Mật Đá

Cuối thu đầu đông, thời tiết khô hạn kèm cái lạnh se sắt bao phủ khắp nơi làm đất trời cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) thật u ám. Những triền đá tai mèo xám xịt cồn tua tủa lên bầu trời. Đâu đâu cũng một màu buồn tẻ. Ấy thế mà mùa buồn nhất cao nguyên đá lại mang đến một thứ mật ngọt luyến nhớ, đó là mật ong hoa bạc hà, từ tháng 10 đến tháng 12 âm lịch hằng năm.

Dưới thảm hoa bạc hà tím nhạt, hoa cỏ kim trắng muốt, hoa ngũ sắc xanh, hoa dền đỏ, hoa dong riềng vàng..., một nhóm người đang cần mẫn làm việc, người nào người nấy đội mũ có lưới trùm kín mặt, tay đi găng, bên cạnh là một cái lò khói nghi ngút. Cẩn thận mở nắp tổ ong, nhấc cầu ong ra khỏi tổ, xịt khói cho ong bay đi rồi họ ngồi xuống ngay bên cạnh tổ lấy con dao nạo gọn sáp để vệ sinh cầu ong, thả chúa, kiểm tra phấn hoa...

Gia đình anh Thào Chứ Nhù, 33 tuổi, người Mông ở thôn Sủng Của, xã Sủng Trái, huyện Đồng Văn, nuôi ong từ 6 năm nay

Gia đình anh Thào Chứ Nhù, 33 tuổi, người Mông ở thôn Sủng Của, xã Sủng Trái, huyện Đồng Văn, nuôi ong từ 6 năm nay

Bận rộn và đầy thanh sắc

- Mấy tổ đấy còn trứng không?

- Không.

- Thế thì mất chúa rồi.

- Không, vẫn còn trong rọ.

- Thế thì thả ra.

...

Những tiếng trao đổi vang lên ở một góc thung lũng.

Mật ong bạc hà màu vàng chanh, vàng nâu, sánh, mùi the mát, dịu ngọt, luôn được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng

Từ năm 2014 đến nay, cứ đầu tháng 10, nhóm của anh Trần Nghiệp, Công ty TNHH Trường Anh, lại từ Tuyên Quang chở ong lên cao nguyên đá Đồng Văn để đón vụ mật hoa cỏ kim, hoa bạc hà. Những người nuôi ong là dân du mục đúng nghĩa. Một người lên trước thám thính các điểm hoa nở, chọn được điểm đỗ, họ liền gọi điện về, người ở nhà chất thùng ong lên ôtô tải rồi lập tức lên đường.

Điểm dừng đầu tiên của nhóm anh Nghiệp là xã Sủng Trái. Năm nay, họ phụ trách 190 tổ ong. Vài tấm gỗ ghép lại làm phản nằm, đóng cọc, dựng bạt lên che nắng, che mưa. Người có thể ăn uống tạm bợ nhưng tổ ong thì phải chỉn chu. Thùng ong được đóng bằng gỗ, hình chữ nhật, mỗi thùng chứa 6 đến 10 cầu ong, giống ong nội địa, thuần chủng (tên khoa học: Apis cerana). Tổ ong được đặt ngay ngắn trên giá đỡ gỗ cao, mái che lá cọ hoặc miếng tôn, xong xuôi thì kéo miếng tôn nhỏ mở cửa, rào rào, ong thợ túa ra từng nắm như vãi thóc bay ra tìm hoa, hút mật. Rồi cứ thế, họ bốc thùng ong và lán trại di chuyển khắp nơi: Ma Lé, Sà Phìn, Lũng Phìn... cứ đâu có nhiều hoa nở mà chưa có người đặt ong thì họ đến. Công việc cứ lặp đi lặp lại mỗi ngày, hết tìm bãi thả, vệ sinh tổ, lại quay mật. Vòng quay ấy chỉ kết thúc vào ngày 25 tháng 12 âm lịch, tàn mùa hoa bạc hà cũng là lúc họ gói ghém đồ nghề xuôi về nhà ăn Tết, nghỉ ngơi sau một mùa vụ tất bật.

