Maria Butina trước khi bị bắt đã có hành động đặc biệt?

Người được cho là điệp viên Nga ở Mỹ đã tham gia vào một dự án liên quan đến an ninh mạng trước khi bị bắt.

Thông tin này được AP mới đây đăng tải, nhấn mạnh đến các cáo buộc chưa được làm rõ đối với cô sinh viên người Nga - Maria Butina đang bị giám sát đặc biệt tại Mỹ.

Theo tờ báo này, một năm trước khi các công tố viên liên bang Mỹ cáo buộc Maria Butina làm điệp viên bí mật cho Chính phủ Nga, cô là sinh viên tốt nghiệp tại Đại học Mỹ đang làm việc trong một dự án nhạy cảm liên quan đến an ninh mạng.

Nữ sinh Maria Butina được cho là tìm cách thâm nhập vào vấn đề an ninh mạng của nước Mỹ.

Butina đã tìm cách thu thập thông in về các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ về tự do ngôn luận và nhân quyền. Thông tin từ công việc này cho phép Maria Butina được "ăn sâu cắm rễ" vào những vấn đề ở Mỹ và cũng nhận được sự quan tâm của Chính phủ Nga.

Tờ AP cho biết, Maria Butina được tham gia dự án này dưới sự giám hộ của một giáo sư Mỹ, cho nhóm phi lợi nhuận Internews- tổ chức đã có báo cáo lên Bộ Ngoại giao Mỹ về các vấn đề an ninh mạng. Nhóm này còn từng tư vấn cho các tổ chức phi lợi nhuận khác và thu hút một số chương trình ở Nga, các nước láng giềng Nga về an ninh mạng.

Internews xác nhận Maria Butina là một thành viên và cũng tham gia nhiều dự án liên quan. Cô dẫn đầu một nhóm sinh viên có mục tiêu là giới thiệu và quảng cáo các dịch vụ của Internews cho các đối tác. Các đối tác này phải được báo cáo với tổ chức nhưng dường như nhóm của Maria Butina đã gửi liên lạc với nhiều đối tượng mà không có sự cho phép.

Một cá nhân đã từng làm việc cho các chương trình của Mỹ ở Ukraine nói với AP rằng sau vụ bắt giữ của Butina, các quan chức Mỹ bày tỏ lo ngại rằng hai chương trình Internews ở Ukraine - tự do truyền thông và an ninh mạng - có thể lọt vào tay tình báo Nga nhờ sự tham gia của nữ sinh 29 tuổi.

Internews cho biết, các nhóm sinh viên không được tiếp cận với công việc hoặc hệ thống của nhóm trừ khi công việc đó được Giảng viên của họ cho phép. Đồng thời đặt ra nghi ngờ về khả năng trường Đại học America đã giúp đỡ cho Maria Butina.

Trong khi đó, ngôi trường này cho biết họ không kiểm tra lý lịch hay visa cho sinh viên mà đó là trách nhiệm của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Palladino trong một tuyên bố khẳng định, Bộ này đã xác minh các tài liệu mà Internews cho phép sinh viên được quyền truy cập và thấy không có vấn đề gì.

Song ông không nói thêm về việc lý lịch của Maria Butina được cấp có vấn đề gì không.

Trong một tuyên bố mới nhất, Bộ Ngoại giao Nga cho biết, những cáo buộc được AP cho rằng, Maria Butina "hoạt động như một điệp viên bí mật cho chính phủ Nga" là vô căn cứ, gọi đây là những cáo buộc nhằm tạo nên sự chú ý khi nước Mỹ bắt đầu bước vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Hiện nay, các quan chức từ Đại sứ quán Nga tại Washington thường xuyên đến thăm Maria Butina. Nhờ những nỗ lực của các nhà ngoại giao Nga về tình trạng giam giữ của cô, Maria đã được chuyển đến một phòng giam khô ráo và có điều kiện thoải mái hơn phòng giam cũ.

Bữa ăn của cô đã trở nên đa dạng hơn và cô đã được phép mua sản phẩm tại một cửa hàng địa phương. Cách cư xử của cư dân địa phương đối với công dân Nga cũng có chiều hướng tích cực hơn.

Phiên điều trần đã được chuyển từ ngày 13/11 đến ngày 6/12/2018 và các luật sư từ Nga đang chuẩn bị chu đáo nhất có thể để bác bỏ mọi cáo buộc vô căn cứ chống lại Maria Butina.

Bộ Ngoại giao Nga khẳng định đang nỗ lực hết mình để thuyết phục chính quyền Mỹ chấm dứt các hành động trái pháp luật chống lại Maria Butina và yêu cầu lập tức thả người.

Sơn Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/maria-butina-truoc-khi-bi-bat-da-co-hanh-dong-dac-biet-3368745/