Marie Curie và cách học để trở thành thiên tài trong lịch sử

Sở hữu trí thông minh hơn người từ khi còn nhỏ, song chính niềm say mê học tập đã giúp Marie Curie trở thành nhà khoa học nữ kiệt xuất trong lịch sử.

Marie Curie (1867-1934) được thế giới biết đến với tư cách là người đầu tiên và duy nhất trên thế giới hai lần được nhận giải Nobel danh giá ở hai lĩnh vực khác nhau. Sinh thời, để trở thành người phụ nữ kiệt xuất nhất lịch sử, bà đã học tập và nghiên cứu không ngừng nghỉ.

Thiên tài mọt sách

Theo sách Kể chuyện tấm gương hiếu học, ngay từ nhỏ, Marie Curie đã bộc lộ tư chất thông minh hơn người. Được chị gái chỉ bảo bằng cách chơi trò cô giáo, bà nhanh chóng thuộc hết mặt chữ và biết đọc từ khi mới 4 tuổi.

Một hôm, trong lúc chị gái Bronia đang đánh vần từng chữ trong bài tập đọc, bất ngờ Marie Curie cầm lấy cuốn sách, đọc hết cả bài, không sai một chữ. Thấy cả nhà lặng yên vì ngạc nhiên, Marie Curie sợ hãi, khóc òa lên.

Ngay từ nhỏ, Marie Curie đã rất say mê đọc sách, bà có thể học đến quên cả ăn. Mỗi khi cầm sách trên tay, bà chăm chú như một bức tượng, cả thế giới xung quanh gần như không hề tồn tại với thiên tài này. Ngay cả khi anh chị em trong gia đình cố làm bà phân tâm, Marie Curie vẫn không hề phân tán tư tưởng. Bà thậm chí không thèm để ý tới họ.

Sau những buổi học ở trường, trong khi anh chị em vui chơi thỏa thích, Marie Curie thường xuyên trốn vào phòng khách để đọc sách.

Marie Curie - người phụ nữ ảnh hưởng nhất lịch sử nhân loại. Ảnh: Daily Mail.

Sách Kể chuyện tấm gương hiếu học kể lại rằng: Một hôm, chị cả muốn Marie Curie chơi cùng nên đã cất tiếng gọi: "Marie tới chơi với bọn chị một lúc cho thoải mái", nhưng do đang chăm chú đọc sách, bà không nghe thấy gì.

Người chị ba của bà chớp mắt đắc chí nói: "Em đã có cách kéo Marie Curie ra chơi cùng với chúng ta".

Sau một hồi thì thầm, bàn tính, mấy chị em mang đến ba chiếc ghế, nhẹ nhàng kéo ra phía sau Marie Curie, xếp thành hình tam giác, cho Marie Curie lọt thỏm vào tam giác đó. Mấy chị em nghĩ rằng chỉ cần Marie Curie khẽ cử động, chiếc ghế lập tức bị rơi, như vậy, Marie Curie không còn chuyên tâm đọc sách được, sẽ ra chơi với họ.

Tuy nhiên, Marie Curie vẫn bất động, không hề nhúc nhích, chị em bà đều tỏ vẻ thất vọng. Phải tới hai giờ đồng hồ sau, Marie Curie mới khẽ cử động làm rơi chiếc ghế. Song sau đó, bà chỉ cười và tiếp tục đọc sách.

Nhờ chăm chỉ học tập, thành tích của Marie Curie luôn dẫn đầu lớp. Ngay từ khi còn học phổ thông, bà đã thông thuộc tới năm thứ tiếng.

Sau khi tốt nghiệp trung học, do chính phủ Ba Lan lúc bấy giờ không cho phụ nữ vào đại học, gia cảnh Marie Curie lại rất nghèo, bà buộc phải bí mật học tại Đại học Floating. Mãi tới năm 20 tuổi, nhờ sự giúp đỡ của người chị cả, Marie Curie được nhận vào Đại học Sorbonne danh tiếng nhất nước Pháp lúc bấy giờ.

