Marine Le Pen có thực sự là Trump của Pháp?

Là người về thứ 2 sau ông Emmanuel Macron trong vòng 1 cuộc bầu cử tổng thống Pháp diễn ra ngày 23/4, cái tên Marine Le Pen có vẻ ít được chú ý hơn.

Người ta gọi bà là Donald Trump của nước Pháp, vì vị chính trị gia này cũng ủng hộ chủ nghĩa dân tộc và có cùng luận điệu chống nhập cư, chống Hồi giáo như vị tổng thống Mỹ.

Marine Le Pen là nhà lãnh đạo của đảng Mặt trận dân tộc Pháp (FN). Trong suốt cuộc đời của mình, bà sống và làm việc trong cái bóng của cha mình. Ông Jean-Marie Le Pen thành lập đảng Mặt trận dân tộc cực hữu vào năm 1972, được biết đến với hình ảnh phân biệt chủng tộc và chống Do thái.

Ở tuổi 48, bà đã 2 lần ly hôn và là một người mẹ của 3 đứa con mà bà luôn tìm cách bảo vệ khỏi sự chú ý của giới truyền thông. Tuy nhiên, mối quan hệ của bà và cha lại luôn bị soi xét.

Bà Marine Le Pen và cha - ông Jean-Marie Le Pen, người thành lập đảng Mặt trận dân tộc cực hữu Pháp

Một vụ đánh bom tại căn hộ của gia đình ở Paris khi Marine 8 tuổi khiến bà nhận thức được tai tiếng của cha. Và sau khi cha mẹ ly dị, bà bắt đầu dành nhiều thời gian hơn tại văn phòng và luôn cố gắng để thay đổi hình ảnh của FN. Điều này khiến ông Jean-Marie vô cùng tức giận. Đến tận năm 2011, sau khi lên giữ chức chủ tịch, nữ chính trị gia mới có toàn quyền “định dạng lại thương hiệu” của đảng này.

Kế hoạch tranh cử

Cũng giống như cha mình, bà Le Pen muốn hạn chế nhập cư. Bà đặt mục tiêu giảm số người nhập cư vào Pháp mỗi năm từ 200 nghìn xuống còn 10 nghìn người đồng thời giới hạn nhóm này sử dụng các dịch vụ công cộng. Bà tin rằng chỉ chủ nghĩa cô lập chính trị và chủ nghĩa dân tộc kinh tế mới có thể bảo vệ Pháp khỏi những ảnh hưởng xấu của "chủ nghĩa đa văn hóa Anglo-Saxon" và chủ nghĩa tự do.

Về mặt kinh tế, bà tự nhận mình là đại diện của tầng lớp lao động Pháp và muốn bảo vệ họ cũng như hệ thống phúc lợi xã hội. Bà cũng mong muốn đem đồng Franc quay trở lại và cam kết sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc Pháp rời khỏi Liên minh châu Âu EU (Frexit). Vị nữ chính trị gia thậm chí còn ủng hộ việc Pháp rút khỏi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO.

Bà Le Pen đứng trên sân khấu với các chính trị gia cực hữu châu Âu khác tại một sự kiện

Những chính sách này có nhiều nét giống với kế hoạch tranh cử của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2016. Nhưng nếu muốn so sánh bà với một ai đó, thì thực ra Le Pen giống một Hillary Clinton hơn – một nữ chính trị gia có năng lực, có thâm niên tham gia chính trường nhưng thiếu sức hút đối với những cử tri ngoài nhóm ủng hộ đảng của mình.

FN có một nhóm cử tri chính khoảng 25% dân số Pháp, nhưng đó là điểm dừng. Năm 2012, bà cũng từng ra tranh cử tổng thống nhưng phải dừng lại ở vòng 1 vì chỉ giành được 17,9% phiếu bầu (đứng thứ 3, sau ông François Hollande và ông Nicolas Sarkozy).

Một người ủng hộ giơ tấm bảng có in tên bà Le Pen tại một hội nghị chủ nghĩa dân túy tại Đức

Hôm 24/4, bà tuyên bố tạm thời từ chức lãnh đạo đảng Mặt trận Dân tộc để tập trung vào chiến dịch tranh cử. Mặc dù các cuộc thăm dò cho thấy ông Macron nhiều khả năng giành chiến thắng ở vòng 2 nhưng bà Le Pen vẫn tin rằng mình có cơ hội. Bà khẳng định, sau sự kiện Brexit và chiến thắng bất ngờ của ông Trump, làn sóng chủ nghĩa bảo hộ đủ mạnh để phá vỡ mọi rào cản và đưa bà vào điện Élyseé.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/marine-le-pen-co-thuc-su-la-trump-cua-phap--20170425111748721p145c151.news