Mất hàng trăm triệu vì 'bẻ kèo' thanh lý hợp đồng mua nhà

Trong bối cảnh tín dụng và trái phiếu bị siết chặt, nguồn tiền huy động từ khách hàng đang trở thành 'cứu cánh' của không ít doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong thời gian tới, 'đôi cánh' này cũng có nguy cơ gãy khi làn sóng thanh lý hợp đồng đặt cọc đang lan rộng.

Anh Lê Minh, giám đốc một sàn địa ốc tại TP.Thủ Đức (TP.HCM) cho biết, trong nửa đầu tháng 1/2023, số lượng căn hộ và đất nền ký gửi bán lại tại công ty đã tăng thêm 15% so với tháng 12/2022. Riêng lượng khách chờ thanh lý hợp đồng (mua nhưng đổi ý trả lại hàng) tăng 20%.

Khách “rời cuộc chơi” sớm

Nguyên nhân dẫn đến số lượng hồ sơ xin thanh lý hoặc giãn tiến độ thanh toán tăng vọt, theo anh Minh là do người mua để ở hoặc nhà đầu tư không thoát được hàng do thị trường thứ cấp tắc thanh khoản, áp lực đòn bẩy tài chính và thu hồi vốn đè nặng.

Có mặt tại sàn, chị Vũ Thị Hồng là một trong số nhiều người chọn cách thanh lý hợp đồng cọc. Cuối năm 2021, chị quyết định mua căn hộ 5 tỷ đồng tại Thủ Đức, số tiền đặt cọc là 20% tương đương 1 tỷ đồng.

80% số tiền đặt cọc được chị Hồng đi vay. Cuối quý I/2022, khi áp lực tài chính tăng, chị Hồng ký gửi nhờ sàn bán lại với giá gốc. Tuy nhiên, sau gần 10 tháng “nhiều người hỏi nhưng không có người mua”, chị quyết định thanh lý hợp đồng, chịu khoản phạt gần 230 triệu đồng.

“Lãi suất không quá áp lực, nhưng gánh nặng tâm lý thì dai dẳng, lại chưa biết khi nào thanh khoản thị trường hồi phục, hồi phục rồi có bán được giá gốc hay không. Nhận thấy rủi ro quá nhiều nên tôi quyết định thanh lý hợp đồng, chấp nhận được ăn, lỗ chịu”, chị Hồng chia sẻ.

Đang có một cơn "sóng ngầm" thanh lý hợp đồng mua nhà đất.

Đang có một cơn "sóng ngầm" thanh lý hợp đồng mua nhà đất.

Cùng chung cảnh ngộ, anh Đại, mua một căn hộ 42m2, giá 2,5 tỷ đồng tại TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương, cho biết đã đóng 40% giá trị hợp đồng. Càng về sau, tiến độ thanh toán càng nặng, cảm nhận không kham nổi, anh chọn phương án thanh lý sau thời gian dài không thể thoát hàng.

Anh Đại thừa nhận vì không thể với tới căn hộ ở trung tâm, anh đã chấp nhận mua nhà ở xa hơn. Với khát khao có nhà, anh đánh liều vay thêm tiền để đặt cọc, tâm lý là giá kiểu gì cũng tăng, sau không kham được lãi thì bán lại ăn chênh. Nhưng cái kết thì lại… “quá đắng”.

Đáng chú ý, ngay cả người mua thanh lý căn hộ do lỗi từ phía chủ đầu tư chưa hoàn thiện pháp lý cũng nhận lại những khoản bồi thường rất thấp. Đơn cử như một dự án trên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, khách hàng chỉ được hoàn tiền gốc với lãi suất 5% khi hủy hợp đồng.

Theo chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến làn sóng thanh lý hợp đồng mua nhà đất. Đầu tiên là lỗi thuộc về chủ đầu tư, dự án kéo dài, khách mất kiên nhẫn. Thứ hai là người mua “gãy đòn bẩy”, không thể xoay được tiền đóng theo tiến độ, cũng không thể bán thoát hàng.

