Mất ăn mất ngủ vì dự án hút cát

Hầu hết cát cung cấp cho các dự án xây dựng tại Quảng Ninh đều do 1 doanh nghiệp đứng ra bao thầu.

Vài năm trở lại đây, người dân Quảng Ninh không còn xa lạ với cụm từ “trùm cát”. Bởi lẽ, hầu hết cát cung cấp cho các dự án xây dựng tại địa phương này đều do 1 DN đứng ra bao thầu. Vậy, DN này là ai? Và thế lực nào đứng ra bảo kê hoạt động?

Những đụn cát chắn sóng cho ngư dân, tàu thuyền xung quanh đảo Quan Lạn (huyện Vân Đồn) lần lượt biến mất. Vòi bạch tuộc từ những tàu cuốc ngày đêm rút ruột biển. Tài nguyên mất đi, thiên tai lại ập về…

Người dân phản ứng tàu hút cát

Theo đơn thư phản ánh của người dân xã đảo Quan Lạn, nhiều năm qua, khu vực biển đảo Phượng Hoàng, Ngọc Vừng có một DN hút cát nhưng không tuân thủ chỉ giới, phạm vi được cấp phép khai thác. Cùng với đó, hằng ngày họ phải chứng kiến những con tàu hút công suất lớn có sức chứa tới hàng trăm mét khối cát quần thảo khu vực này.

Vòi rồng được thả xuống biển để hút cát

Phượng Hoàng là đảo có địa giới hành chính xa trung tâm xã Quan Lạn, gần như nằm trọn trong bốn bề của biển. Việc khai thác cát của DN diễn ra từ lâu; ban đầu, nhiều tàu hút cát từ đâu kéo về khu vực này khai thác, người dân còn không rõ đó là của đơn vị nào bởi không được thông báo, khu vực khai thác cát cũng không có biển báo.

Cho đến khi tình trạng khai thác cát diễn ra tràn lan, bừa bãi, thì người dân mới đồng loạt lên tiếng. Họ làm đơn gửi cơ quan chức năng, cùng nhau đến công đường để khiếu nại và lúc này họ mới biết doanh nghiệp đứng đằng sau hoạt động khai thác "tận thu" này là Công ty TNHH Quan Minh, một DN trên địa bàn huyện Vân Đồn.

Ông Đ., ngư dân hoạt động nhiều năm ở ngư trường này, cho biết: Người dân chúng tôi nhiều năm nay mất ăn, mất ngủ, mất cả nơi làm ăn với việc khai thác cát của Công ty Quan Minh.

Ghi nhận của NNVN, mỗi tàu có nhiều vòi, chiếc này cách chiếc kia chỉ vài chục mét, trên tàu những họng cát phun lên, cùng với đó, nhiều công nhân đang hì hục làm việc.

Quan sát cận cảnh những tàu hút, chúng tôi nhận thấy số hiệu trên thân tàu đã bị che, xóa bớt số; không gắn bất cứ thông tin nào. Người dân cho rằng, đây là dấu hiệu để che giấu việc khai thác cát một cách bừa bãi, gian lận số tàu đăng ký của Công ty này.

Khai thác kiểu tận thu, những đụn cát tự nhiên có nhiệm vụ chắn sóng biển cho ngư dân trên đảo biến mất. Thay vào đó, một vùng trắng mênh mông nước hiện ra.

Thiên tai, bão lũ tràn về thì không có gì ngăn cản được. Một minh chứng điển hành là ngay đầu tháng 9/2019, tại đảo Quan Lạn, tàu khách Hoàng Vi 01 bị mắc kẹt trên đê bao lấn biển. Phần mũi tàu vượt lên đê bao, mũi nhô cao lên trờ trong khi buồng máy và đuôi tàu chúc xuống dưới.

Ông B.Đ (chủ tàu Hoàng Vi 01) cho biết, trên đường đi tránh bão số 3, do trời tối, khu vực này không có biển cảnh báo nên thuyền trưởng đã không quan sát cẩn thận được mà điều khiển tàu chạy thẳng lên đê và mắc kẹt.

Ông Bùi Quang Hiệp, nguyên Trưởng Công an xã Quan Lạn cho biết: Do bốn bề là biển nên đảo Quan Lạn luôn phải hứng chịu sự khắc nghiệt của thời tiết.

“Đau lòng nhất là vào năm 2015, khi bão đi qua, những cồn cát mất đi, không còn đủ sức chắn sóng, dẫn đến đập nước bị vỡ, nước chảy cuồn cuộn trong đêm, tàn phá đường sá đồng ruộng. Một thanh niên đi chơi về không biết nhiều đoạn đường đã bị nước phá hủy nên cả người và xe đâm vào hố sâu, tử vong tại chỗ”, ông Hiệp nói.

