Mất cân bằng giới tính khi sinh có chiều hướng thay đổi

Theo đoàn khảo sát thực địa của Vụ truyền thông (Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình), tại một số địa bàn như Cao Bằng, Lạng Sơn… thực trạng giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh hiện đang có chiều hướng thay đổi.

Tại Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới, nằm ở phía Đông Bắc của Tổ quốc. Toàn tỉnh có dân số trên 778 ngàn người, với 7 dân tộc chính, trong đó dân tộc ít người chiếm khoảng 85% dân số của tỉnh (người Nùng chiếm 43,9%, người Tày 35,3%, người Kinh 15,3%, người Dao 3,5%...). Toàn tỉnh có 11 đơn vị hành chính gồm 10 huyện và 1 thành phố với 226 xã, phường, thị trấn, trong đó có 125 xã khu vực III, 1.125 thôn đặc biệt khó khăn.

Làm việc với đoàn khảo sát thực địa của Vụ truyền thông (Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình) tháng 6/2018, ông Nguyễn Quang Bằng – Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số-KKHGĐ tỉnh cho biết: “Trong thời gian qua, để làm tốt công tác dân số và phát triển, chúng tôi xác định công tác truyền thông có rất vai trò quan trọng - Nhờ truyền thông tốt mà nhận thức, hành vi của người dân dần chuyển đổi, do đó chất lượng dân số đã từng bước được nâng lên rõ rệt. Bên cạnh việc chú trọng truyền thông về các nội dung về Dân số KHHGĐ (duy trì và phát huy vai trò của các thành viên CLB không sinh con thứ 3 trở lên, cộng đồng chung tay chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi, chăm sóc sức khỏe sinh sản…, Chi cục dân số tỉnh còn đặc biệt chú trọng truyền thông về thực trạng và hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh thông qua nhiều hình thức".

Theo ông Nguyễn Quang Bằng (đứng): "Chi cục phối hợp với Đài phát thanh và truyền hình tỉnh Lạng Sơn xây dựng chuyện mục dân số và phát triển 1 chuyên đề/tuần (thời lượng 10 phút/chuyên đề phát sóng vào tối thứ 7, phát lại vào tối chủ nhật) với các nội dung chủ yếu về sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên, mất cân bằng giới tính khi sinh, xã hội hóa phương tiện tránh thai…).

Tỉnh đã xây dựng tài liệu truyền thông, cung cấp thông tin về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay ở Việt Nam và thế giới, đưa ra nhóm nguyên nhân cơ bản, nhóm nguyên nhân phụ trợ, nhóm nguyên nhân trực tiếp…); Hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh (khó khăn trong kết hôn, gia tăng tội phạm xã hội, tỷ số giới tính khi sinh hiện nay và tác động lên cấu trúc giới tính, độ tuổi của nhóm người trưởng thành…); Một số quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi (các quy định nghiêm cấm của 1 số nước. Quy định nghiêm cấm và xử lý hành vi lựa chọn giới tính thai nhi ở nước ta. Một số tình hình về lựa chọn giới tính thai nhi. Một số giải pháp thực hiện các quy định cấm của pháp luật về lựa chọn giới tính khi sinh…); Nhấn mạnh lựa chọn cảnh báo, nếu vẫn để tỷ số giới tính khi sinh chênh lệch như hiện nay thì khoảng 30 năm sau, tỉnh Lạng Sơn sẽ “dư thừa” trên 30.000 nam thanh niên không có khả năng tìm kiếm bạn đời…

Xây dựng Tài liệu tuyên truyền về Giới tính khi sinh...

Nội dung truyền thông thường ngắn gọn, dễ hiểu, chọn tiếng dân tộc lồng ghép vào nội dung các buổi truyền thông, đối tượng đến nghe được lựa chọn phù hợp với nội dung. Chú trọng loại hình tư vấn tại hộ gia đình, tư vấn cá nhân, đối thoại trực tiếp với cả vợ và chồng trong độ tuổi sinh đẻ, các gia đình sinh con một bề, các gia đình có phụ nữ đang mang thai, nhóm đối tượng đích…

Cán bộ dân số (đứng) truyền thông với nhóm phụ nữ tại hộ gia đình sinh con một bề tại Khối 7, Phường Vĩnh Trại, Thành phố Lạng Sơn (tháng 6/2018).

