Mất cơ hội vì tin Washington, phe đối lập Syria nuốt hận

Diễn tiến tình hình tại Syria cho thấy, vì nghe lời Mỹ mà từ chối Hội nghị Đối thoại Quốc gia, phe đối lập Syria đã sai lầm nghiêm trọng...

Dù từ chối tham gia, nhưng phe đối lập Syria vẫn quay lại với kết quả của Hội nghị Đối thoại Quốc gia

Theo TASS, ngày 26/10, một phái đoàn do ông Nasr al-Hariri, đứng đầu Ủy ban đàm phán cấp cao (HNC) - đại diện phe đối lập Syria - tới Nga thảo luận với Ngoại trưởng Sergei Lavrov về tình hình Idlib và tiến trình chính trị cho Syria.

Phát ngôn viên HNC Yahya al-Aridi cho biết: "Phái đoàn chúng tôi đến Moscow gặp gỡ với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov để thảo luận về tình hình tại Idlib và sự ra mắt của Ủy ban Hiến pháp Syria”.

Xin nhắc lại, việc thành lập Ủy ban Hiến pháp Syria là kết quả của Hội nghị Đối thoại Quốc gia Syria, tổ chức vào tháng 1/2018 theo sáng kiến của Tổng thống Putin, sự kiện chính trị mà phe đối lập Syria đã từ chối tham gia.

ông Nasr al-Hariri, Trưởng phái đoàn đàm phán đối lập Syria

Còn nhớ, chính người phát ngôn HNC Yahya al-Aridi khi đó đã khẳng định Hội nghị Đối thoại Quốc gia Syria chỉ là một bước đi của Moscow nhằm hủy hoại nỗ lực của LHQ trong kiến tạo nền hòa bình và giải pháp chính trị cho Syria.

Theo giới quan sát phương Tây, phe đối lập Syria tẩy chay Hội nghị Đối thoại Quốc gia Syria là nhằm làm giảm ý nghĩa của sự kiện chính trị đặc biệt và làm thất bại ý đồ của Moscow nhằm xác lập vị thế tại Syria thời hậu IS.

Tuy nhiên, thực tế diễn tiến tình hình tại Syria thời gian qua lại cho thấy phe đối lập từ chối Hội nghị Đối thoại Quốc gia là một sai lấm chính trị nghiêm trọng của lực lượng nổi dậy chống lại nhà nước Syria.

Thứ nhất, từ chối tham gia Hội nghị Đối thoại Quốc gia, phe đối lập Syria đã từ bỏ cơ hội mà người Syria được tạo điều kiện tốt nhất để thực hiện vai trò chủ thể lịch sử, tự quyết định vận mệnh đất nước mình.

Vấn đề nằm ở sự khác biệt giữa Hội nghị Đối thoại Quốc gia Syria với các cơ chế khác trong kiến tạo hòa bình và xây dựng giải pháp chính trị cho Syria, bao gồm cả Hội nghị Quốc tế Geneva về Syria.

Có thể thấy hầu hết các cơ chế kiến tạo hòa bình và chính trị cho Syria đều được xác lập dựa trên thế và lực của các phe phái trong cuộc chiến chống IS cũng như trong cuộc nội chiến, chứ không dựa trên cấu trúc xã hội của Syria.

Vì vậy lợi ích của các bên tham gia hòa đàm chủ yếu là lợi ích của các phe phái chính trị chứ không phải là lợi ích của cộng đồng dân tộc Syria. Nghĩa là việc thương lượng chỉ nhắm đáp ứng lợi ích phe phái.

Điều đó khiến cho người dân Syria như bị đặt bên lề lịch sử, trong khi họ là chủ thể duy nhất của lịch sử dân tộc. Đây là một trong những nguyên nhân khiến Hội nghị Geneva, dù được LHQ bảo trợ, chỉ là nơi để các phe phái Syria cãi vã.