Cây bạc hà thuộc loại thân cỏ, lá mọc so le, hình răng cưa. Cây nảy mầm từ mùa xuân nhưng phải đến mùa thu mới ra hoa, hàng trăm bông hoa nhỏ làm thành một bông hoa lớn hình đuôi chồn, những bông hoa nhỏ hình quả chuông chứa rất nhiều mật. Vào độ cuối thu, hoa bạc hà nở tím dâng tràn mênh mông lên bạt ngàn đá núi âm u, bầy ong thợ kéo đến hàng đàn mải mê hút mật. Từ sáng sớm đến chiều tối, vùng hoa bạc hà luôn rù rì, náo nhiệt trong tiếng ong bay.

Hạt cây bạc hà tháng 12 âm lịch rụng xuống đất, theo gió bay khắp nơi, đậu trên mặt đất, len vào các vách đá tai mèo, giắt lên thân cây... Vì có tinh dầu nên chúng không bị sâu ăn, không bị thối. Các loại hạt khác gieo xuống đất 7 ngày là nảy mầm nhưng hạt bạc hà 9 tháng sau mới nảy mầm. Chính thổ nhưỡng, khí hậu khắc nghiệt, khô hạn của cao nguyên đá Hà Giang đã giúp hạt bạc hà ẩn nhẫn chờ thời để đến mùa xuân thì bung nở. Thời tiết càng khô hạn, cây bạc hà càng nhiều tinh dầu, hoa càng thơm, càng nhiều mật. Cây bạc hà là sự đền bù của thiên nhiên cho cao nguyên đá khắc nghiệt này. Nhưng bạc hà cũng rất “cảnh vẻ”, phải ở những nơi người ta làm nương ngô, đất sạch thì cây mới tốt. Trời se lạnh, có sương xuống là chúng mọc ùn ùn, ken dày, xanh lét. Chỗ cây cỏ rậm rạp, không trồng ngô, đất không sạch, bạc hà không lên nhiều. Nhưng cũng chính nương ngô lại gây hại nhiều cho cây bạc hà, bởi cây bạc hà mong manh như cỏ nên người Mông cuốc đất làm nương ngô thường cuốc phá luôn cả cây bạc hà. Thế nên, năm nào bạc hà cũng mất một lứa. Tiếc của, nhiều chính quyền địa phương như huyện Đồng Văn phải nghĩ ra cách vận động rồi hỗ trợ người dân 200.000 đồng/ha/vụ để khi làm nương ngô, phải làm cẩn thận, không cuốc phá mất cây bạc hà.

Một đàn ong mạnh mỗi năm có thể tiêu thụ 80-90kg mật. Nếu nuôi một đàn ong cho thu hoạch khoảng 25kg mật ong mỗi năm, có nghĩa chúng phải sản xuất ra 140-146kg mật. Muốn sản xuất ra 1kg mật ong, một con ong phải đi lấy mật 2.500 chuyến và phải hút mật 9-10 triệu bông hoa. Như vậy, 1 năm đàn ong phải hút mật 1.100-1.200 triệu bông hoa thì mới sản xuất ra số mật đó vừa để ăn, vừa cung cấp mật cho người nuôi.

Cách lán trại của nhóm anh Nghiệp vài ba cây số là điểm nuôi ong của anh Thào Chứ Nhù, 35 tuổi, người Mông ở thôn Sủng Của, xã Sủng Trái, huyện Đồng Văn, một trong những hộ nuôi ong nổi tiếng của cao nguyên đá.

Cách đây 6 năm, thấy người dưới xuôi lặn lội vượt đèo dốc chở từng ôtô tải thùng ong lên quê mình mỗi mùa hoa cúc kim, hoa bạc hà, anh thấy lạ rồi lân la tìm hiểu, thấy thích quá, anh đút túi 5 triệu đồng xuôi xuống huyện Yên Minh mua ong giống về nuôi. Vừa làm vừa học của những người nuôi ong trước, dự những lớp khuyến nông do UBND xã mở, hướng dẫn kỹ thuật tạo ong chúa, tách đàn, phòng chống dịch bệnh cho đàn ong, phòng chống hiện tượng ong bốc bay, kỹ thuật khai thác và bảo quản mật... Cũng phải mất 3 năm anh Nhù mới thành nghề.

