Mắt có 'ruồi bay' qua là bệnh gì?

'Ruồi bay' là bệnh lý hay gặp ở bệnh nhân trung niên do quá trình lão hóa tự nhiên của mắt. Tuy nhiên, cũng có những bệnh nhân trẻ khi liếc hoặc đảo mắt thấy xuất hiện có vệt đen, chấm nhỏ, hay ruồi bay trước mắt.

Trường hợp của chị N.T.H.T (27 tuổi, nhân viên kế toán tại một công ty ở Thạch Thất, Hà Nội) là một ví dụ điển hình cho việc không nên chủ quan với tình trạng mắt của mình, đặc biệt khi có dấu hiệu bất thường ở mắt.

Theo lời kể của chị T., mắt chị bị cận thị từ năm học lớp 3 và tăng dần độ cận tới khi chị học đại học mới ổn định. Khoảng 2 tháng nay, thỉnh thoảng chị thấy có hiện tượng như một bóng nước tự dưng xuất hiện và trôi qua lại trong mắt. Bóng nước này chị cảm thấy nhiều hơn khi chị liếc hay đảo mắt. Ban đầu, hiện tượng này chỉ xuất hiện ở 1 mắt phải, sau đó 1 tháng thì mắt trái của chị cũng bị, ngoài ra còn có kèm theo chớp sáng trong mắt khi chị ở trong phòng tối.

Đến ngày 26/10, công ty của chị có đợt khám sức khỏe, chị đăng ký khám mắt chuyên sâu.

Bác sĩ Chuyên khoa (CK) I Đoàn Thu Hiền – Bệnh viện Medlatec nhận định đây có thể là vấn đề bệnh lý đáy mắt trên bệnh nhân cận thị cao nên đã tiến hành soi đáy mắt và siêu âm mắt cho chị. Kết quả phát hiện, cả hai mắt của chị đều bị vẩn đục dịch kính nhiều, kèm theo thoái hóa võng mạc chu biên do cận thị cao. Rất may, trong trường hợp của chị T., mặc dù đã có thoái hóa võng mạc - dịch kính nhưng chưa có nguy cơ tạo vết rách võng mạc nên đã được bác sĩ kê đơn để điều trị tại nhà và hướng dẫn chế độ sinh hoạt phù hợp kết hợp tái khám định kỳ.

Mắt có “ruồi bay” qua. (Ảnh minh họa)

Mắt có “ruồi bay” qua. (Ảnh minh họa)

Giải thích về hiện tượng trên, bác sĩ Hiền cho biết, với triệu chứng như vậy, bệnh thường gặp nhất là do vẩn đục dịch kính. Đây là tình trạng lắng đọng hoặc ngưng tụ collagen trong dịch kính - một tổ chức trong suốt, có tính chất gel ở trong mắt. Vẩn đục dịch kính có thể chỉ hiện diện ở một mắt hoặc cả hai mắt với biểu hiện: Xuất hiện những đốm đen, mạng nhện hay sợi tơ lơ lửng trước mắt, có thể kèm theo chớp sáng khi đảo mắt hoặc không. Trong dân gian thường được gọi chung là hiện tượng “ruồi bay”.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, dấu hiệu “ruồi bay” kèm theo chớp sáng có thể là dấu hiệu báo trước cho một tình trạng nghiêm trọng hơn, đó là rách hoặc bong võng mạc mắt.

Nguyên nhân dẫn đến vẩn đục dịch kính

Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra vẩn đục dịch kính. Tất cả các tổn thương dẫn đến lắng đọng các chất trong dịch kính đều có thể gây ra vẩn đục bao gồm: Thoái hóa, co rút dịch kính là nguyên nhân phổ biến nhất; Bong dịch kính sau và rách/bong võng mạc; Lắng đọng các tế bào viêm hoặc tế bào máu trong dịch kính.

Đối tượng có nguy cơ bị vẩn đục dịch kính: Người từ tuổi trung niên trở lên do quá trình lão hóa tự nhiên của mắt; Người cận thị thường bị thoái hóa sớm; Người có các bệnh lý đáy mắt như bệnh võng mạc tiểu đường viêm nội nhãn, viêm màng bồ đào, sau chấn thương mắt hoặc thậm chí sau phẫu thuật hoặc sau laser điều trị các bệnh mắt.

Nên làm gì khi xuất hiện “ruồi bay”?

Bác sĩ Đoàn Thu Hiền đưa ra lời khuyên, khi phát hiện mắt nhìn thấy “ruồi bay” như trên thì bạn nên đến khám bác sĩ chuyên khoa mắt để tìm ra nguyên nhân và có được lời khuyên, cách xử trí thích hợp. Việc này cũng giúp bệnh nhân tránh các biến chứng nghiêm trọng do có thể có các bệnh lý gây ảnh hưởng xấu đến thị lực, thậm chí có thể mù lòa.

Trẻ em và người trẻ bị cận thị (đặc biệt cận thị trên 3-4 diop) nên đi khám định kỳ 6 tháng/lần. Ngoài việc kiểm tra lại khúc xạ còn cần được soi đáy mắt, siêu âm mắt phát hiện sớm các nguy cơ thoái hóa sớm dịch kính, thoái hóa võng mạc

Khánh Chi

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/suc-khoe/mat-co-ruoi-bay-qua-la-benh-gi-268135.html