Mặt đường cầu Long Biên xuống cấp trầm trọng gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông

Do lượng phương tiện giao thông ngày một tăng, đặc biệt là lưu lượng người đi lại qua cầu Long Biên (Hà Nội) ngày càng nhiều, cộng với việc không được tu sửa thường xuyên, mặt đường cầu Long Biên ngày càng xuống cấp trầm trọng, nhiều ổ gà, điều này gây rất nhiều khó khăn cho người tham gia giao thông khi đi qua cầu Long Biên.

Người tham gia giao thông gặp khó khăn khi đi lại trên cầu Long Biên, do ổ gà quá nhiều.

Người tham gia giao thông gặp khó khăn khi đi lại trên cầu Long Biên, do ổ gà quá nhiều.

Lịch sử của cầu Long Biên

Cầu Long Biên là cây cầu bắc qua sông Hồng, cầu đã được đi vào thơ ca: “Hà Nội có cầu Long Biên/Vừa dài vừa rộng bắc qua sông Hồng”. Hiện nay cầu nối quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên của Hà Nội. Cầu do Pháp xây dựng (1898-1902), đặt tên là cầu Doumer, theo tên của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer. Hiện trên đầu cầu vẫn còn tấm biển kim loại có khắc chữ ghi thời gian thi công và nhà thầu xây dựng: “1899 -1902 - Daydé & Pillé – Paris”.

Cầu Long Biên là cầu thép, dài nhất đầu tiên ở Việt Nam với tổng chiều dài mặt cầu là 1680m. Cầu được thiết kế với kiểu dáng độc đáo do hãng Daydé & Pillé thiết kế giống với kiểu dáng của cầu Tolbiac ở quận 13, Paris trên tuyến đường sắt Paris - Orleáns, Pháp. Nha công chính Đông Dương xây dựng phần cầu dẫn. Ngày 12.9.1898 diễn ra lễ khởi công xây dựng và sau hơn 3 năm (chính xác là 3 năm 9 tháng) thì hoàn thành, dù kế hoạch dự trù phải mất 5 năm.

Ổ gà chiếm hết diện tích mặt cầu Long Biên.

Để tiến hành xây dựng cầu, người Pháp phải tuyển mộ hơn 3000 công nhân bản xứ và một đội ngũ khoảng 40 giám đốc, kỹ sư, chuyên gia và đốc công người Pháp để điều hành công việc. Người ta đã dùng đến 30.000m3 đá và kim loại (5600 tấn thép cán, 137 tấn gang, 165 tấn sắt, 7 tấn chì). Tổng số tiền thực chi lên tới 6.200.000 franc Pháp, không vượt quá dự trù là bao. Cầu gồm 19 nhịp dầm thép đặt trên 20 trụ cao hơn 40m (kể cả móng) và đường dẫn xây bằng đá. Cầu dành cho đường sắt đơn chạy ở giữa. Hai bên là đường dành cho xe cơ giới và đường đi bộ. Đường cho các loại xe là 2,6m và luồng đi bộ là 0,4m. Luồng giao thông của cầu theo hướng đi xuôi ở phía trái cầu chứ không phải ở bên phải như các cầu thông thường khác.

Năm 2002, Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt thông qua dự án gia cố sửa chữa cầu Long Biên giai đoạn 2 với tổng vốn đầu tư 94,66 tỷ đồng nhằm mục tiêu đảm bảo an toàn khai thác đến năm 2010. Tính đến ngày nay, cầu Long Biên đã đưa vào sử dụng được 118 năm. Gần như suốt cả thế kỷ XX, cả Hà Nội chỉ có cầu Long Biên bắc qua sông Hồng. Phải đến năm 1985, cầu Chương Dương được xây dựng xong mới giảm được cảnh ắch tắc cho cầu Long Biên.

Ổ gà chi chít mặt đường.

Do giao thông ngày một tăng trong thập kỷ 90, cầu Long Biên được sử dụng chỉ cho tàu hỏa, xe đạp và người đi bộ. Cầu Chương Dương nằm trong mục tiêu đáp ứng nhu cầu đi lại và để phát triển kinh tế, xã hội đô thị ở hai bên bờ sông Hồng Hà Nội. Những năm đầu thế kỷ XXI, do giao thông ngày một tăng, cầu Chương Dương thường xuyên xảy ra ùn tắc. Đến cuối năm 2005, xe máy lại được phép đi qua cầu Long Biên để giảm việc ùn tắc giao thông cho cầu Chương Dương.

Mặt đường của cầu xuống cấp trầm trọng

Hiện nay, do lượng phương tiện giao thông ngày một tăng, đặc biệt là lưu lượng người đi lại qua cầu Long Biên ngày càng nhiều, cộng với việc không được tu sửa thường xuyên, cho nên mặt đường cầu Long Biên ngày càng xuống cấp trầm trọng, nhiều ổ gà, điều này gây rất nhiều khó khăn cho người tham gia giao thông khi đi qua cầu Long Biên.

Cầu Long Biên còn có giá trị cao về mặt lịch sử, nếu không có các biện pháp kịp thời, thì cầu sẽ dần đánh mất đi giá trị cũng như gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Những ổ gà nằm ngay giữa đường, người tham gia giao thông thường phải tránh các ổ gà, nên thường đi vào sát thành cầu, điều này cũng rất dễ gây ra tai nạn, nhưng nhìn chung gần như là cả mặt đường chỗ nào cũng ổ gà, nên người tham gia giao thông cũng chả biết tránh vào đâu, cứ phải đi trên những cái ổ gà đấy, nếu không vững tay lái, chỉ cần một người ngã xuống, nếu không khéo sẽ xảy ra tai nạn liên hoàn trên cầu sẽ rất nguy hiểm.

Hiện tại, mặt đường của cầu Long Biên xuống cấp trầm trọng, nếu nhìn vào mặt đường, hẳn nhiều người sẽ cho rằng đây là một con đường mà mặt đường của nó chắc là xấu nhất trong các con đường ở Hà Nội.

Thiết nghĩ, cầu Long Biên là một cây cầu có nhiều giá trị về mặt lịch sử, đặc biệt là đối với người dân Hà Nội, nên cần phải tu sửa lại mặt đường cầu Long Biên, để người dân đi lại được thuận tiện dễ dàng. Mặt khác, mặt đường đẹp còn góp phần làm đẹp thêm cho cầu Long Biên.Vì vậy, mong rằng những cơ quan chức năng có thẩm quyền vào cuộc tu sửa lại mặt đường cầu Long Biên.

Vương Quốc Hoa

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/lo-ngai-mat-duong-cau-long-bien-xuong-cap-tram-trong-gay-nguy-hiem-cho-nguoi-tham-gia-giao-thong-75414