Anh Nhù bảo, nghề nuôi ong sợ nhất là ong bốc bay. Dấu hiệu nhận biết là ong chúa ngừng đẻ trứng hoặc đẻ rất ít, các lỗ nhộng đã nở thành con gần hết; ong thợ không đi làm, có vài con chỉ bay ra bay vào; trong cầu ong đã bị ong ăn hết mật dự trữ hoặc còn lại cũng rất ít; đàn ong chạy đi chạy lại lộn xộn. Khi thấy hiện tượng ấy, việc đầu tiên là phải đóng ngay cửa tổ ong lại không cho ong chúa ra ngoài; sau đó tìm cách bắt và nhốt ong chúa vào lồng. Giữ được ong chúa, đàn ong sẽ ở lại và không thể rời tổ được.

Mật Đá

Xong phần ngọn là phải tìm gốc của vấn đề. Nguyên nhân làm cho ong bốc bay trước hết là do thiếu nguồn hoa, nguồn mật, nên trong tổ ong thiếu thức ăn để nuôi ong non, ong thợ quyết định đi tìm địa điểm mới có nhiều nguồn thức ăn hơn. Thứ hai, nhiệt độ trong thùng ong hoặc quá nóng hoặc quá lạnh mà ong thợ đã hết khả năng điều hòa như quạt cánh khi nóng, tụ nhau lại khi lạnh, ong thợ phải đi tìm chỗ khác mát mẻ hơn hoặc ấm áp hơn. Thứ ba, vị trí đặt tổ ong không được yên tĩnh thường có súc vật đi qua, bị các thiên địch vào phá tổ, thậm chí kỹ thuật chăm sóc ong của người nuôi thường làm xáo động tổ ong, ong thợ nhận thấy ở đây không an toàn và có xu hướng đưa đàn ong đi nơi khác. Thứ tư, đàn ong bị sâu bệnh phá hoại bánh tổ. Khi trong trại ong có một đàn ong bốc bay sẽ kích thích các đàn ong khác cũng muốn bốc bay. Khắc phục được nguyên nhân rồi cũng phải để vài ngày cho đàn ong ổn định mới thả ong chúa ra, đàn ong sẽ trở lại bình thường.

Vợ chồng anh Nhù nuôi ong quanh năm. Với 22 tổ ong hiện có, bình thường anh mang ong đi Mậu Duệ thả cho ăn các loại hoa, đến đầu tháng 10 âm lịch bắt đầu mùa hoa bạc hà thì anh lại chở ong về Sủng Trái ở đến hết tháng 12 âm lịch. Ong người ta nuôi cho ăn đường thì 4-5 ngày là được quay mật, nhưng anh Nhù nuôi hoàn toàn bằng mật hoa bạc hà, 2-3 tuần mới được quay mật. Mật của anh ngon nên người ta gọi điện hỏi ngày quay rồi đến tận nơi lấy hết. Anh bán lẻ 400.000 đồng/lít, bán cả xách (can 20 lít) thì 7 triệu đồng. Trung bình mỗi năm gia đình anh Nhù thu được 50 triệu đồng từ nuôi ong.

Để ong và hoa cùng sống đẹp

Một đàn ong mạnh mỗi năm có thể tiêu thụ 80-90kg mật. Nếu nuôi một đàn ong cho thu hoạch khoảng 25kg mật ong mỗi năm, có nghĩa chúng phải sản xuất ra 140-146kg mật. Muốn sản xuất ra 1kg mật ong, một con ong phải đi lấy mật 2.500 chuyến và phải hút mật 9-10 triệu bông hoa. Như vậy, 1 năm đàn ong phải hút mật 1.100 - 1.200 triệu bông hoa thì mới sản xuất ra số mật đó vừa để ăn vừa cung cấp mật cho người nuôi. Phấn hoa là thức ăn của ong, nếu không có phấn hoa, ấu trùng sẽ chết đói, ong trưởng thành sẽ chóng già và tuổi thọ ngắn hơn. Mỗi đàn ong mạnh mỗi năm có thể lấy được 20-30kg phấn hoa và cả đàn ăn hết 18-20kg. Số còn lại người nuôi ong có thể thu hoạch được, thường mỗi đàn thu 5-6kg phấn hoa.

