Mất hàng triệu con lợn vì dịch tả châu Phi, thiệt hại quá lớn, ngân sách cạn tiền

Tính đến nay, cả nước đã phải tiêu hủy hơn 4 triệu con lợn vì dịch tả lợn châu Phi khiến ngân sách dự phòng cho công tác chống dịch cạn kiệt.

Cụ thể, theo Kinh tế Đô thị đưa tin, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại 6.246 xã thuộc 571 huyện của 62 tỉnh, thành phố, với tổng số lợn tiêu hủy là 4.030.773 con, có tổng trọng lượng là 219.678 tấn. Trong đó có 4.684 xã thuộc 571 huyện của 62 tỉnh, TP, với tổng số lợn tiêu hủy là 3.236.077 con chưa qua 30 ngày; 1.562 xã thuộc 325 huyện của 53 tỉnh, TP, với tổng số lợn tiêu hủy là 794.696 con đã qua 30 ngày.

Còn tại Hà Nội, kể từ khi xuất hiện ổ DTLCP đầu tiên tại hộ chăn nuôi lợn rừng tại Long Biên vào ngày 24/2 đến nay, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 28.532 hộ chăn nuôi (chiếm 35,3 % tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi)/2.312 thôn, tổ dân phố/447 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện, thị xã; làm mắc bệnh và tiêu hủy 496.553 con (chiếm 26,5 % tổng đàn) với trọng lượng 34.151 tấn. Tổng số lợn nái, đực giống phải tiêu hủy là 65.135 con, chiếm 13 % tổng số lợn phải tiêu hủy trên địa bàn TP.

Hàng triệu con lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi khiến ngân sách phòng chống dịch bị cạn kiệt. Ảnh: Vietnamnet

Hàng triệu con lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi khiến ngân sách phòng chống dịch bị cạn kiệt. Ảnh: Vietnamnet

Chỉ trong 3 ngày (26-28/7), bệnh DTLCP đã phát sinh tại 71 hộ, cơ sở chăn nuôi thuộc 16 quận, huyện, thị xã; làm mắc bệnh, tiêu hủy 1.968 con lợn với trọng lượng 137.717 kg. Trong tuần (22-28/7), bệnh DTLCP phát sinh mới tại 164 hộ, cơ sở chăn nuôi, 01 thôn; làm mắc bệnh, tiêu hủy 3.696 con với trọng lượng 242.352 kg. So với tuần trước (15-21/7): Dịch bệnh phát sinh giảm hơn 211 hộ, cơ sở chăn nuôi và số lợn hủy giảm 2.406 con.

Hiện, cả nước chỉ còn duy nhất tỉnh Ninh Thuận chưa có bệnh DTLCP. Theo Bộ NN-PTNT, nhiều địa phương mất tới 30-40% tổng đàn khiến ngân sách dự phòng cho công tác chống dịch đã cạn kiệt.

Theo Vietnamnet, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường từng thừa nhận, chưa có dịch bệnh nào lại gây ra tác hại lớn, gây khó khăn vất vả trong quá tình ứng phó như dịch bệnh này. Cũng chưa có loại dịch bệnh gì đối với sản xuất mà cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, phải liên tục thay đổi sự chỉ đạo, các địa phương tự sáng tạo, điều chỉnh để đối phó với dịch bệnh.

“Có những tỉnh dùng toàn bộ ngân sách dự trữ để hỗ trợ nhưng chỉ đáp ứng được một phần nhỏ thiệt hại do dịch bệnh này gây ra”, ông Cường nhận định, diễn biến chưa dừng lại, phải xác định sống chung với dịch bệnh này.

Chia sẻ về vấn đề trên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Minh Quang nói: “Toàn tỉnh có 180 tỷ đồng kinh phí dự phòng nhưng thiệt hại do DTLCP gây ra đã lên tới gần 600 tỷ đồng. Tình hình xử lý hết sức khó khăn”.

Trước đó, khi nói về DTLCP, bà Hoàng Thị Tố Nga - Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Nam Định - thừa nhận rằng dịch bệnh này gây thiệt hại nặng về kinh tế hơn cả thiên tai, bão gió, khiến lãnh đạo tỉnh “phát sốt” vì trong đời quản lý tài chính chưa thấy dịch bệnh nào thiệt hại lớn như thế.

Trước tình hình đó, nhiều địa phương đã làm công văn gửi Thủ tướng, Bộ NN-PTNT đề nghị có giải pháp hỗ trợ người chăn nuôi sau dịch như: sớm có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay đối với những trang trại và hộ chăn nuôi đã bị dịch; hộ nuôi chưa bị ảnh hưởng dịch nhưng giá bán quá thấp...

Tín hiệu đáng mừng là đến nay, đã có 137 xã, phường thuộc 24 quận, huyện dịch bệnh đã qua 30 ngày không phát sinh. Điều này có được nhờ những nỗ lực không ngừng của các cấp chính quyền. Ngoài các đợt vệ sinh, khử trùng tiêu độc đại trà; thành phố và chính quyền địa phương đã cấp bổ sung 232 tấn hóa chất và 8.084 tấn vôi bột cho người dân để khử trùng, tiêu độc ổ dịch và nơi nguy cơ cao.

Minh Khôi (T/h)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/mat-hang-trieu-con-lon-vi-dich-ta-chau-phi-thiet-hai-qua-lon-ngan-sach-can-tien-a286526.html