Ngoài ra, trong bối cảnh niềm tin thị trường bất động sản đang “chạm đáy”, tâm lý kỳ vọng đã biến mất trong ngắn hạn, nhiều người có tâm lý thu tiền mặt về, chấp nhận các khoản lỗ để giảm thiểu rủi ro.

Doanh nghiệp cũng khốn khổ

Đáng chú ý, theo ghi nhận từ thực tế, những trường hợp sau thanh lý được trả lại tiền ngay là còn “may mắn” vì nhiều khách hàng dù đã chịu lỗ nhưng vẫn phải mòn mỏi chờ được nhận lại tiền cọc.

Điển hình, tại một dự án căn hộ nằm ở trung tâm quận Bình Thạnh, nhiều khách hàng đã phải chờ đợi gần 2 tháng nhưng chủ đầu tư vẫn chưa tất toán tiền theo hợp đồng thanh lý đã thỏa thuận. Lý do được doanh nghiệp đưa ra là khó khăn kéo dài, nguồn tiền cạn kiệt.

Ông Bình, một khách hàng của dự án đã đóng 600 triệu đồng theo hợp đồng cọc, ký hồ sơ thanh lý từ đầu tháng 12/2022, được hẹn 30 ngày sau hoàn tiền. Nhưng đến nay vẫn chưa thấy tiền đâu. “Tôi đến công ty đòi, nhân viên chỉ nói xin lỗi, hẹn sau Tết”, ông Bình nói.

Có thể thấy, việc thanh lý hợp đồng không chỉ mang đến những khoản lỗ trăm triệu cho người mua, mà với các chủ đầu tư cũng là nỗi ám ảnh. Bởi, khó khăn lớn nhất hiện nay là doanh nghiệp địa ốc thiếu hụt dòng tiền nên không thể chi trả đúng hẹn.

Xin được giấu tên, đại diện chủ đầu tư một dự án quy mô 550 căn hộ tại Thủ Đức, thừa nhận vài tháng nay “mất ăn mất ngủ” vì áp lực tài chính, liên tục “chạy đôn, chạy đáo” để hóa giải khó khăn.

Đặc biệt, để có tiền, công ty đã phải đi vay ngoài với lãi suất cao hoặc bán bớt dự án hoặc tài sản với mức giá rẻ để thu hồi tiền về. Như một miếng đất ở Bình Dương, giá mua vào hơn 500 tỷ đồng, nhưng công ty vừa phải bán lại với giá chưa đầy 350 tỷ đồng.

“Đủ áp lực từ trả lãi vay ngân hàng, thanh toán công nợ nhà thầu, lo lương nhân viên… Chúng tôi đang phải vay mượn khắp nơi để duy trì hoạt động. Vì vậy, thêm khoản tiền thanh lý hợp đồng từ khách hàng thực sự là gánh nặng lớn. Chưa kể nguồn tiền từ khách hàng đang là “cứu cánh” của nhiều doanh nghiệp, giờ mất đi thì khó càng thêm khó”, vị đại diện doanh nghiệp nói.

Theo giới phân tích, trong thời gian tới, nếu tín dụng không được khơi thông, thị trường tiếp tục ảm đạm, cuộc đua thanh lý căn hộ có thể lan rộng hơn, thậm chí bùng nổ trong hai quý đầu năm 2023. Các chủ đầu tư vốn dĩ đã thiếu hụt dòng tiền từ nhiều tháng qua sẽ cần ít nhất 6-12 tháng để cân đối tài chính, thu xếp được dòng tiền tất toán được cho hàng loạt khách hàng thanh lý hợp đồng.

Hưng Nguyên

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//toan-canh/mat-hang-tram-trieu-vi-be-keo-thanh-ly-hop-dong-mua-nha-1090484.html