Thế nên, cứ nhìn đàn ong là đã thấy tất bật. Người nuôi ong sống giữa khung cảnh lãng mạn với hoa thơm cỏ lạ, không khí trong lành, tươi đẹp, nhưng luôn chân luôn tay. Anh Trần Minh Thái là Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Quốc Bảo, nuôi mật ong bạc hà ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang từ năm 2006 đến nay. Theo kinh nghiệm của anh, ngủ dưới lán nuôi ong mà thấy yên ắng là ít mật. Vì nếu nhiều phấn hoa, nhiều mật thì ong thợ phải quạt cánh liên tục để cho nước bốc hơi. Mở thùng ong ra mà thấy đáy thùng khô thì ít mật, đáy thùng phải ướt sũng như vừa cõng thùng ong lội qua sông thì mới nhiều mật.

Năm 2016, nhiều người nuôi ong quá mà diện tích cây bạc hà không tăng nên mất mùa mật. Vì ít hoa, ít mật nên nhiều chủ đàn ong làm ăn gian dối, tối đến cho ong ăn nước đường no căng bụng. Sáng ra, khách du lịch đi qua điểm nuôi ong, xuống tham quan, họ cũng quay mật đàng hoàng nhưng chất lượng mật không cao. Ong ăn nước đường, chai mật để 1-2 tháng sẽ chua, đường đóng một lớp trắng, dày ở đáy chai.

Năm 2016 cũng thêm một đại nạn nữa của nghề nuôi ong bạc hà. Những chủ ong dưới xuôi mang giống ong ngoại (tên khoa học: Apis melliffera) đổ lên cao nguyên đá Hà Giang. Ong ngoại to, dữ tợn, không chỉ hút mật mà còn cắn nát hết hoa bạc hà. Người nuôi ong bản địa và chính quyền địa phương phải vừa thuyết phục vận động, vừa kiên quyết trục xuất những người ngoan cố, cuối cùng hoa bạc hà mới hết kiếp nạn.

Hình ảnh thân thuộc ở cao nguyên đá mỗi mùa ong làm mật

Ở cao nguyên đá Hà Giang, khi cái gió se se lạnh là lúc cây bạc hà tươi xanh và trổ hoa tím ngát. Hương thơm và mùi hoa quyến rũ ấy thu hút những đàn ong thợ từ khắp nơi bay đến hút mật. Loài cây hiếm hoi mọc trên triền đá xám trong cái giá lạnh se sắt của mùa đông cùng sự cần cù của loài ong đã cho vùng đất này một sản vật độc đáo áo. Mỗi gia đình người Mông ở vùng cao nguyên đá từ nhiều đời nay đều có một vài đàn ong nội nuôi lấy mật làm thuốc và làm bánh vào các dịp tết, lễ hội, cúng bái... Mật ong bạc hà được người Mông ở cao nguyên đá sản xuất theo phương thức truyền thống. Ong được nuôi chủ yếu bằng hoa bạc hà (mật và phấn của nhụy hoa cho mùi vị rất riêng biệt), hoa cỏ kim và một số loài hoa dại khác. Được chiết xuất nguyên chất nên mật ong bạc hà đã trở thành một thứ đặc sản quý. Mật ong bạc hà màu vàng chanh, vàng nâu, sánh, the mát, dịu ngọt.

Tháng 6-2018, nhóm tác giả Lê Quang Trung (Công ty CP Chứng nhận và Giám định VinaCert), Nguyễn Đình Ánh (Trung tâm Kiểm nghiệm, Sở Y tế tỉnh Hà Giang), Phạm Minh Giang (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Giang) và cộng sự đã công bố kết quả nghiên cứu khả năng kháng khuẩn của mật ong bạc hà tại cao nguyên đá Hà Giang.

