Mất an toàn vệ sinh thực phẩm bủa vây bữa ăn của trẻ

Năm học mới vừa bắt đầu đã phát hiện hàng loạt bếp ăn tập thể tại trường học không đảm bảo an toàn vệ sinh. Từ thực phẩm bẩn, không đảm bảo đến vệ sinh bếp ăn khiến nhiều phụ huynh lo lắng cho bữa ăn của con.

Trẻ học bán trú dùng bữa trưa tại một trường học ở TPHCM. (Ảnh minh họa K.Q)

Rùng mình nhìn bữa ăn bán trú

Thực phẩm cung cấp cho bữa trưa của học sinh tại trường tiểu học Lý Nhân (xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) bị chính phụ huynh học sinh phát hiện có dòi bọ bên trong. Các phụ huynh học sinh đã tận mắt kiểm tra xe chở nguyên liệu gồm trứng, quả bí xanh, bí đỏ... dùng để nấu bữa trưa cho con em họ thối rữa, có dòi bọ bên trong không đảm bảo vệ sinh.

Chứng kiến sự việc này, ông Trần Hùng Mạnh, Chủ tịch UBND xã Lý Nhân, xác nhận có hiện tượng cung cấp thực phẩm bẩn tại trường tiểu học trên địa bàn. Vị chủ tịch thừa nhận, Trường Tiểu học Lý Nhân ký hợp đồng với Cty cung cấp thực phẩm vào ngày 1.9 vừa qua; sử dụng rau củ không đảm bảo chất lượng để phục vụ học sinh từ ngày 11.9.

Sự việc tại đây còn chưa hết bức xúc trong dư luận thì tại Bếp ăn Trường Mầm non Lại Yên (huyện Hoài Đức, Hà Nội) xảy ra vụ việc 31 trẻ gửi ở trường này có biểu hiện nghi ngộ độc thực phẩm, trong đó 9 trẻ xác định bị rối loạn tiêu hóa. Trong số 9 trẻ trên, 4 trẻ phải nhập viện điều trị, 5 cháu còn lại được gia đình chăm sóc tại nhà.

Bà Phạm Thị Hiền – Hiệu trưởng Trường Mầm non Lại Yên cho biết: đơn vị cung cấp thực phẩm cho nhà trường là một Cty mới ký hợp đồng từ tháng 9. Cty này cung cấp thực phẩm cho 5 trường mầm non khác trên địa bàn huyện Hoài Đức. Hiện chỉ có học sinh Trường Lại Yên xuất hiện trẻ nghi ngộ độc. Bữa trưa ngày 11.9 tại Trường Mầm non Lại Yên, trẻ được ăn các món: Đậu phụ, thịt lợn viên mọc xốt cà chua; canh rau ngót nấu cua. Thực đơn bữa chiều 11.9 gồm cháo (thịt gà, thịt lợn, hạt sen, rau xanh). Theo bà Hiền, các mẫu thực phẩm lưu trong 24 tiếng. Do trẻ bị rải rác nên thời điểm đoàn kiểm tra đến, trường đã hủy những mẫu thức ăn này.

Cũng cùng thời điểm này, Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình, Hà Nội) bị phát hiện khay đựng thức ăn bữa trưa của học sinh có dòi. Trong bữa trưa ngày 12.9 của học sinh lớp 3 xuất hiện dòi trong hai khay đựng thức ăn.

Lãnh đạo Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám chưa đưa ra kết luận cuối cùng nhưng ngay sau đó, các cơ quan chức năng gồm Cục An toàn thực phẩm, Trung tâm Y tế quận Ba Đình, công an… đã đến trường để tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra.

Ông Nguyễn Đắc Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT quận Ba Đình, Hà Nội cho biết, ngay sau khi xảy ra sự việc, nhà trường đã gửi báo cáo giải thích. Theo nhà trường thì lý do sau bữa ăn trưa ngày thứ 6, nhân viên phục vụ rửa không sạch sẽ nên khi để hai khay dính vào nhau qua hai ngày thứ 7 và chủ nhật đã xuất hiện dòi. Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám đã yêu cầu Cty đối tác phụ trách khâu cung cấp suất ăn học sinh cho nghỉ việc đối với hai nhân viên phụ trách khâu dọn dẹp, rửa bát, rửa khay có liên quan tới sự việc.

Những năm qua, cùng với sự phát triển của mạng lưới các trường học tổ chức học 2 buổi/ngày. Nhiều bậc phụ huynh bận rộn, không thể ngày 4 lần đưa – đón con. Tuy nhiên, họ cũng khó lòng yên tâm khi để con ở lại trường khi những suất ăn nhà trường chưa đảm bảo tuyệt đối nguồn gốc xuất xứ. Nhu cầu gửi con ăn, ngủ bán trú tại trường vào buổi trưa tại trường ngày càng tăng, nhất là ở cấp tiểu học.

