Masan sẽ thay tên thương hiệu VinMart

Lãnh đạo Masan cho biết hệ thống bán lẻ VinMart, VinMart+ sẽ đổi tên thành WinMart trong năm nay khi quá trình chuyển đổi bên trong cũng hoàn tất.

Chia sẻ với cổ đông về quá trình chuyển đổi VinCommerce trong năm 2021 tại đại hội thường niên tổ chức ngày 1/4, Tổng giám đốc Masan Consumers Trương Công Thắng thông tin WinMart sẽ là tên mới của hệ thống VinMart, VinMart+. Lý do là hợp đồng chuyển giao yêu cầu phải đổi tên siêu thị trong năm nay.

Tuy nhiên, ông Thắng nhấn mạnh Masan không muốn thay tên VinMart theo kiểu "bình cũ, rượu mới" mà chỉ thay đổi khi nội tại của chuỗi siêu thị này cũng được đổi mới. Quá trình chuyển đổi nhiều yếu tố bên trong chuỗi bán lẻ này gồm danh mục hàng hóa, chất lượng dịch vụ, chính sách giá sẽ hoàn tất trong năm 2021 và kèm theo đó là thay đổi hình thức bên ngoài.

Tại đại hội, CEO Masa Group Danny Le chia sẻ một số mục tiêu quan trọng với hệ thống bán lẻ VinMart, VinMart+ năm nay là bắt đầu triển khai các dịch vụ tài chính và thử nghiệm nhượng quyền.

Đối tác để triển khai các dịch vụ tài chính tại các cửa hàng VinMart, VinMart+ của Masan là Techcombank. Hiện Masan chính là cổ đông lớn nhất của ngân hàng với tỷ lệ sở hữu 15% cổ phần.

CEO Danny Le cho hay khi VinCommerce hợp tác độc quyền với Techcombank, ngân hàng này có thể sử dụng mạng lưới 3.000 cửa hàng bán lẻ hiện tại của Masan để mở rộng mạng lưới, đặc biệt là hướng đến khách hàng ở nông thôn thay vì tự mở mới chi nhánh, phòng giao dịch. Mục tiêu trong năm nay của tập đoàn là sẽ triển khai dịch vụ tài chính tại 1.800 cửa hàng.

Trong tầm nhìn đến năm 2025 nếu thành công trong việc đưa hệ thống siêu thị mini trở thành điểm giao dịch tài chính, Masan và Techcombank có thể thu hút 2 tỷ USD tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của 50 triệu khách hàng. Sau chiến lược phục vụ nhu cầu tài chính, Masan hướng đến việc kết hợp các nhà mạng viễn thông để triển khai các dịch vụ số tại hệ thống bán lẻ của mình.

Song song đó, Masan sẽ bắt đầu thử nghiệm việc nhượng quyền thương hiệu VinMart+. Theo ông Danny Le, nếu không nhượng quyền, tập đoàn không thể tự mình vươn tới mục tiêu có 30.000 cửa hàng vào năm 2025. Masan kỳ vọng sẽ có 20.000 điểm bán lẻ ở kênh truyền thống theo hình thức nhượng quyền và tự vận hành 10.000 cửa hàng hiện đại trong 5 năm tới.

Tổng giám đốc Masan Group Danny Le phát biểu tại đại hội cổ đông sáng 1/4. Ảnh: MSN.

Ông Trương Công Thắng cho biết lợi thế là tập đoàn biết rõ đâu là những điểm bán tốt nhất trong hơn 300.000 cửa hàng tạp hóa trên cả nước đang bán hàng cho Masan để triển khai nhượng quyền.

Đồng thời, Masan cũng định hướng sẽ phát triển mạnh hơn trên kênh online. CEO Danny Le đánh giá các nền tảng thương mại điện tử hiện nay chưa phục vụ hàng nhu yếu phẩm nhiều mà các sản phẩm bán chạy lại là hàng điện tử, thời trang, mỹ phẩm.

Đây không phải là những mặt hàng được mua sắm hàng ngày. Do đó, cơ hội của Masan là kết hợp với các nền tảng thương mại điện tử, siêu ứng dụng để thúc đẩy việc bán hàng nhu yếu phẩm.

Về các chỉ số tài chính của VinCommerce, Masan đặt mục tiêu tiếp tục cải thiện biên lợi nhuận, hướng đến việc có lãi sau khấu hao sau khi đã hòa vốn EBITDA (lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay) vào quý IV/2020. Lãnh đạo Masan cho biết trong quý I, EBITDA của VinCommerce đạt mức 1-2%.

“Chúng tôi không có gì hối tiếc khi đóng các cửa hàng không có lãi năm qua. Năm nay, sẽ có 300-500 siêu thị mini mở mới và chúng tôi định hướng giảm mức doanh thu bình quân trên mỗi m2 để hòa vốn, phát triển thêm sản phẩm nhãn hàng riêng”, ông Danny Le chia sẻ với cổ đông về chiến lược của VinCommerce năm 2021.

Theo Việt Đức/Zing

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/masan-se-thay-ten-thuong-hieu-vinmart-1518172.html