Masan thắp lại hy vọng với bia

Hàng tiêu dùng nhanh vẫn là mảng kinh doanh tăng trưởng ổn định và đóng góp lợi nhuận nhiều nhất cho Masan sau nửa đầu năm biến động.

Trong quý II, Tập đoàn Masan đạt doanh thu thuần hợp nhất 17.770 tỷ đồng, tăng 92% so với cùng kỳ 2019 nhờ việc hợp nhất kết quả kinh doanh của VinCommerce, đơn vị vận hành chuỗi bán lẻ Vinmart, Vinmart+ và nông trại VinEco.

Lợi nhuận sau thuế của Masan quý II chỉ đạt 54 tỷ đồng khi tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang phải gánh khoản lỗ trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) hơn 1.000 tỷ đồng của VinCommerce. Tuy nhiên, kết quả này vẫn tích cực hơn 3 tháng đầu năm khi Masan lỗ hợp nhất hơn 200 tỷ hồi quý I.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Masan là 35.400 tỷ đồng, tăng trưởng 103% nhưng lợi nhuận ròng -162 tỷ, sụt giảm 107%. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông công ty vẫn là số dương, đạt 117 tỷ đồng.

Làm lại mảng bia

Trong các mảng kinh doanh của Masan, hàng tiêu dùng nhanh có mức tăng trưởng cao và ổn định nhất. Trong quý II, doanh thu của Masan Consumer Holdings (MCH), công ty con phụ trách ngành hàng tiêu dùng nhanh tăng trưởng 35%, đạt 5.650 tỷ đồng; EBITDA tăng 45% lên 1.288 tỷ.

Trong đó, ngành hàng chủ lực là gia vị với các sản phẩm chính gồm nước mắm, tương ớt, hạt nêm tăng trưởng bình quân 22%. Công ty ra mắt nhiều thương hiệu gia vị mới và tiếp tục tăng doanh thu nhờ chiến lược cao cấp hóa khi tăng độ phủ tại kênh bán lẻ hiện đại.

Với hàng thực phẩm, Masan cho biết thịt chế biến tăng doanh số hơn 2 lần nhờ hoạt động tái ra mắt thương hiệu xúc xích cao cấp. Ngoài ra, thực phẩm tiện lợi (mì, phở, cháo ăn liền) cũng tăng trưởng 40%.

Động lực tăng doanh thu của MCH còn đến từ ngành hàng đồ uống, cụ thể là sản phẩm nước tăng lực với mức tăng 12% dù thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn do một số kênh phân phối bị đóng cửa bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đặc biệt, MCH cho biết ngành bia tăng trưởng tới 60% trong quý II nhờ việc ra mắt nhãn hiệu bia mới Red Ruby đem về một số kết quả bước đầu tích cực ở những thị trường chủ chốt. Đây là tín hiệu tương đối khả quan khi thị trường tiêu thụ bia bị ảnh hưởng kép do Nghị định 100 và dịch Covid-19.

Trước đó, sản phẩm bia Sư Tử Trắng của Masan không đạt kết quả tốt dù từng đặt tham vọng lớn. Báo cáo thường niên gần nhất của MCH không còn nhắc đến Sư Tử Trắng. Còn trong những báo cáo quý trước đây của Masan, từ khóa gắn liền với ngành bia nhiều nhất là "dưới kỳ vọng".

Ngoài ra, doanh thu của MCH còn tăng nhờ việc hợp nhất hàng trăm tỷ đồng doanh thu từ Công ty Bột giặt NET sau khi Masan hoàn tất mua lại hãng bột giặt hơn 50 năm tuổi này vào quý I.

Giá lợn hơi cao ảnh hưởng lợi nhuận

Công ty con Masan MeatLife (MML) trong mảng thịt đem về 3.805 tỷ đồng doanh thu cho Masan trong quý II, tăng 7% so với cùng kỳ.

Động lực tăng trưởng chính của MML là mảng kinh doanh thịt. Masan cho biết ngành hàng thịt mát tăng trưởng tốt vì người tiêu dùng ngày càng đón nhận sản phẩm; công ty mở rộng mạng lưới phân phối, tung các sản phẩm thịt mát chế biến mới.

Ngược lại, doanh thu thức ăn gia súc giảm 16% do tổng đàn lợn trên cả nước sụt giảm bởi dịch tả lợn châu Phi. MML đánh giá với giá lợn hơi trên cả nước vẫn còn neo ở mức cao, việc tái đàn đang diễn ra nhanh và có thể kỳ vọng tích cực vào ngành thức ăn gia súc thời gian tới.

Song song đó, doanh số thức ăn thủy sản của MML cũng giảm 19% trong quý II do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới hoạt động xuất khẩu cá của Việt Nam. Ngược lại, thức ăn gia cầm tăng trưởng 11% khi nhu cầu tiêu thụ thịt gia cầm, trứng cao hơn vì giá thịt lợn cao.

Tổng thể mảng kinh doanh của MML đạt EBITDA 406 tỷ đồng với biên lợi nhuận 11%. Hiện nay, 40% lượng thịt của MML được thu mua từ các bên thứ ba khiến khiến tỷ suất lợi nhuận bị ảnh hưởng do giá lợn hơi đang ở mức cao kỷ lục.

Công ty đang tìm giải pháp thay thế, xây dựng mô hình chuỗi cung ứng bền vững hơn. Ngoài ra, ban lãnh đạo MML cũng tin tưởng giá lợn hơi có thể quay lại mức bình thường trong 6-12 tháng tới khi tổng đàn lợn trên cả nước đến tháng 4 đã tăng 30% so với cuối năm 2019.

Với mảng kinh doanh khoáng sản, công ty con Masan High-Tech Materials (MHT), trước đây là Masan Resources, bị ảnh hưởng tiêu cực bởi nhiều nền kinh tế trên toàn cầu đóng cửa do dịch Covid-19.

Trong quý II, MHT có doanh thu 1.500 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ 2019 nhờ việc hợp nhất kết quả kinh doanh của nền tảng kinh doanh vonfram toàn cầu của Tập đoàn HCS (Đức) sau khi Masan hoàn tất thương vụ M&A. Tuy nhiên, EBITDA của MHT sụt giảm tới 69%, chỉ còn 204 tỷ đồng do giá thị trường thấp hơn và tồn kho tăng vì đại dịch.

Việt Đức

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/masan-thap-lai-hy-vong-voi-bia-post1113842.html