Những lo lắng của phụ huynh ngày càng lớn khi mà 3 vụ điển hình về mất vệ sinh bếp ăn được phát hiện ngay trong những ngày đầu năm học mới. Liệu còn bao nhiêu bếp ăn mất vệ sinh đang diễn ra hàng ngày trong bữa ăn của trẻ chưa được phát hiện? Dư luận đặt câu hỏi, vì sao và bằng những con đường nào, thực phẩm bẩn, thực phẩm không đảm bảo an toàn xâm nhập được vào trường học?

Phát hiện thực phẩm cung cấp không đảm bảo, hiệu trưởng chịu trách nhiệm

TS Nguyễn Thanh Phong, Cục Trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) bức xúc: “An toàn thực phẩm nói chung và an toàn thực phẩm trong bếp ăn tại trường học đang trở thành mối quan tâm của toàn xã hội. Các vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể trong trường học chiếm tỷ lệ thấp (3,7%) trong tổng số vụ ngộ độc thực phẩm trung bình hàng năm. Tuy nhiên, đối tượng bị ngộ độc lại là học sinh nhỏ tuổi, sức đề kháng thấp vì thế hậu quả gây ra nghiêm trọng hơn”.

“Nguồn thực phẩm nguyên liệu cung cấp cho bếp ăn tập thể trong các trường học rất đa dạng, khó kiểm soát an toàn thực phẩm triệt để. Các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn không ngừng gia tăng, nhiều cơ sở quy mô nhỏ, điều kiện cơ sở rất thủ công, khó kiểm soát yêu cầu về an toàn thực phẩm (phương tiện, dụng cụ chế biến, bảo quản, thời gian vận chuyển...)” - TS Phong cho hay.

An toàn bếp ăn tập thể, trong đó có bếp ăn trường học đã được cảnh báo nhiều nhưng tình trạng ngộ độc vẫn xảy ra. Liên Bộ Y tế - Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư liên tịch số 08/2008/TTLT/BYT-BGDĐT về việc hướng dẫn công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục. Thông tư đã nêu rất cụ thể quy định về an toàn thực phẩm cho bữa ăn tại nhà trường. Trong đó đặc biệt quan tâm tới khâu kiểm soát chặt chẽ chuỗi cung cấp thực phẩm cho các cơ sở trong các cơ sở giáo dục: nguồn gốc, nguyên liệu thực phẩm; khâu chế biến, nấu nướng, bảo quản, vận chuyển và nhà ăn của các cơ sở giáo dục.

“Quy định về an toàn cho bữa ăn của trẻ đã được quy định rõ ràng, chặt chẽ tại Thông tư liên tịch trên. Để xảy ra ngộ độc sau khi phát hiện cơ sở cung cấp thực phẩm không đảm bảo, hiệu trưởng của trường đó phải chịu trách nhiệm” - TS Nguyễn Thanh Phong cho hay.

TS Nguyễn Thanh Phong đã đưa ra một số giải pháp giải quyết tình trạng ngộ độc bếp ăn tập thể tại các trường học như: ban hành đầy đủ các quy định về điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học; chứng nhận các điều kiện cơ sở cho bếp ăn tại các trường; yêu cầu hiệu trưởng hoặc người chịu trách nhiệm bếp ăn phải có cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho học sinh; làm việc và có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương trong công tác giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học.

Ngoài ra, cơ quan chức năng đã đưa ra khuyến cáo đối với các trường học, đề nghị các trường thành lập ban giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó đại diện cha mẹ học sinh sẽ là một thành phần của ban này; nguyên liệu thực phẩm đầu vào phải có nguồn gốc rõ ràng; bếp ăn của các trường có trách nhiệm ghi chép, lưu trữ đầy đủ hồ sơ đối với các nguyên liệu chế biến bữa ăn trong trường. Các đoàn kiểm tra sẽ tiến hành thanh, kiểm tra thực tế quá trình chế biến, hồ sơ ghi chép, nguyên liệu thực tế, chế độ lưu mẫu thực phẩm trong từng bữa ăn, qua đó đảm bảo khi có vấn đề xảy ra có thể tìm ra nguyên nhân từ kiểm định mẫu lưu.

Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm tại các nhà trường có học sinh bán trú đang là điểm “nóng” trong dư luận. Những nghi ngại của phụ huynh học sinh đang đặt nhiều dấu hỏi về công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là trong bối cảnh số lượng bếp ăn tại trường học ngày càng gia tăng.

Hà Lê

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-doi-song/mat-an-toan-ve-sinh-thuc-pham-bua-vay-bua-an-cua-tre-565776.ldo