các tàu của Hải quân Mỹ và Nhật Bản như một phần của hệ thống chiến đấu Aegis. Các tàu có Aegis sẽ đi tuần tra ở Thái Bình Dương, giúp tăng cường mạng lưới hệ thống tên lửa đánh chặn giai đoạn giữa được thiết lập trên mặt đất ở Alaska và California. Mạng lưới này giúp bảo vệ Mỹ khỏi các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Hệ thống chiến đấu Aegis của tập đoàn Lockheed Martin hiện tại đã được triển khai trên 36 tàu chiến của Hải quân Mỹ cũng như tại cơ sở tên lửa Thái Bình Dương của Mỹ ở Hawaii.

Mỹ đã quyết định cung cấp số lượng lớn tên lửa đánh chặn SM-3 cho đồng minh Nhật Bản trong bối cảnh Triều Tiên liên tiếp phát triển và mở rộng năng lực tấn công bằng tên lửa. Bình Nhưỡng cho thấy, trong hai năm qua năng lực về tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm xa của họ đã phát triển mạnh mẽ. Những tên lửa này có thể mang theo đầu đạn hạt nhân và có thể tấn công cả Nhật Bản và Mỹ.

Riêng trong tháng này, Bình Nhưỡng đã thực hiện đến 7 vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn, ít nhất một trong số đó đủ xa để có thể vươn tới Nhật Bản.

Trong những năm gần đây, Nhật Bản đang đẩy mạnh các hoạt động tăng cường sức mạnh phòng thủ cho đất nước họ khi mà tình hình trên bán đảo Triều Tiên liên tục leo thang căng thẳng. Giới chức Nhật Bản bày tỏ sự quan ngại về việc liệu đất nước của họ có an toàn trước các đầu đạn được phóng đi từ Bình Nhưỡng trong trường hợp nổ ra xung đột vũ trang.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya đã lên tiếng cảnh báo về “đường bay bất thường và thấp hơn thường lệ” của hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn mà Triều Tiên được cho là đã bắn đi vào biển Nhật Bản hồi tuần trước. Bình Nhưỡng hy vọng đường bay bất thường đó sẽ khiến các tên lửa của họ khó bị đánh chặn hơn, Bộ trưởng Iwaya cho hay đồng thời nói thêm rằng “có nhiều khả năng” Bình Nhưỡng có thể áp dụng công nghệ tương tự với các vũ khí hạt nhân tầm xa hơn.

Không chỉ Nhật Bản, Mỹ cũng đặc biệt lo ngại về chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Giới chuyên gia tin rằng, Triều Tiên đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong chương trình phát triển vũ khí của họ. Một giáo sư về khoa học chính trị ở MIT - ông Vipin Narang thậm chí còn cho rằng, chương trình phát triển vũ khí của Triều Tiên “có thể tạo ra một ác mộng đối với Washington'.

Ông Vipin Narang tuần trước đã nói với tờ San Francisco Chronicle rằng, các tên lửa mới của Triều Tiên “sử dụng nhiên liệu rắn, cơ động, nhanh và có thể bay ở tầm tấp. Ít nhất tên lửa KN-23 có thể được điều khiển khi đang bay. Tất cả đều rất ấn tượng”.

Những vụ thử tên lửa liên tiếp vừa qua của chính quyền Chủ tịch Kim Jong Un là một bước đi nhằm gây sức ép lên Washington và Seoul trong bối cảnh đang có sự bế tắc trong tiến trình đàm phán. Ngoài ra, Bình Nhưỡng còn thể hiện sự tức giận trước cuộc tập trận chung của Mỹ và Hàn Quốc gần đây.

Loạt động thái quân sự của Triều Tiên được tung ra chỉ vài tuần sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa có cuộc gặp với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un ở khu vực phi quân sự giữa hai miền liên Triều. Trong cuộc gặp này, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí nối lại tiến trình đàm phán hạt nhân.

Những diễn biến mới nhất nói trên sẽ là đòn giáng vào tiến trình tháo gỡ cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên mà chính quyền của Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim đang kích hoạt. Triều Tiên trước đó đã không tiến hành thử vũ khí hạt nhân hoặc tên lửa trong hơn 400 ngày và đã cam kết tháo dỡ các cơ sở làm giàu pluto và urani.

Kiệt Linh (tổng hợp)

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/quoc-te/201908/mat-kien-nhan-voi-ong-kim-jong-un-trump-ra-don-tra-dua-639244/