Tại Paris, Marie Curie thuê một căn phòng nhỏ không điện, không nước, chỉ có một ít ánh sáng mờ lọt qua tấm kính gắn trên mái. Bữa ăn của Marie Curie thường không có thịt, chủ yếu là bánh mỳ và súp rau.

Cuộc sống kham khổ đó khiến bà bị thiếu máu, hay ngất. Tuy vậy, bà vẫn không chú ý tới sức khỏe, hàng ngày say mê học tập và nghiên cứu.

Cống hiến đến hơi thở cuối cùng

Không lâu sau khi sang Pháp học tập, Marie Curie đã đỗ đầu danh sách trong cuộc thi cử nhân vật lý. Một năm sau, bà giành được bằng cử nhân khoa học. Niềm vui nối tiếp niềm vui, khi đang tính chuyện quay về Ba Lan, bà may mắn xin được khoản trợ để tiếp tục ở lại học tập.

Cũng chính trong thời gian này, Marie Curie đã gặp và kết hôn với nhà vật lý danh tiếng người Pháp - Pierre Curie. Có chung niềm đam mê khoa học, hai ông bà làm việc gần như không ngừng nghỉ.

Ngay sau khi sinh con, bà đã có mặt tại phòng thí nghiệm từ sáng sớm đến nửa đêm, miệt mài với đề tài nghiên cứu hiện tượng phóng xạ Urani để bảo vệ luận án tiến sĩ vật lý.

Marie Curie cùng chồng trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Getty.

Sau bốn năm miệt mài nghiên cứu với sự giúp đỡ của chồng, Marie Curie đã tìm ra một nguyên tố phóng xạ mới có cường độ phóng xạ mạnh gấp 400 lần Urani nguyên chất. Không lâu sau đó, vợ chồng bà tiếp tục tìm ra một nguyên tố mới là Radi.

Với hàng nghìn thí nghiệm sau đó, hai ông bà đã tinh luyện thành công 1/10 gam Radi trong một tấn quặng. Với thành tựu đột phá này, hai vợ chồng bà đã vinh dự được trao giải thưởng Nobel vật lý năm 1903.

Sau khi Pierre Curie đột ngột năm 1906 vì tai nạn giao thông, Marie Curie vẫn tiếp tục nghiên cứu khoa học, vừa đảm nhận chức danh giáo sư thay chồng giảng dạy ở Đại học Sorbonne.

Trong những ngày cuối đời, dù sức khỏe rất yếu vì nhiễm độc phóng xạ, Marie Curie vẫn không ngừng nghỉ. Bà gắng gượng với công việc ở phòng thí nghiệm, chỉ trở về nhà khi sức khỏe kiệt quệ.

Năm 1934, người phụ nữ thiên tài của nhân loại đã qua đời tại nước Pháp, khi mới 67 tuổi, sau nhiều năm bị nhiễm độc phóng xạ, do thường xuyên ở trong phòng thí nghiệm.

Marie Curie đã cống hiến trọn đời mình cho nghiên cứu khoa học. Năm 1995, thi thể của bà được mai táng tại điện Panthéon ở Paris (Pháp) vì những đóng góp to lớn cho nhân loại.

Sinh thời, bà chính là người phụ nữ đầu tiên được giảng dạy ở Đại học Sorbonne danh tiếng, ứng dụng các nghiên cứu về phóng xạ vào phát hiện và điều trị ung thư.

Hình ảnh của bà từng vinh dự được in trên tờ tiền Zloty của Ba Lan và đồng franc của nước Pháp. Để vinh danh hai vợ chồng bà, các nhà khoa học đã lấy nguyên tố số 96 trong bảng tuần hoàn là Curium, ký hiệu Cm, đặt tên để tôn vinh bà và Pierre.

Sinh thời, Marie Curie chính là người đầu tiên ứng dụng các nghiên cứu phóng xạ vào chẩn đoán và điều trị ung thư.

Theo Tri thức trực tuyến

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/marie-curie-va-cach-hoc-de-tro-thanh-thien-tai-trong-lich-su-20180824085752065.htm