Mặt hàng cần trục bánh lốp không thuộc mã 8426.41.00

Các mặt hàng cần trục bánh lốp loại có 2 cabin riêng biệt (cabin điều khiển di chuyển phương tiện và cabin điều khiển cần trục) có kết cấu tương tự ô tô cần cẩu và phù hợp phân loại thuộc mã số 8705.10.00 – 'Xe cần cẩu', không phù hợp phân loại là máy móc thuộc mã số 8426.41.00.

Qua Hệ thống Tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Công ty CP Kỹ nghệ hạ tầng TELIN phản ánh việc phân loại, áp mã mặt hàng “Cần trục bánh lốp” hiện chưa thống nhất giữa Bộ Giao thông vận tải và Tổng cục Hải quan.

Theo Công văn số 5972/BGTVT-KHCN ngày 13/8/2008 của Bộ Giao thông vận tải trả lời Bộ Tài chính, đã thống nhất cơ quan Hải quan sẽ áp dụng việc phân loại cần trục theo TCVN 7772:2007.

Từ năm 2013 đến năm 2016, Công ty CP Kỹ nghệ hạ tầng TELIN khi làm thủ tục hải quan nhập khẩu lô hàng “Cần trục bánh lốp” đều phân loại, áp mã theo đúng hướng dẫn của Tổng cục Hải quan, Cục Đăng kiểm là phân loại vào mã 8426.41.00.

Tuy nhiên, theo Công văn số 552/TCHQ-TXNK ngày 26/1/2018 và Công văn số 2383/TCHQ-TXNK ngày 3/5/2018, Tổng cục Hải quan lại áp các xe cần trục bánh lốp vào nhóm “Xe cần cẩu” mã HS 8705.10.00.

Đồng thời, tại Công văn số 2383/TCHQ-TXNK của Tổng cục Hải quan có nêu: “Liên quan đến Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 13/2015/TT-BGTVT ngày 21/4/2015 Công bố danh mục hàng hóa nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Giao thông vận tải, các loại cần trục bánh lốp được để chung mã 8426.41.00 là chưa hợp lý. Tổng cục Hải quan sẽ có trao đổi với Bộ Giao thông vận tải về vấn đề này”.

Việc quy định phân loại “Cần trục bánh lốp” vào mã 8705.10.00, Tổng cục Hải quan không thành lập Hội đồng thẩm định và mời các chuyên gia kỹ thuật cùng đạo diện các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền để xác định và đưa ra kết luận chính xác mà tự kết luận. Đồng thời cũng không nêu rõ thực hiện từ thời điểm nào, dẫn đến việc Công ty CP Kỹ nghệ hạ tầng TELIN có thể bị Cục Hải quan thành phố Hải Phòng ấn định tăng thuế đối với các lô hàng đã nhập khẩu từ năm 2014 đến năm 2016. Điều này sẽ khiến Công ty gặp nhiều khó khăn, thua lỗ trong kinh doanh.

Công ty CP Kỹ nghệ hạ tầng TELIN kiến nghị Tổng cục Hải quan có văn bản hướng dẫn về việc phân loại, áp mã số, trong đó có thời gian áp dụng rõ ràng để không ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp.

Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan – Bộ Tài chính trả lời như sau:

Việc phân loại hàng hóa căn cứ trên bản chất cấu tạo của mặt hàng đó, theo đó, ý kiến của Cục Đăng kiểm tại Công văn 5468/ĐKVN-VAQ ngày 29/8/2018 cho thấy, các mặt hàng cần trục bánh lốp loại có 2 cabin riêng biệt (cabin điều khiển di chuyển phương tiện và cabin điều khiển cần trục) có kết cấu tương tự ô tô cần cẩu và phù hợp phân loại thuộc mã số 8705.10.00 – “Xe cần cẩu”, không phù hợp phân loại là máy móc thuộc mã số 8426.41.00.

Như vậy, ý kiến của Cục Đăng kiểm thống nhất với các hướng dẫn phân loại đã có của Tổng cục Hải quan (2382/TCHQ-TXNK ngày 3/5/2018, 552/TCHQ-TXNK ngày 26/1/2018 và 4462/TCHQ-GSQL ngày 22/9/2006).

Thực tế cho thấy, Bộ Giao thông vận tải phân loại hàng hóa trên cơ sở TCVN là để phục vụ mục đích quản lý chuyên ngành. Tổng cục Hải quan phân loại hàng hóa để xác minh mã số hàng hóa (theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam) làm cơ sở tính thuế và thực hiện chính sách quản lý hàng hóa theo quy định tại Luật Hải quan.