Họ đã thu thập mẫu mật ong bạc hà từ 9 trại ong của 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc, đồng thời thu thập thêm 2 mẫu mật ong rừng để so sánh vòng kháng khuẩn với mật ong bạc hà. Hai chất kháng khuẩn glyoxal (GO) và methyglyoxal (MGO) trong mẫu mật ong bạc hà được phân tích xác định hàm lượng bằng phương pháp UHPLC-PDA (ultra-high-performance liquid chromatography-photodiode array) tại phòng thử nghiệm 1 thuộc VinaCert. Bên cạnh đó, họ cũng xác định và so sánh vòng kháng khuẩn S.aureus của mật ong bạc hà với mật ong rừng theo phương pháp khuếch tán đĩa thạch tại phòng thí nghiệm của Viện Sinh hóa biển thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam.

Kết quả cho thấy, hàm lượng GO và MGO trung bình trong mật ong bạc hà lần lượt là 3,61 mg/kg và 2,42 mg/kg, trong khi hàm lượng hai chất này trong mật ong rừng đã được công bố trên thế giới chỉ có 0,7 mg/kg và 1,10 mg/kg; vòng kháng khuẩn S.aureus của mật ong bạc hà là 0,89cm2 ở nồng độ 50%. Kết quả phân tích chứng tỏ mật ong bạc hà khai thác tại cao nguyên đá Hà Giang có khả năng kháng khuẩn cao, đồng thời có thể sử dụng sự khác biệt về hàm lượng GO và MGO so với các loại mật ong khác như những chỉ thị để truy xuất nguồn gốc loại mật ong này.

Theo nghiên cứu, cây bạc hà tại các huyện vùng cao phía Bắc tỉnh Hà Giang (Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn) là cây cỏ dại, thân thảo, mọc tự nhiên trên đất nương khô, ở những nơi có độ cao từ 1.000-1.500m so với mực nước biển. Cây thường mọc trong giai đoạn tháng 6 và 7 dương lịch, xen lẫn với vụ ngô xuân - hè. Hoa bạc hà có màu tím, tím nhạt và trắng, nở vào cuối tháng 10 đến tháng 1 năm sau (trong mùa sinh trưởng gần như không có mưa) và là nguồn thức ăn chủ yếu của ong mật. Hiện nay, diện tích cây bạc hà tại 4 huyện vùng cao nguyên đá có trên 4.125,45ha, trong đó Đồng Văn 1.000 ha, Mèo Vạc 1.244ha, Quản Bạ 732ha, Yên Minh 1.149,45ha.

Nghị quyết số 209/2015/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Hà Giang về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn quy định hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay cho các tổ chức, cá nhân mua giống ong nội, quy mô tối thiểu từ 20 tổ ong trở lên. Mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất tối đa là 1 triệu đồng/tổ ong, thời gian hỗ trợ 24 tháng. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đồng Văn lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015-2020 xác định con ong là 1 trong 4 con được đầu tư phát triển (nghị quyết “ba cây, bốn con”: cây lê, cây dược liệu, cây tam giác mạch; con bò, con dê, con ong, con lợn).

Có thể nói, con ong là “con nghị quyết” của tỉnh Hà Giang. Cùng với cho vay vốn, UBND các huyện đã chỉ đạo trung tâm dạy nghề huyện phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển ong Việt Nam mở hàng trăm lớp tập huấn kỹ thuật đến từng cụm xã, thị trấn có người nuôi ong để đào tạo nghề, giúp các chủ hộ nuôi ong nắm bắt kỹ thuật lựa chọn ong giống, kỹ thuật tạo ong chúa, phân chia đàn ong, phòng chữa bệnh cho ong, khai thác mật…

