Mất cả năm hàng viện trợ mới tới tay dân vùng bão thì còn ý nghĩa gì?

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho rằng thủ tục nhận viện trợ từ các tổ chức chậm chạp khiến việc đó không còn ý nghĩa đối với người dân chịu hậu quả thiên tai.

Ngày 9/11, tại hội nghị công tác khắc phục hậu quả và tái thiết sau bão lũ cho các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam, cho biết rất nhiều tổ chức, cơ quan ngỏ ý muốn viện trợ, giúp đỡ người dân ở vùng ảnh hưởng bão lũ. Song, các thủ tục rườm rà, khiến việc tiếp nhận gặp rất nhiều khó khăn.

"Tôi nghĩ người ta đã kịp thời hỗ trợ, mà mình không tiếp nhận họ lại nghĩ chúng ta vô cảm", bà Ánh nói.

Rạng sáng 9/11, máy bay chở hàng cứu trợ của Nga hạ cánh ở sân bay Cam Ranh. Hàng viện trợ nhân đạo gồm có lều bạt và các sản phẩm thực phẩm có đường, cũng như sữa, thịt và cá hộp. Ảnh: An Bình.

Từ chối sự giúp đỡ?

Dẫn chứng cho điều này, bà Ánh cho biết sau cơn bão số 12, hai tổ chức phi chính phủ đã đăng ký cung cấp 900 suất quà cùng thiết bị lọc nước cho người dân vùng lũ, thiếu nước sạch. Tuy nhiên, không hiểu sao số viện trợ này chưa được tiếp nhận

"Tôi đề nghị nếu vướng mắc chỗ nào cần tháo gỡ ngay, vừa giúp đỡ người dân kịp thời và vừa thể hiện trách nhiệm của chúng ta", bà Ánh nhấn mạnh.

Bày tỏ sự đồng tình, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng phàn nàn việc tiếp nhận viện trợ từ các tổ chức cực kỳ chậm, "có những thủ tục kéo dài tận một năm".

"Tôi vừa nhận được văn bản chỉ đạo đồng ý tiếp nhận viện trợ của UNICEF từ năm 2016. Rất nhiều thủ tục rườm rà, 4-5 tháng mà chưa lấy được tiền hỗ trợ, như vậy hành động không còn mang tính thời sự, ý nghĩa nữa", Thứ trưởng Thắng nói.

Ông đề nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư cần rà soát lại các thủ tục, bởi nhiều nơi mưa tràn trề, nhà bị ngập mà máy lọc nước vẫn chưa đến tay người dân.

Đường phố ngổn ngang sau bão, người dân Nha Trang đang khắc phục hậu quả, trở lại cuộc sống. Ảnh: An Bình.

"Nơi cần lại không được hỗ trợ"

Bên cạnh đó, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam ghi nhận các cơ quan tổ chức kịp thời trong công tác hỗ trợ với người dân. Tuy nhiên, bà đề nghị cần xem xét quy định vận động hỗ trợ để đảm bảo quyền lợi công bằng giữa các địa phương, tránh trùng lặp, bỏ sót hoặc rơi vào tình trạng "nơi cần lại không được hỗ trợ".

Cũng theo bà Ánh, sau khi ra lời kêu gọi ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bão lũ, Ủy ban MTTQ Việt Nam nhận được đăng ký của rất nhiều địa phương, bộ, ngành quyên góp hỗ trợ.

"Với số lượng 1.486 căn nhà bị sập hoàn toàn và nhà hư hỏng, chúng tôi cam kết với Chính phủ hỗ trợ các gia đình làm lại nhà, ổn định cuộc sống. Tôi vừa xin ý kiến Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam hỗ trợ 30 triệu/căn", bà cho hay.

Trước tình hình thiệt hại nghiêm trọng, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai kiến nghị Thủ tướng hỗ trợ khẩn cấp 31.745 tấn gạo cho các địa phương chịu thiệt hại của cơn bão số 12.

VIDEO: 'Người dân trước tiên phải cứu lấy nhau khi bão lũ'

Trung tướng Phạm Quang Cử, Phó tổng cục trưởng Tổng cục hậu cần, cho rằng cần quy hoạch lại hệ thống hồ đập, âu thuyền. Người dân trước tiên cần cứu lấy nhau để đối phó với bão lũ.

Tại hội nghị, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp nhu cầu, đề xuất Chính phủ phê duyệt để tổ chức cấp phát cho người dân.

“Người dân cần bao nhiêu thì xuất cấp hỗ trợ từng đó, yêu cầu các địa phương, bộ, ngành khẩn trương tổng hợp, rà soát, đề xuất để tổ chức cấp phát cho người dân”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Thống kê tính đến ngày 9/11 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, bão lũ đã làm 91 người chết (Thừa Thiên - Huế 10, Quảng Nam 10, Quảng Ngãi 5, Bình Định 7, Phú Yên 1, Khánh Hòa 43, Lâm Đồng 3, Kon Tum 1, Đắk Lắk 1 và 10 người do sự cố tàu vận tải tại khu vực biển Bình Định). Ngoài ra, 23 người vẫn mất tích.

Trà My

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/mat-ca-nam-hang-vien-tro-moi-toi-tay-dan-vung-bao-thi-con-y-nghia-gi-post794641.html