Phá hỏng Hội nghị Đối thoại Quốc gia là sai lầm của phe đối lập Syria

Thực tế cho thấy, để Syria có một nền hòa bình thực sự, một giải pháp chính trị toàn diện thì mọi cơ chế giải quyết xung đột tại Syria phải được xác lập trên nền tảng lợi ích của dân tộc Syria, đảm bảo cho người dân Syria quyền tự quyết.

Hội nghị Đối thoại Quốc gia Syria đã đáp ứng được những yêu cầu đó. Chính người phát ngôn của phe đối Yahya al-Aridi cũng phải nhìn nhận: “Hội nghị Sochi là thông điệp gửi tới thế giới rằng người dân Syria đang hòa giải”.

Một sự kiện chính trị ý nghĩa như vậy, một cơ hội tuyệt vời cho lịch sử dân tộc Syria như vậy, thế mà những người đại diện cho lực lượng nổi dậy lại từ chối. Rõ ràng, họ đã chọn đứng bên lề lịch sử dân tộc Syria.

Thứ hai, từ chối Hội nghị Đối thoại Quốc gia, phe đối lập Syria chứng tỏ họ không hướng tới độc lập cho Syria, mà họ hướng tới một chế độ lệ thuộc vào ngoại bang, để đất nước tiếp tục là nơi xâu xé và tạo ảnh hưởng của các thế lực bên ngoài.

Giải thích lý do từ chối Hội nghị Đối thoại Quốc gia, ông Yahya al-Aridi cho biết : “Chúng ta cần hiểu rằng có một Nghị quyết chính trị mang số 2254 của HĐBA LHQ cần được thực hiện và các cuộc đối thoại hòa bình tại Geneva vẫn đang diễn ra”.

Theo giới phân tích, Hội nghị Quốc tế Geneva và khung pháp lý đảm bảo cho nó vận hành - Nghị quyết 2254 của HĐBA - là cơ chế mang tính áp đặt, chỉ có giá trị khi người Syria chưa có điều kiện xác lập một cơ chế hòa giải cho chính mình.

Bởi Nghị quyết 2254 là do các thành viên HĐBA soạn thảo nên không thể hoàn toàn phù hợp với ý nguyện của người dân Syria, vì vậy Hội nghị Quốc tế Geneva vận hành theo khung pháp lý ấy cũng không hoàn toàn đảm bảo lợi ích của dân tộc Syria.

Có lẽ nhận ra sự khiếm khuyết của Nghị quyết 2254 và Hội nghị Quốc tế Geneva nên Tổng thống Putin đã quyết định tổ chức một sự kiện chính trị đặc biệt, tạo điều kiện cho người dân Syria tự xác lập một cơ chế hòa giải, hòa hợp cho riêng mình.

Chiến lược của Tổng thống Putin là hướng tới cả dân tộc Syria

Nói chính xác hơn, Hội nghị Đối thoại Quốc gia Syria có thể được xem là cơ chế hòa giải mà ở đó đảm bảo sự độc lập cho người Syria trong việc quyết định tương lai đất nước mình, hạn chế tới mức thấp nhất tác động bởi yếu tố ngoại bang.

Một sự kiện quan trọng đảm bảo cho nền độc lập của Syria như vậy, song nhiều phe nhóm đối lập Syria lại từ chối tham gia. Điều đó cho thấy dường như họ muốn người ngoài quyết định vận mệnh đất nước thay cho bản thân họ.

Đến nay, phải xác định tham gia vào Ủy ban Hiến pháp - cơ chế khởi phát của tiến trình chính trị Syria theo kết quả Hội nghị Đối thoại Quốc gia Syria - chứng tỏ phe đối lập đã quá sai lầm khi nghe Washington, từ chối sự kiện chính trị đặc biệt này.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/mat-co-hoi-vi-tin-washington-phe-doi-lap-syria-nuot-han-3368031/