Ngay đến chuyện sự sinh tồn của cây thân thảo mỏng manh như bạc hà cũng được quan tâm đặc biệt. Huyện Đồng Văn là một trong những vùng nuôi ong trọng điểm của tỉnh Hà Giang, trên địa bàn huyện có tổng số 8.726 đàn ong nội. Các xã có số lượng đàn ong lớn là Thài Phìn Tủng, Sủng Trái, Lũng Phìn, Sà Phìn, Phố Cáo, Lũng Thầu, Hố Quáng Phìn và thị trấn Đồng Văn. Để phục vụ việc duy trì, phát triển đàn ong nội, huyện Đồng Văn đã quy hoạch 1.712ha đất trồng cây bạc hà/16 xã, thị trấn và có cơ chế hỗ trợ 200.000 đồng/ha/vụ để người dân trồng, chăm sóc bảo vệ. UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động nhân dân thu gom cây bạc hà lấy hạt giống để nhân rộng, trồng mới.

Hoa bạc hà nở từ cuối tháng 10 đến tháng 1 năm sau, là nguồn thức ăn chủ yếu của những đàn ong mật bản địa

Năm 2017, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang, thực hiện dự án “Nghiên cứu xây dựng quy trình trồng, chăm sóc cây bạc hà trên địa bàn tỉnh Hà Giang”. Đây là nghiên cứu chuyên sâu, bài bản, khoa học đầu tiên từ trước đến nay về cây bạc hà.

Dự án điều tra hiện trạng phân bố và các yếu tố ảnh hưởng đến sự phân bố của cây bạc hà tại các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ; nghiên cứu một số đặc điểm nông, sinh học của cây và chỉ ra các giống cây nguồn mật bạc hà hiện có trên địa bàn 4 huyện; nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật nhằm mục đích thâm canh cây bạc hà gắn với phát triển du lịch cao nguyên đá Đồng Văn; nghiên cứu xây dựng vùng nguyên liệu, quy trình thâm canh cây bạc hà phục vụ phát triển đàn ong mật cũng như quy hoạch vùng và đề xuất ban hành chính sách hỗ trợ cho phát triển vùng nguyên liệu bạc hà trên địa bàn theo chủ trương của tỉnh; bổ sung thêm thông tin vào các dữ liệu khoa học về cây bạc hà.

Ông Giang Đức Hiệp, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Giang, cho biết: Đến nay, tổng đàn ong tại 4 huyện vùng cao nguyên đá Hà Giang là 33.251 đàn (chiếm trên 61,5% tổng số đàn ong của toàn tỉnh) với 2.522 tổ chức, cá nhân nuôi ong, trong đó có 38 tổ hợp tác, nhóm sở thích nuôi ong; 13 hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia sản xuất, chế biến mật ong bạc hà. Năm 2017, tổng sản lượng mật ong bạc hà đạt 138.519 lít, đem lại giá trị gần 100 tỉ đồng.

Huyện Đồng Văn là một trong những vùng nuôi ong trọng điểm của tỉnh Hà Giang, trên địa bàn huyện có tổng số 8.726 đàn ong nội. Các xã có số lượng đàn ong lớn là Thài Phìn Tủng, Sủng Trái, Lũng Phìn, Sà Phìn, Phố Cáo, Lũng Thầu, Hố Quáng Phìn và thị trấn Đồng Văn. Huyện Đồng Văn đã quy hoạch 1.712ha đất trồng cây bạc hà/16 xã, thị trấn và có cơ chế hỗ trợ 200.000 đồng/ha/vụ để người dân trồng, chăm sóc bảo vệ.

Nhằm bảo tồn và phát triển giống ong nội, còn gọi là ong châu Á/ ong bản địa quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng; tập trung phát triển giống ong nội tại vùng cao nguyên đá Đồng Văn; ngăn chặn việc đưa các giống ong từ nơi khác vào khu vực bảo tồn trên cơ sở quy định của pháp luật; bảo vệ, phát triển và quảng bá chỉ dẫn địa lý sản phẩm mật ong bạc hà huyện Mèo Vạc trên cao nguyên đá Đồng Văn; phát triển diện tích cây bạc hà phù hợp với số lượng đàn ong trong những năm tiếp theo, ngày 19-7-2017, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành Kế hoạch số 206/KH-UBND về bảo tồn và phát triển giống ong nội tại 4 huyện vùng cao nguyên đá Đồng Văn, giai đoạn 2017-2020.

