Masan 'hi sinh' 22.000 tỉ lợi nhuận mua cổ phần The CrownX

The CrownX được Masan thành lập nhằm hoàn tất việc hợp nhất Vincommerce (VCM) vào tập đoàn. Công ty này đang trực tiếp nắm quyền kiểm soát tại MCH và VCM.

 The CrownX được Masan thành lập nhằm hoàn tất việc hợp nhất Vincommerce (VCM) vào tập đoàn (Ảnh minh họa)

The CrownX được Masan thành lập nhằm hoàn tất việc hợp nhất Vincommerce (VCM) vào tập đoàn (Ảnh minh họa)

CTCP Tập đoàn Masan (Mã CK: MSN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2020, trong đó cho biết thêm những chi tiết đáng chú ý về thương vụ mua cổ phần The CrownX.

Cụ thể, trong tháng 6 và 8 năm 2020, Masan đã chi ra 23.692 tỉ đồng để mua thêm 14,8% vốn của The CrownX từ bên thứ ba. Sau thương vụ, tỉ lệ lợi ích kinh tế của Masan trong The CrownX tăng từ 70% lên 84,8%.

Tuy nhiên, giá trị ghi sổ của phần tài sản thuần mà Masan mua lại chỉ ở mức 1.671,9 tỉ đồng. Điều này khiến Masan phải ghi nhận giảm lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tới 22.020,2 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, trong tháng 11/2020, công ty con của Masan là The Sherpa cũng đã mua thêm 9,1% vốn tại VinCommerce (VCM). Qua các giao dịch của The CrownX và The Sherpa, Masan đã tăng tỉ lệ lợi ích kinh tế tại VCM từ 58,6% lên 80,1%.

Theo Thông tư 202, nếu công ty mẹ tiếp tục đầu tư vào công ty con để tăng tỷ lệ lợi ích nắm giữ, phần chênh lệch giữa giá phí khoản đầu tư thêm và giá trị ghi sổ của tài sản thuần của công ty con mua thêm phải được ghi nhận trực tiếp vào lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và được coi là các giao dịch vốn chủ sở hữu.

Do đó, nhiều khả năng việc điều chỉnh từ thương vụ mua thêm cổ phần tại một số công ty con, đặc biệt là The CrownX, khiến cho lợi nhuận chưa phân phối sau thuế của Masan tính tới cuối năm 2020 âm 25.201,4 tỉ đồng.

Đây là nguyên nhân chính khiến vốn chủ sở hữu của tập đoàn này tính đến cuối năm 2020 đạt 25.030 tỉ đồng, giảm một nửa so với đầu năm.

VCM là đơn vị sở hữu chuỗi cửa hàng VinMart và VinMart+. Tháng 12/2019, Masan đã nhận từ Vingroup và các cổ đông khác 83,74% số cổ phần đang lưu hành của VCM, đồng thời phát hành quyền chọn cho các bên bán để nhận được 30% cổ phần trong công ty mới. Tại thời điểm cuối năm 2019, giá trị hợp lý của quyền chọn được Masan ghi nhận lên tới 8.987,5 tỉ đồng.

Để hoàn tất việc hợp nhất VCM vào tập đoàn, Masan đã thành lập 2 pháp nhân mới là The Sherpa và The CrownX. Theo đó, The Sherpa là công ty con trực tiếp của Masan, sẽ nắm giữ cổ phần chi phối tại The CrownX. Còn The CrownX sẽ là công ty giữ quyền kiểm soát tại VCM và Masan Consumer Holdings (MCH).

Như vậy, việc mua thêm cổ phần tại The CrownX trong năm 2020 như đã đề cập ở đầu bài viết có thể giúp Masan gia tăng tỉ lệ kiểm soát tại cả MCH, chứ không chỉ riêng VCM.

Đáng chú ý, trong báo cáo mới nhất, Masan cho biết Singha Asia Holdings có quyền góp vốn đợt 2 vào MCH với số tiền là 450 triệu USD để nắm giữ thêm 10,7% vốn chủ sở hữu của MCH. Tuy nhiên, Singha vẫn chưa thực hiện việc góp vốn lần 2.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 sắp tới, Masan dự kiến trình cổ đông thông qua phương án chào bán riêng lẻ tối đa 10% tổng số cổ phần đang lưu hành cho nhà đàu tư chiến lược, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Năm 2021, tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đặt mục tiêu doanh thu thuần từ 92.000 – 102.000 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông công ty từ 2.500 – 4.000 tỉ đồng./.

Nguyễn Ánh

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/masan-hi-sinh-22-000-ti-loi-nhuan-mua-co-phan-the-crownx-post143797.html