Tại các Công văn số 2382/TCHQ-TXNK ngày 3/5/2018 và 552/TCHQ-TXNK ngày 26/1/2018, Tổng cục Hải quan công nhận các mặt hàng xem xét là cần trục bánh lốp theo TCVN 7772:2007. Tuy nhiên, các loại cần trục bánh lốp được xem xét này phù hợp phân loại thuộc nhóm 87.05, mã số 8705.10.00 – “Xe cần cẩu” tại Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam. Việc phân loại theo TCVN và theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam là riêng biệt và có các phạm vi, tiêu chí khác nhau.

Tuy nhiên, tại Phụ lục II Ban hành kèm theo Thông tư số 13/2015/TT-BGTVT ngày 21/4/2015 của Bộ Giao thông vận tải về việc công bố danh mục hàng hóa nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành thì tất cả các loại cần trục bánh lốp hiện đang áp dụng mã số 8426.41.00.

Việc xác định mã số như vậy chưa phù hợp với nguyên tắc phân loại hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam. Tổng cục Hải quan đã trao đổi với Bộ Giao thông vận tải về vấn đề này, theo đó, Bộ Giao thông vận tải sẽ xem xét sửa đổi các Thông tư theo hướng thống nhất với Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.

Liên quan đến việc thành lập Hội đồng thẩm định để xác định hàng hóa và đưa ra kết luận, ngày 12/7/2018, Tổng cục Hải quan đã tổ chức họp bàn với đại diện Bộ Giao thông vận tải và các đơn vị Hải quan liên quan. Theo nội dung thống nhất tại cuộc họp, Tổng cục Hải quan đã lấy ý kiến của Cục Đăng kiểm chính thức bằng văn bản để có cơ sở trả lời Công ty CP Kỹ nghệ hạ tầng TELIN. Như vậy, việc xác định bản chất hàng hóa đã rõ ràng, thống nhất giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, bảo đảm việc xác định mã số hàng hóa theo quy định.

Quy định về thời gian thực hiện

Từ năm 2006, Tổng cục Hải quan có Công văn 4462/TCHQ-GSQL ngày 22/9/2006 phân loại các mặt hàng tương tự vào nhóm 8705.10.00, ngoài ra không có các công băn hướng dẫn khác. Công văn số 552/TCHQ-TXNK ngày 26/1/2018 và số 2383/TCHQ-TXNK ngày 3/5/2018, việc phân loại không khác so với văn bản đã hướng dẫn và chỉ làm rõ phạm vi nhóm 84.26 và mặt hàng đáp ứng được phạm vi của nhóm 84.26.

Cũng tại Công văn số 2383/TCHQ-TXNK ngày 3/5/2018, Tổng cục Hải quan đã giải thích rõ cho doanh nghiệp sự khác nhau trong phạm vi phân loại TCVN và Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam và việc phân loại hàng hóa của Tổng cục Hải quan căn cứ các thông tin, tài liệu kỹ thuật của hàng hóa để xác định tên gọi, mã số của hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam và phù hợp với chú giải chi tiết Danh mục HS của Tổ chức Hải quan thế giới.

Tại Công văn 2358/TCHQ-TXNK có nêu: “Việc kiểm tra sau thông quan có thời hạn 5 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan. Công văn số 552/TCHQ-TXNK ngày 26/1/2018 của Tổng cục Hải quan là văn bản giải thích việc phân loại hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam trên cơ sở Chú giải chi tiết HS, không phải văn bản sửa đổi bổ sung các hướng dẫn trước đây. Do vậy, đề nghị Công ty thực hiện theo đúng quy định”.

Căn cứ Điều 26 Luật Hải quan số 54/2016/QH13, Thông tư số 14/2015/TT-BTC ngày 30/1/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phân loại hàng hóa, phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm, Thông tư số 103/2015/TT-BTC ngày 1/7/2015 và Thông tư số 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017 của Bộ Tài chính về việc ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam. Trên cơ sở ý kiến của Cục Đăng kiểm tại Công văn 5468/ĐKVN-VAQ ngày 29/8/2018, đối với hàng hóa là các loại xe nhãn hiệu Liebherr LTM 1160/2, XCMG QY50K và QT25E nêu tại Công văn số 0905/18/CV-TL ngày 9/5/2018, là cần trục bánh lốp có hai cabin riêng biệt (cabin điều khiển di chuyển phương tiện là cabin điều khiển cần trục), có kết cấu tương tự như ô tô cần cẩu được nêu tại mục 3.4.2 của Tiêu chuẩn TCVN 7772:2007, thuộc nhóm 87.05, mã số 8705.10.00 – “Xe cần cẩu” tại Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.

Chinhphu.vn

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/tra-loi-cong-dan/mat-hang-can-truc-banh-lop-khong-thuoc-ma-84264100/350580.vgp