Mất đất vì... cho mượn

Nể tình họ hàng, bà Nguyễn Thị Xuân ở tổ 7, phường Quang Vinh (T.P Thái Nguyên) cho anh rể là ông Nguyễn Hoàng Khiêm mượn đất nông nghiệp của gia đình để sử dụng. Thế nhưng, sau đó vài năm, thửa đất ấy lại nằm trong 'sổ đỏ' của gia đình ông Khiêm. Điều này đã dẫn đến việc tranh chấp giữa hai bên suốt gần 20 năm qua.

Đã gần 20 năm qua, sự việc tranh chấp đất đai của gia đình bà Nguyễn Thị Xuân vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Đã gần 20 năm qua, sự việc tranh chấp đất đai của gia đình bà Nguyễn Thị Xuân vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Năm 1990, gia đình bà Nguyễn Thị Xuân được Hợp tác xã nông nghiệp Quang Vinh, T.P Thái Nguyên (viết tắt là Hợp tác xã) giao khoán thửa đất nông nghiệp số 166, tờ bản đồ số 15, diện tích 362m2. Sau khi được giao khoán, bà sử dụng đúng mục đích và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng giao khoán. Đến năm 1995, do thường xuyên đi làm xa nhà nên bà đã cho ông Nguyễn Hoàng Khiêm mượn thửa đất này để canh tác. Bà Xuân cho biết: Ông Khiêm với tôi là họ hàng nên khi cho mượn đất, tôi không yêu cầu ông Khiêm viết giấy tờ hay thỏa thuận về thời hạn trả đất. Nhưng năm 2001, khi Nhà nước có chủ trương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) đất nông nghiệp cho người dân thì ông Khiêm đã tự kê khai thửa ruộng của gia đình tôi.

Sở dĩ xảy ra sự việc trên là do bà Xuân thường xuyên đi làm xa nhà nên đã không tự thực hiện kê khai các thông tin về đất ruộng cho tổ sản xuất (Hợp tác xã) để được chính quyền địa phương thẩm định, cấp GCNQSD đất. Vì thế, tổ sản xuất đã kê khai giúp gia đình bà. Lúc đó, ông Khiêm cũng đang làm việc trong tổ sản xuất. Đến năm 2002, sau khi nhận được GCNQSD đất nông nghiệp, bà Xuân mới biết thửa đất cho ông Khiêm mượn đã được ông tự kê khai và được cấp GCNQSD vào năm 2002.
Khi chúng tôi trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Khiêm về vấn đề này, ông Khiêm khẳng định: Tôi không mượn đất của bà Xuân mà được Hợp tác xã giao khoán sử dụng cách đây hàng chục năm về trước. Cũng theo ông Khiêm, năm 1995, bà Xuân đã viết đơn trả ruộng cho Hợp tác xã. Sau đó, Hợp tác xã mới giao khoán cho gia đình ông sử dụng từ đó đến nay. Mặc dù khẳng định vậy, nhưng khi chúng tôi đề nghị được xem các giấy tờ chứng minh Hợp tác xã giao khoán đất ruộng cho gia đình thì ông Khiêm không cung cấp được với lý do đã “đánh mất” từ lâu.

Cho rằng quyền lợi của mình bị ảnh hưởng, bà Xuân đã nhiều lần làm đơn gửi đến tổ hòa giải ở cơ sở yêu cầu gia đình ông Nguyễn Hoàng Khiêm giao trả lại đất ruộng. Nhưng đến nay, sau gần 20 năm trôi qua với hơn 10 cuộc hòa giải ở cơ sở nhưng đều không thành công. Điều đáng nói, trong những lần hòa giải đó, bà Xuân thu thập thêm được đơn viết tay của ông Nguyễn Hoàng Khiêm đồng ý trả đất nông nghiệp cho bà Nguyễn Thị Xuân vì đã kê khai nhầm diện tích đất mượn (có chữ ký xác nhận của ông Khiêm, tổ trưởng tổ dân phố và UBND phường Quang Vinh). Tiếp đến vào năm 2016, UBND phường Quang Vinh đã tổ chức đoàn kiểm tra hiện trạng thửa đất tranh chấp và xác định thửa đất trên có nguồn gốc sử dụng là của bà Nguyễn Thị Xuân, được Hợp tác xã giao khoán. Do đó, phường Quang Vinh đã đề nghị cơ quan có thẩm quyền chỉnh lý biến động đối với GCNQSD đất của ông Nguyễn Hoàng Khiêm để trả đất cho bà Nguyễn Thị Xuân. Vậy nhưng, đến nay, sự việc này vẫn chưa được cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm. Trước thực tế này, năm 2018, bà Xuân đã làm đơn khởi kiện ông Nguyễn Hoàng Khiêm đến Tòa án nhân dân T.P Thái Nguyên về việc tranh chấp quyền sử dụng đất nông nghiệp. Mặc dù, Tòa đã thụ lý vụ việc nhưng đến nay vẫn chưa đưa ra xét xử.

Thiết nghĩ, Tòa án T.P Thái Nguyên cần sớm đưa sự việc ra xét xử để làm rõ cơ sở cấp GCNQSD đất nông nghiệp đối với gia đình ông Nguyễn Hoàng Khiêm. Nếu gia đình ông không đủ điều kiện cấp GCNQSD đất thì cần sớm được thu hồi theo đúng quy định để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho những bên liên quan...

Hoàng Cường

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/tin-tuc/xa-hoi/mat-dat-vi-cho-muon-287475-85.html