Mặt bằng sân bay Long Thành: Cần 23.000 tỷ, ngân sách mới bố trí được 5.000 tỷ

Tổng mức đầu tư cho dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cảng hàng không quốc tế Long Thành là hơn 23.000 tỷ nhưng hiện vốn ngân sách nhà nước mới bố trí được 5.000 tỷ đồng.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra tại hội trường,

Bố trí vốn từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn

Ngày 27/10, trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cảng hàng không quốc tế Long Thành, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết tổng mức đầu tư cho dự án hơn 23.000 tỷ nhưng hiện vốn ngân sách nhà nước mới bố trí được 5.000 tỷ đồng.

"Có ý kiến cho rằng, với lượng vốn ngân sách đã được bố trí khó tiến hành thu hồi đất một lần theo tinh thần Nghị quyết 94, do vậy, cần phân kỳ ra nhiều giai đoạn để thực hiện giải phóng mặt bằng", ông Vũ Hồng Thanh nói.

Theo Ủy ban Kinh tế, dự án cảng hàng không Long Thành được chia làm 3 giai đoạn thực hiện trong thời gian rất dài (riêng giai đoạn 1 đến năm 2025 mới hoàn thành, các giai đoạn sau có thể thực hiện trong nhiều năm).

Việc thu hồi đất một lần cho toàn bộ dự án có thể hiểu là tiến hành thu hồi đất, giải phóng mặt bằng cho cả 3 giai đoạn không phụ thuộc vào tiến độ của các giai đoạn sau. Theo Ủy ban Kinh tế, đặc thù công tác giải phóng mặt bằng thường gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn ngoài ngân sách để thực hiện; mặt khác, đây là dự án có quy mô thu hồi đất rất lớn, ảnh hưởng đến nhiều hộ dân.

Do vậy, để bảo đảm thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết 94 là thu hồi đất 1 lần, sớm ổn định cuộc sống, sản xuất của người dân, Ủy ban Kinh tế tán thành đề xuất của Chính phủ, đề nghị Quốc hội bố trí bổ sung vốn cho dự án từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 để bảo đảm đủ kinh phí thực hiện.

"Toàn bộ nguồn thu đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất tái định cư, cho thuê đất dự án sẽ được hoàn trả vào ngân sách trung ương", ông Vũ Hồng Thanh nói.

Ngoài ra theo ông Thanh, ngân sách sau này có thể được bổ sung từ thu lại tiền sử dụng đất đối với mặt bằng sạch để khai thác, sử dụng theo quy hoạch đã phê duyệt và khi sử dụng quỹ đất 21.000 ha quy hoạch vùng phụ cận sân bay, điều tiết tỷ lệ phân chia giữa trung ương với địa phương từ nguồn thu tiền sử dụng đất.

Theo quy hoạch tái định cư cho Dự án gồm 2 khu là Lộc An - Bình Sơn (282,35 ha) và Bình Sơn (282,79 ha). Báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, hiện trạng của 2 khu này đang là đất vườn cây cao su của Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Cao su Đồng Nai nên không phải bồi thường về đất và tái định cư.

Căn cứ vào kết quả điều tra, khảo sát về nhu cầu và nguyện vọng được bố trí tái định cư đối với các hộ dân bị giải tỏa trong khu vực cảng hàng không Long Thành thì 100% số hộ dân yêu cầu tái định cư bằng đất nền.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, quy hoạch cần có tầm nhìn dài hạn, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, hạn chế việc điều chỉnh. Tuy nhiên ông Thành đề nghị cần có sự tách bạch rõ ràng nguồn vốn đầu tư, phần nào do ngân sách trung ương bảo đảm, phần nào thuộc các dự án khác do ngân sách địa phương bảo đảm để xác định chính xác khi tính toán mức đầu tư cho toàn bộ dự án.

Giảm biên chế, tiết kiệm chi lấy tiền làm sân bay Long Thành

Thảo luận Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho rằng giải pháp về 18.000 tỷ đồng còn thiếu để giải phóng mặt bằng chưa rõ ràng.

Ông Chính nhấn mạnh phải có chính sách “thắt lưng buộc bụng”, nếu tiết kiệm 1% là một năm có 10.000 tỷ đồng, tiết kiệm 2% là có 20.000 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng xây sân bay Long Thành.

"Nếu Bộ Tài chính đưa ra chỉ tiêu tiết kiệm chi và mỗi địa phương chịu một chút, "góp gió thành bão" là làm được. Nếu không tiết kiệm sẽ không có nguồn để xây dựng sân bay Long Thành", ông Chính đề xuất.

Ông Phạm Minh Chính cũng cho rằng, dự án giải phóng mặt bằng để xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành liên quan đến người dân, mà đã liên quan đến dân thì có hai vấn đề chính: phải đảm bảo lợi ích tinh thần và lợi ích vật chất.

Theo ông Chính, đối với người dân, công tác tuyên truyền, vận động rất quan trọng. Bởi nếu dân không thông thì nhiều tiền chưa chắc đã làm được, nhưng một khi dân đã thông rồi, đã đặt lợi ích chung lên trên hết thì chỉ cần đảm bảo lợi ích hài hòa, đôi khi thiệt một chút dân cũng sẵn sàng.

“Đây là vấn đề lợi ích quốc gia nên rất cần đảm bảo hài hòa lợi của của dân, của Nhà nước và của doanh nghiệp. Tôi nghĩ cần có phương án, chủ động trao đổi, thuyết phục người dân làm sao đạt được nhận thức, đồng thuận về lợi ích chung”, ông Chính nói.

23.000 tỷ giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành: Người dân được đền bù như thế nào?

Chậm nhất đến năm 2025 đưa vào khai thác “siêu” sân bay Long Thành

Tiến độ sân bay Long Thành đã chậm 8 tháng

N.MẠNH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/dia-oc/mat-bang-san-bay-long-thanh-can-23000-ty-ngan-sach-moi-bo-tri-duoc-5000-ty-3337779.html