Maritime Bank: Quý 1 lợi nhuận lao dốc thê thảm, nợ xấu vượt ngưỡng quy định của NHNN

Dù mới tổ chức ĐHCĐ cách đây không lâu với những lời hứa 'mật ngọt' về lợi nhuận nhưng khi công bố kết quả kinh doanh quý 1, MSB dường như lại gây 'thất vọng' với cổ đông một lần nữa khi kết quả kinh doanh giảm sút.

Trong báo cáo tài chính quí 1/2019 của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt nam (Maritime Bank, MSB) mới đây cho thấy lợi nhuận ròng trong kỳ sụt giảm mạnh gần 74% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm gần 46% chỉ đạt 171 tỉ đồng trong khi cùng kì năm trước đạt 315 tỉ đồng. Cùng với đó, chi phí dự phòng rủi ro tăng xấp xỉ 20% khiến mức giảm lại bị kéo thêm.

Nhiều mảng kinh doanh của MSB cho kết quả kém khả quan. Cụ thể, hoạt động kinh doanh ngoại hối lỗ hơn 9 tỉ đồng trong khi quí I năm trước lãi gần 91 tỉ đồng, lãi thuần từ đầu tư chứng khoán giảm hơn 53%, từ hoạt động khác giảm 11,5%. Do đó, mặc dù thu nhập từ lãi thuần tăng hơn 37% và lãi thuần từ dịch vụ tăng hơn 53% nhưng không bù đắp được.

Quý 1/2019, lợi nhuận Maritime Bank lao dốc thê thảm, nợ xấu vượt ngưỡng quy định của NHNN.

Quý 1/2019, lợi nhuận Maritime Bank lao dốc thê thảm, nợ xấu vượt ngưỡng quy định của NHNN.

Đến hết quý 1, tổng tài sản của MSB đạt 134.944 tỉ đồng, giảm 2,1%. Trong đó cho vay khách hàng gần như không đổi với 48.771 tỉ đồng. Số dư tiền gửi khách hàng giảm nhẹ 1,3% với 40.157 tỉ đồng. Một điểm rất đáng chú ý, nợ xấu của MSB tăng 6,3% với 1.558 tỉ đồng, đưa tỉ lệ nợ xấu lên 3,19%.

Ngân hàng còn 3.314 tỉ đồng nợ xấu tại VAMC trong đó đã trích lập dự phòng hơn 882 tỉ đồng. Những số liệu này không thay đổi so với thời điểm cuối năm 2018.

Mới đây, MSB đã tổ chức ĐHCĐ năm 2019. Đáng chú ý trong cuộc họp cổ đông lần này, lời hứa thoái vốn PG Bank dường như vẫn còn bỏ ngỏ. Tính đến cuối năm 2018, số lượng tổ chức tín dụng MSB nắm giữ cổ phiếu là 3 tổ chức, trong khi quy định cho phép không quá 2 tổ chức.

Cụ thể, theo tài liệu gửi cổ đông trước ngày đại hội thường niên, ngân hàng MSB cho hay tính đến cuối năm 2018, số lượng tổ chức tín dụng MSB nắm giữ cổ phiếu là 3 tổ chức. Tại thời điểm 31/12/2018, MSB chưa tuân thủ Thông tư 36/2014/TT-NHNN khi tỷ lệ sở hữu cổ phiếu PGB (Ngân Hàng TMCP Xăng Dầu Petrolimex - PG Bank) là 9,98%.

Ngoài ra, MSB còn nhận cổ phiếu PVCB (Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam – PVcomBank) thay thế cho nghĩa vụ nợ của khách hàng.

Được biết vào năm 2017, Hội đồng quản trị MSB cũng đã "hứa hẹn" về việc thoái vốn PG Bank (thời điểm đó, PG Bank đang trong quá trình làm thủ tục sáp nhập với VietinBank). Tuy nhiên đến nay gần hai năm, việc thoái vốn này vẫn dậm chân tại chỗ.

Theo quy định tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại chỉ được nắm giữ cổ phần của tối đa không quá 02 tổ chức tín dụng khác với tỷ lệ nắm giữ dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết tại tổ chức tín dụng đó. Hiện nay, các ngân hàng thương mại đang liên tục chào bán cổ phần tại các tổ chức tín dụng khác nhằm tuân thủ Thông tư 36. Các ngân hàng có tỷ lệ vốn sở hữu vượt quá giới hạn phải hoàn tất việc thoái vốn vào giữa năm 2019, nên thời gian còn lại không nhiều. Đề án Cơ cấu hệ thống ngân hàng đến năm 2020, từng ngân hàng thương mại sẽ phải xây dựng lộ trình, phương án cơ cấu lại, dứt điểm tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống.

Năm 2019, nhà băng này đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 1.860 tỷ đồng, tăng 77% so với năm 2018 với dư nợ tín dụng tăng 35%. MSB cũng đề xuất chia cổ tức 10% cho năm 2019 nhưng cho biết chỉ thực hiện khi có sự chấp thuận từ Ngân hàng Nhà nước.

An Nhiên

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/maritime-bank-quy-1-loi-nhuan-lao-doc-the-tham-no-xau-vuot-nguong-quy-dinh-cua-nhnn-d158087.html