Kết quả, trong 6 tháng đầu năm 2018, phối hợp với các trường Trung học phổ thông, Trung học cơ sở tổ chức truyền thông về sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên tại 10 trường với 5.224 học sinh nghe về hoạt động của Mô hình, Đề án nâng cao chất lượng dân số, bất bình đẳng giới, hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh… Tổ chức truyền thông tại các lễ hội, trạm y tế các nội dung, kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới, ngày quốc tế hạnh phúc, ngày Quốc tế trẻ em gái… được trên 100 cuộc trên địa bàn tỉnh và trên 7.500 lượt tư vấn tại trạm y tế với trên 45 ngàn lượt người nghe. Thăm hộ gia đình được 5.934 lượt với 2.571 hộ… Qua đó góp phần đưa tỷ số giới tính khi sinh năm 2016 là 117,3 trẻ trai/100 trẻ gái, đến 2017, giảm xuống còn 116,7 trẻ trai/100 trẻ gái, 6 tháng đầu năm 2018 tiếp tục giảm xuống còn 115,9%.

Còn tại Cao Bằng, bà Lục Thị Thắng – Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh - cho biết: “Mặc dù công tác tổ chức bộ máy của ngành gặp nhiều khó khăn. Hiện, Chi cục và Trung tâm dân số KHHGĐ huyện đang thực hiện công tác chuẩn bị sáp nhập trung tâm Trung tâm dân số KHHGĐ huyện vào Trung tâm Y tế đa chức năng … tuyến tỉnh thiếu nhân lực để đảm nhiệm một số vị trí việc làm, tuyến huyện tư tưởng một số viên chức giao động, chưa an tâm công tác, đội ngũ cán bộ cấp xã, phường chưa được tuyển dụng, đội ngũ cộng tác viên thiếu kinh phí hoạt động… Tuy nhiên, trong thời gian qua, Chi cục Dân số tỉnh cũng đã làm tốt công tác tham mưu cho Sở y tế phối hợp với Sở Tài chính rà soát, lập dự toán trình các cấp có thẩm quyền cấp kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số theo Nghị định số 39/2015/NĐ-CP. Tham mưu ban hành Chương trình hành động truyền thông chuyển đổi hành vi về Dân số và Phát triển giai đoạn 2017-2020 của Sở Y tế. Tham mưu ban hành Kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Đề án “Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2017 -2025”.

Lồng ghép tổ chức các hoạt động truyền thông tại các cấp nhân ngày Quốc tế trẻ em gái 11/10 và chiến dịch truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh: tuyên truyền trên Báo Cao Bằng điện tử, trang web của Sở Y tế và Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe, bản tin “Thông tin Dân số -KHHGĐ”; Tổ chức 01 cuộc tập huấn truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh tại tỉnh cho 65 đại biểu của hệ thống Dân số KHHGĐ các cấp tham dự...

Bà Lục Thị Thắng: “Chúng tôi đã thường xuyên duy trì truyền thông tại cộng đồng về thực hiện chính sách dân số, bình đẳng giới… thông qua đội ngũ cán bộ Dân số - KHHGĐ cơ sở thông qua các hình thức thăm hộ gia đình, họp xóm, họp nhóm… vận động nhân dân thực hiện Mỗi cặp vợ chồng hãy nên sinh 2 con và nuôi dạy con tốt, không lựa chọn giới tính thai nhi…".

Nữ cộng tác viên dân số (áo trắng) tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe sinh sản tại hộ gia đình ở thôn Lũng Hảy (xã Vân Trình, huyện Hòa An, Cao Bằng).

Cán bộ dân số cấp xã (bìa phải) đến tuyên truyền về bình đẳng giới và chăm sóc sức khỏe sinh sản tại hộ gia đình người Dao đỏ sinh con một bề. Năm 2017 tỉnh Cao Bằng đã tổ chức 2.500 cuộc họp xóm, gần 30.000 lượt thăm hộ gia đình...

Bên cạnh đó, ngành Dân số còn tiếp tục duy trì hoạt động của 19 CLB tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân với 521 thành viên thuộc 4 huyện/thành phố. Tổ chức 101 cuộc tuyên truyền về dân số KKHGĐ, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân gia đình, các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về chính sách dân số, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em,… thu hút trên 3.000 lượt đối tượng tham dự; Thực hiện 46 cuộc tư vấn cho trẻ vị thành niên về quyền trẻ em gái, kiến thức sức khỏe sinh sản… cho 1.016 lượt đối tượng…; Phát động tham gia và tổ chức thực hiện có hiệu quả cuộc thi kể chuyện bằng hình ảnh “Con gái thật tuyệt” qua mạng xã hội với 1.423 bài dự thi và tỉnh đã đạt giải 3 Toàn quốc.... Kết quả, năm 2017, góp phần giảm tỷ suất sinh của Cao Bằng là 0,09% đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch giao. Tổng số trẻ sinh 8.106 trẻ, giảm 118 trẻ so với cùng kỳ 2016 và tỷ số giới tính khi sinh là 109 trẻ trai/100 trẻ gái.

T/H

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/hon-nhan-gia-dinh/mat-can-bang-gioi-tinh-khi-sinh-co-chieu-huong-thay-doi-post44709.html