Dự án đã từng bị phản đối

Đầu năm 2009, Cty Quan Minh có tờ trình “Nạo vét luồng vào và khu nước trước bến cập tàu Đồng Hồ, xã Quan Lạn”. Diện tích xây dựng công trình khoảng 75ha, bao gồm nạo vét luồng cho tàu khách, luồng cho tàu hàng và mở rộng vùng nước trước bến.

Đến cuối năm 2009, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Đỗ Thông, ký quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án này. Trong báo cáo nêu rõ: “Cty Quan Minh thực hiện đổ vật liệu nạo vét (cát) tại các vị trí, địa điểm và theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chỉ tiến hành đổ vật liệu nạo vét sau khi hoàn thành tuyến kè bao quanh khu vực…”.

Ngoài ra, có phương án để phòng, chống, khắc phục sự cố môi trường, xử lý sự cố tràn dầu, tai nạn đường thủy, sạt lở kè bao khu vực đổ vật liệu nạo vét…

Như vậy, rõ ràng việc Cty Quan Minh xây dựng dự án nạo vét luồng tuyến với mục đích là lấy cát làm vật liệu. Và không tuân thủ những quy định trong ĐTM. Bằng chứng là hàng loạt các biển báo theo yêu cầu của ĐTM không được lắp đặt, không tuân thủ những quy định khác.

Tàu hút cát tập trung ở khu vực đảo Quan Lạn.

Trong báo cáo thẩm định dự án này, Sở Giao thông - Vận tải Quảng Ninh, thời điểm đó, đã khẳng định, tuyến luồng tàu khách không có hồ sơ báo cáo kết quả khảo sát địa chất dọc luồng nên chưa xác định được các chướng ngại vật như dải đá ngầm để quyết định. Còn tuyến tàu hàng thì không rõ điểm đấu nối vào luồng tuyến nào; tại sao không tạo luồng tàu khách và tàu hàng đi chung mà phải tách ra. Theo tính toán, luồng tàu khách và tàu hàng có độ sâu chênh lệch chỉ 0,2m (?!).

Câu hỏi đặt ra là, phải chẳng Cty Quan Minh lập dự án thành 2 luồng tuyến khác nhau để tận thu cát và vật liệu xây dựng khác ở 2 tuyến này?

Sở Giao thông cũng kết luận, tại “dự án” này, chưa xác định chính thức ai là chủ đầu tư và người quản lý khai thác. Quan trọng nhất, “dự án" Cty Quan Minh lập ra không đánh giá được sự ổn định của luồng, khả năng bồi lắng trở lại. Nếu công tác quản lý bảo trì không tốt, sẽ dẫn tới tình huống luồng bị bồi lắng trở lại, không đạt được điều kiện an toàn giao thông theo quy mô xây dựng và mục tiêu của dự án đề ra (vị trí tuyến luồng chịu ảnh hưởng rất lớn của thủy triều thường xuyên và sóng lớn).

“Trong trường hợp này, Cty phải báo cáo UBND tỉnh để quyết định trình tự triển khai dự án theo quy định hiện hành. Hơn nữa, nếu không lập dự án đầu tư xây dựng công trình mà chỉ cho phép Cty Quan Minh nạo vét, khai thác vùng nước theo định vị trên bản đồ thì sau khi nạo vét, chắc chắn việc bồi lắng trở lại là không tránh khỏi”, cơ quan này khuyến cáo.

Tuy nhiên, thực tế thì không có chuyện DN lập dự án đầu tư xây dựng, cũng không nạo vét luồng lạch đúng tuyến. Ở phần sau, báo NNVN sẽ phân tích kỹ hơn vì sao Cty Quan Minh thực hiện “dự án” này đến cả chục năm, và được gia hạn mà vẫn “chưa đâu vào đâu”.

Cty TNHH Quan Minh được thành lập từ năm 2005 có địa chỉ tại xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, hoạt động ban đầu trong lĩnh vực khai thác, chế biến hải sản, trồng rừng. Tính đến tháng 9/2018, Công ty này có vốn điều lệ 250 tỷ đồng. Cty TNHH Quan Minh do ông Hoàng Văn Cường làm chủ với tỷ lệ sở hữu 90% (tương đương 225 tỷ đồng). Ngoài Quan Minh, ông Cường còn là người sáng lập Cty TNHH thương mại Tân Lập và một thời gian dài, Cty Tân Lập đứng tên ông Hoàng Văn Cường là người đại diện pháp luật.

Nhóm PVĐB

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/bai-1-mat-an-mat-ngu-vi-du-an-hut-cat-d254615.html