Mặt cầu Thăng Long rạn nứt, phía dưới vẫn tồn tại 'siêu thị đồ Nhật'

Mới đây, Sở GTVT Hà Nội đã có báo cáo về tình trạng hư hỏng của cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng. Mặt đường bê tông nhựa trên năm dàn thép cầu chính bị hằn lún, rạn nứt nhiều chỗ; vạch sơn mòn, sơn tim đường bị biến dạng, 4 trong 8 khe co giãn cầu bị hư hỏng và được che tạm bằng tấm thép để đảm bảo an toàn giao thông.

Cảnh buôn bán nhộn nhịp tại khu vực bán hàng nội địa Nhật nhìn từ trên cầu Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: Nhật Tân

Cảnh buôn bán nhộn nhịp tại khu vực bán hàng nội địa Nhật nhìn từ trên cầu Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: Nhật Tân

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đơn vị này đang phối hợp với Vụ Khoa học công nghệ (Bộ GTVT) nghiên cứu, đề xuất giải pháp sửa chữa tổng thể cầu Thăng Long. Chuyên gia cầu đường trong và ngoài nước được mời kiểm tra. “Việc sửa chữa tổng thể rất phức tạp, không chỉ liên quan đến mặt cầu mà còn giàn dầm thép của đường sắt, hệ thống bộ hành hai bên cầu do Hà Nội quản lý”, ông Huyện nói.

Đáng lưu ý, ngay phía dưới cầu Thăng Long vẫn tồn tại “siêu thị đồ Nhật”. Tháng 11/2017, Báo Gia đình & Xã hội có loạt bài phản ánh về tình trạng hành lang an toàn cầu Thăng Long đang bị lấn chiếm nghiêm trọng. Đặc biệt, trụ B7 – B9 của cầu bị một cơ sở đổ bêtông, quây tôn kín mít thành khu vực buôn bán đồ cũ, giới thiệu rầm rộ là “hàng nội địa Nhật Bản đã qua sử dụng”.

Dân chơi đồ cũ Hà thành gọi khu vực này là “siêu thị đồ Nhật” bởi lúc nào cũng có hàng trăm tấn máy móc với đủ loại thiết bị đã qua sử dụng, đổ về đây. Mặt trái của khu vực này là gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hành lang an toàn cầu, an toàn giao thông đường sắt.

Sau khi báo chí phản ánh, Công ty CP đường sắt Hà Thái - đơn vị được giao quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt trên khu vực cầu Thăng Long cùng chính quyền địa phương đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản xử phạt đối với chủ cơ sở lấn chiếm. Tuy vậy, trở lại “siêu thị đồ Nhật” vào một ngày giữa tháng 8/2018, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi khu vực lấn chiếm đã mở rộng hơn so với thời điểm cách đây 9 tháng. Số lượng máy móc đổ về vượt nhiều so với thời điểm trước đó. Cảnh mua bán hàng hóa, máy móc nhộn nhịp ngay dưới gầm cầu. Theo lời người dân sống gần khu vực, sau khi cơ quan chức năng xử lý, cơ sở này có dừng một thời gian ngắn nhưng sau đó lại hoạt động rầm rộ trở lại, thậm chí còn “bành trướng” lấn chiếm thêm diện tích dưới gầm cầu, biến thành kho chứa hàng.

Đại diện Công ty CP đường sắt Hà Thái cho biết: “Dù đã nhiều lần lập biên bản xử lý, nhưng vẫn như “đá ném ao bèo”. Tình trạng lấn chiếm dưới gầm cầu Thăng Long rất khó xử lý”.

Nhật Tân

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/mat-cau-thang-long-ran-nut-phia-duoi-van-ton-tai-sieu-thi-do-nhat-20180814085011801.htm