Khu vực bảo tồn giống ong nội tại Hà Giang được xác định tại 4 huyện thuộc vùng cao nguyên đá gồm: Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ. Phương pháp bảo tồn là tại chỗ, bảo tồn giống ong nội trong môi trường sống đã được hình thành và phát triển. Để thực hiện phương pháp này, tất cả các tổ chức, cá nhân chỉ được phép nhân nuôi giống ong nội hiện có, tuyệt đối không cho nhập các giống ong khác đến vùng này; ngăn chặn các tổ chức, cá nhân mang ong từ nơi khác đến khu vực bảo tồn; ký cam kết giữa các hộ dân với chính quyền địa phương chỉ phát triển giống ong nội.

UBND 4 huyện chỉ đạo các lực lượng chức năng, chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát để phát hiện và ngăn chặn kịp thời những trường hợp mang ong từ nơi khác đến khu vực bảo tồn; tăng cường công tác quản lý, kiểm soát thị trường, có chế tài xử lý nghiêm các đối tượng quảng bá, tiêu thụ hàng nhái, hàng kém chất lượng làm giảm uy tín, gây ảnh hưởng đến thương hiệu sản phẩm mật ong bạc hà Mèo Vạc; in tem điện tử thông minh truy xuất nguồn gốc mật ong bạc hà Mèo Vạc cấp cho các doanh nghiệp, HTX sử dụng...

Ông Lê Quang Trung, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển ong Việt Nam, cho biết: “Đề án nhân rộng và phát triển đàn ong mật sẽ nâng cao sản lượng mỗi đàn lên 6 lít/năm. Đây chắc chắn sẽ là cơ hội để số lượng đàn ong của tỉnh Hà Giang tăng nhanh, đồng thời người dân có thể thoát nghèo từ nghề truyền thống này

Maurice Maeterlinck (1862-1949), nhà thơ, kịch tác gia, triết gia người Bỉ, từng đoạt giải Nobel văn chương năm 1911, trong khảo luận triết học “Đời ong” đã viết những dòng rất nên thơ: “Ở nơi đây, cũng như bất cứ nơi nào có đặt những tổ ong, chúng sẽ đem lại cho những cánh hoa, sự tĩnh lặng, bầu không khí man mác, những tia nắng một ý nghĩa mới. Ở đó như thể đang diễn ra ngày hội mùa hạ. Ở đó ta có thể nghỉ ngơi ở một ngã tư tươi sáng, nơi những đường bay hội tụ và lan tỏa, từ lúc bình minh ló rạng cho đến khi hoàng hôn buông xuống, chúng mang theo đủ mọi hương vị bận rộn và đầy thanh sắc của làng quê. Ở đó, ta có thể thấy một tâm hồn ngời ngời và hạnh phúc, một tiếng nói khôn ngoan và đầy nhạc điệu, một tổ ấm vui nhộn trong thời khắc tuyệt đẹp của khu vườn. Ở đó, trong ngôi trường của đàn ong, chúng ta hiểu ra những mối bận tâm của tự nhiên toàn năng, những mối quan hệ trong sáng giữa ba thế giới của tự nhiên, sự phát triển bất tuyệt của sự sống, đức hạnh của sự lao động hăng say và vô vị lợi và cũng tuyệt vời như đức hạnh của sự lao động. Ở đó có những cô ong thợ anh hùng dạy ta biết quý trọng hương vị ngọt ngào thoáng qua lúc nhàn cư, qua những đường nét nồng nhiệt được hàng nghìn đôi cánh nhỏ của mình vẽ nên như thể nhấn mạnh cái niềm vui sướng gần như không thể diễn tả nổi của những ngày thanh khiết hồi chuyển quanh mình trong không gian, khi chẳng mang theo mình một cái gì, ngoài cái chu trình trong sáng, vẹn toàn, giống như niềm hạnh phúc hết mực trinh bạch”.

Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/mat-da-561333.html