Mất hơn 4.000 tỷ vốn hóa, Yeah1 chi tiền mua 3,12 triệu cổ phiếu

Sau 11 phiên giảm sàn, cổ phiếu Yeah1 giảm gần 55% thị giá, hơn 50% vốn hóa và bị dự báo giảm 83,8% lợi nhuận, công ty đã phải ra quyết định mua vào 3,12 triệu cổ phiếu quỹ.

Tối 18/3, Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 đã ban hành Nghị quyết HĐQT về việc mua lại cổ phiếu trên thị trường làm cổ phiếu quỹ của công ty.

Mua vào 3,12 triệu cổ phiếu quỹ

Theo đó, HĐQT tập đoàn này đã thông qua việc thay đổi mục đích sử dụng vốn từ nguồn vốn phát hành riêng lẻ năm 2018 để trích một phần thực hiện mua lại cổ phiếu quỹ.

Yeah1 dự kiến đăng ký mua lại tối đa hơn 3,12 triệu cổ phiếu, tương đương gần 10% vốn cổ phần đã phát hành trên thị trường thông qua các giao dịch khớp lệnh và thỏa thuận. Trước đó, công ty này chưa sở hữu cổ phiếu quỹ nào.

Yeah1 sẽ mua vào tối đa 3,12 triệu cổ phiếu trên thị trường để làm cổ phiếu quỹ.

Yeah1 sẽ mua vào tối đa 3,12 triệu cổ phiếu trên thị trường để làm cổ phiếu quỹ.

Dự kiến, giao dịch sẽ được thực hiện trong vòng 30 ngày kể từ ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo nhận được đầy đủ tài liệu báo cáo mua lại cổ phiếu, và sau 7 ngày làm việc kể từ ngày Yeah1 công bố thông tin.

Cũng trong nghị quyết lần này, giá mua vào và khối lượng đặt mua hàng ngày được Yeah1 cho biết sẽ tuân theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về việc giao dịch cổ phiếu quỹ trên thị trường.

Theo đó, quy định tại Điều 8, Thông tư 203/2015 của Bộ Tài chính, trong mỗi ngày giao dịch, tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu quỹ theo phương thức khớp lệnh chỉ được đặt lệnh với tổng khối lượng tối thiểu 3% và tối đa 10% khối lượng giao dịch đã đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Về giá đặt mua được quy định không vượt quá giá tham chiếu cộng với 50% biên độ giao dịch giá cổ phiếu trong ngày.

Như vậy, trong trường hợp của Yeah1, mỗi phiên tập đoàn này sẽ không được mua thấp hơn 93.000 cổ phiếu, và không được cao hơn 312.799 cổ phiếu mỗi phiên. Trong trường hợp nhanh nhất, Yeah1 cũng phải mất 10 phiên giao dịch để mua đủ số lượng cổ phiếu quỹ đã đăng ký.

Trên thực tế, tính đến cuối năm 2018, tổng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Yeah1 vào khoảng 101 tỷ đồng, với tỷ lệ mua vào như trên số tiền này sẽ không đủ để thực hiện toàn bộ giao dịch.

Sẽ điều chỉnh kế hoạch kinh doanh theo kết quả đàm phán với YouTube

Tính đến cuối phiên 18/3, còn khoảng 1,48 triệu cổ phiếu YEG bị rao bán ở mức giá sàn. Trong trường hợp các nhà đầu tư tiếp tục rao bán cổ phiếu số lượng lớn, Yeah1 sẽ sớm mua hết lượng cổ phiếu ở giá sàn này.

Hiện tại, YEG đã giảm sàn 11 liên tiếp, thị giá cổ phiếu rơi một mạch từ vùng 245.000 đồng xuống chỉ còn 110.500 đồng hiện tại. Trong khi cổ phiếu mất gần 55% giá trị thì vốn hóa công ty cũng bốc hơi hơn 4.000 tỷ đồng từ sự cố với YouTube.

Cùng ngày, Yeah1 cũng đã có giải trình về những biến động của cổ phiếu YEG những ngày vừa qua.

Tuy nhiên, những thông tin giải trình đều đã được Yeah1 công bố từ trước đó từ sự việc bị YouTube chấm dứt thỏa thuận lưu trữ nội dung (CHSA) với 3 công ty SpringMe Pte. Ltd., Yeah1 Network Pte Ltd và ScaleLab LLC cho tới việc bán lại 100% vốn ScaleLab LLC cho các chủ nhân cũ.

Yeah1 cho biết sẽ có điều chỉnh với kế hoạch kinh doanh theo kết quả đàm phán với YouTube và trình cổ đông tại ĐHĐCĐ năm 2019 vào thời gian tới.

Lợi nhuận sẽ mất 83%

Sau khi sự cố YouTube xảy ra, Công ty chứng khoán TP.HCM đưa ra dự báo trong kịch bản xấu nhất là Yeah1 Group không đạt được một giải pháp nào với YouTube, nghiễm nhiên Yeah1 Network, ScaleLab và SpringMe sẽ không còn là các nhà mạng MCN của YouTube và sẽ không được tiếp tục quản lý kênh của bên thứ ba.

Với kịch bản này, HSC dự báo lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ sẽ bị điều chỉnh giảm 83,8% từ dự báo trước đây là 256,7 tỷ đồng (tăng trưởng 64,8%) xuống còn 26 tỷ đồng.

“Chỉ một sự cố liên quan YouTube không thể khiến cổ phiếu doanh nghiệp giảm sâu như vậy. Chắc chắn bên trong vẫn còn những câu chuyện mà nhà đầu tư không thể biết. Cũng không loại trừ khả năng, sau sự cố lần này, nhà đầu tư mới giật mình đặt câu hỏi suốt thời gian qua mình đã đổ tiền vào đâu và đã hiểu rõ công ty mình đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực gì hay chưa”, một chuyên gia phân tích nói với Zing.vn.

Dưới góc độ của các chuyên gia chứng khoán, vấn đề của Yeah1 nằm ở mô hình phát triển thiếu bền vững của tập đoàn này khi kinh doanh trên nền tảng có sẵn của quốc tế và việc cổ phiếu thổi giá quá mức trước đó.

Ông Hà Uyên Việt, chuyên gia phân tích của một quỹ đầu tư tại Hà Nội, cho rằng sự cố với YouTube làm giảm giá trị của YEG "mở ra sự thiếu ổn định trong hoạt động của tập đoàn này”.

Quang Thắng

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/mat-hon-4000-ty-von-hoa-yeah1-chi-tien-mua-3-12-trieu-co-phieu-post926760.html