Masan Resources: Áp lực trở thành nhà chế biến sâu

Mua lại cổ phần của H.C.Starck Gmbh chỉ là điều kiện cần, Masan Resources có nhiều việc phải làm để trở thành nhà chế biến sâu vonfram.

Làm chủ công nghệ chế biến cận sâu (mid-stream)

Với việc mua lại 49% cổ phần của H.C.Starck Gmbh tại Công ty tinh luyện vonfram Núi Pháo – H.C.Starck, với giá trị 29,1 triệu USD, Núi Pháo – H.C.Starck đã chính thức trở thành Công ty con do Công ty cổ phần Tài nguyên Masan (Masan Resources - MSR) sở hữu 100%.

Trên thực tế, việc mua lại 49% cổ phần của H.C.Starck chỉ là bước đi đầu tiên trong kế hoạch đầy tham vọng của Tập đoàn Masan trong việc đưa Masan Resources trở thành nhà chế biến sâu công nghiệp hóa chất, nâng vị thế của Việt Nam trên thị trường vonfram toàn cầu. MSR đang sở hữu mỏ đa kim lớn nhất thế giới được đưa vào hoạt động trong vòng 15 năm trở lại đây, cùng đội ngũ chuyên gia trong nước có kinh nghiệm về quản trị, khai thác, chế biến vonfram hàng đầu.

Bây giờ, Masan Resources đã chính thức sở hữu công nghệ tích về chế biến hóa chất vonfram, chuyển giao từ H.C.Starck, nhà sản xuất vonfram hàng đầu của thế giới. Việc sở hữu hoàn toàn công nghệ chế biến sâu vonfram giúp tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị và mở rộng thị trường các sản phẩm công nghiệp chế biến sâu từ vonfram.

Việc sở hữu 100% Công ty tinh luyện vonfram Núi Pháo – H.C.Starck còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giảm chi phí vận hành bằng việc sử dụng chung nhiều hệ thống với Núi Pháo. Nhờ hệ thống vận hành hiệu quả, Masan Resources trước giao dịch này vốn đã có chi phí khai thác cạnh tranh nhất trên thế giới. Ước tính chi phí khai thác trung bình của Masan Resources khoảng 125 USD/mtu trong khi con số trung bình tại các mỏ của Trung Quốc là 250 USD/mtu, thời điểm 2015.

MSR cũng sẽ không phải trả phí nhượng quyền để sử dụng công nghệ của H.C. Starck, và có thể chủ động hơn trong việc tìm đối tác thu mua các sản phẩm công nghiệp vonfram và bán sản phẩm với giá cao hơn. Tổng lợi ích kinh tế mà nhận được từ việc cải thiện hiệu quả vận hành và tài chính rơi vào khoảng 8,5 triệu USD/năm.

Áp lực tham gia chuỗi giá trị vonfram toàn cầu

Hiện MSR đã vươn lên từ một nhà khai thác tinh quặng vonfram sơ chế (Upstream) trở thành một nhà chế biến vonfram cận sâu (Midstream) như Ammonium paratungstate (APT), Blue tungsten oxide (BTO), Yellow tungsten oxide (YTO) hàng đầu nhờ công nghệ của H.C. Starck. Mục tiêu cuối cùng của MSR là khép kín chuỗi giá trị vonfram bằng việc phải trở thành nhà chế biến sâu hóa chất công nghiệp vonfram tích hợp hoàn chỉnh (Downstream) hàng đầu và đạt ít nhất 50% thị phần ngoài Trung Quốc vào năm 2022. Thị trường sản phẩm chế biến sâu từ vonfram là một thị trường màu mỡ với quy mô thị trường lên đến hơn 11 tỷ USD, theo báo cáo của MSR.

Để hiện thực hóa mục tiêu này vào năm 2022, MSR chỉ còn 5 năm ngắn ngủi để biến điều “không tưởng” thành “có thể” nhằm biến một doanh nghiệp Việt Nam thành một Công ty có tầm ảnh hưởng toàn cầu cũng là mục tiêu vô cùng áp lực.

MSR sẽ vẫn theo đuổi mô hình liên doanh, chủ động tìm kiếm các đối tác đầu ngành để có được lợi nhuận cao nhờ vào công nghệ hàng đầu. Thị trường các sản phẩm chế biến sâu từ vonfram phải kể đến như xi măng cacbua, sản phẩm máy phay và hóa chất công nghiệp.

MSR cũng sẽ phải tăng cường thu mua tinh quặng vonfram từ các nguồn bên ngoài để đạt công suất chế biến tối ưu. MSR dự kiến sẽ tăng công suất hóa chất vonfram lên 12.000 tấn/năm nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trên toàn cầu, là một trong số ít những công ty có khả năng làm được điều này.

Chiến lược chế biến sâu của MSR đang thuận lợi hơn bao giờ hết khi rên thị trường thế giới, giá vonfram đang phản ứng tích cực, thậm chí có cơ hội lên ngưỡng 400 USD/mtu vào năm 2018, theo dự báo của Edison Investment Research.

Trong khi đó, nhu cầu về vonfram cũng đang xu hướng tăng đột biến. Các ngành công nghiệp công nghệ cao như sản xuất màn hình OLED, chất bán dẫn, chip nhớ NAND, máy in 3D, năng lượng, dầu khí, xe điện và công nghệ robot… đang là những ngành công nghiệp đòi hỏi nguồn vonfram chất lượng cao và dồi dào, trong khi nguồn cung ngày càng bị thu hẹp do các chính sách về xuất khẩu và môi trường của Trung Quốc.

Thực tế cũng ghi nhận, mỏ Núi Pháo của Việt Nam đang góp phần quan trọng giảm sức ép nguồn cung từ Trung Quốc. Sản lượng của 3 trên 4 sản phẩm chính của mỏ Núi Pháo (Vonfram, Bismuth, Florit) được bảo đảm bằng các hợp đồng bán hàng dài hạn với khách hàng trên toàn cầu. Mỏ Núi Pháo đang đạt công suất hơn 95% so với công suất thiết kế. Masan Resources đang dần khẳng định vị trí “người chơi chính” trên thị trường vonfram toàn cầu.

Doanh thu thuần của MSR đạt 3.239 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2018, tăng 26,6% so với 2.559 tỷ đồng trong cùng kỳ năm 2017 do giá vonfram tiếp tục tăng cao hơn trong nửa đầu năm 2018. Công ty đã đạt được lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông Công ty với mức kỷ lục 300 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2018, tăng 376,2% so với cùng kỳ năm ngoái. MSR đặt mục tiêu doanh thu năm 2018 lên đến 8.000 tỷ đồng, lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông trên 1.000 tỷ đồng.

Việc sở hữu 100% nhà máy chế biến sâu vonfram sẽ giúp MSR trở thành công ty hàng đầu về sản xuất hóa chất vonfram công nghệ cao và là nhà cung cấp chiến lược các sản phẩm vonfram trên toàn cầu. Như vậy, MSR sẽ có thể đóng góp nhiều hơn vào ngân sách của tỉnh Thái Nguyên và nâng tầm của vonfram Việt Nam trên bản đồ công nghiệp chế biến sâu thế giới, đồng thời mang lại giá trị to lớn hơn cho cộng đồng lẫn cổ đông.

TRÚC MAI

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/doanh-nghiep/masan-resources-ap-luc-tro-thanh-nha-che-bien-sau-3465750.html