Marathon 'võng' ở vùng cao Quảng Ngãi

Người bệnh nằm trên chiếc võng, đầu võng được cột vào thân cây nằm ngang. Có 2 thanh niên khỏe mạnh cứ thế gánh võng chạy hết tốc lực ra khỏi làng, phía sau họ là đám đông trai tráng sẵn sàng vào thay phiên cho người đuối sức. Cuộc marathon 'võng' kéo dài hàng chục cây số, đến khi nào tới được trạm xá hoặc gặp xe cấp cứu mới dừng lại.

Cả làng cùng chạy marathon

Gần trưa, nghe bước chân rầm rập và tiếng í ới của đoàn người chạy ngang qua, bà Nguyễn Thị Hoa Trúc (59 tuổi) nghiêng mình về phía cửa trước, nhìn ra con đường gồ ghề trước nhà rồi chép miệng: “Khổ, lại có người đi cấp cứu đây mà…”.

 Người dân gánh võng đưa người đi cấp cứu.

Người dân gánh võng đưa người đi cấp cứu.

Là người xã Tịnh Giang (huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi), bà Trúc cùng chồng lên thôn Tre (xã Trà Tây, huyện Trà Bồng) buôn bán, kinh doanh đã gần chục năm qua. Ngày đầu chân ướt chân ráo mới lên xóm núi, bà Trúc không tránh khỏi cú “sốc” khi thấy dân làng hối hả gánh người bệnh đi cấp cứu bằng võng.

“Ở đây đường sá kinh khủng lắm, xe máy đi lại còn khó khăn, xe ô tô thì chịu, không vào được. Bởi vậy, khi có người bệnh hay sinh đẻ, người làng tụ tập lại, đưa người bệnh lên võng rồi gánh đi. Hồi mới lên, cứ sợ lỡ mình đau ốm gì làm sao mà đưa đi cấp cứu, giờ thấy hoài thành quen, cũng quên mất sợ, cứ lỳ ra đó”, bà Trúc cười.

Gần nhà bà Trúc, chị Hồ Thị Lý (19 tuổi) vẫn còn nguyên ký ức về lần đầu tiên được “gánh” đi cấp cứu vào đợt gần Tết Nguyên đán vừa rồi.

“Nằm nhà cả ngày mà không đẻ được nên phải nhờ dân làng gánh đi, đường xa mà lại đau quá, sợ chết nữa nên khóc quá trời. Ra tới đường mất khoảng 2 tiếng mà xe cấp cứu vẫn chưa đến, lúc xuống được bệnh viện tỉnh cũng mất hết tổng cộng gần 5 tiếng”, Lý kể.

Chị Hồ Thị Lý và con trai.

Chuyến “nằm võng” nhớ đời đã cứu được Lý và bé Hồ Hoàng Phi (con trai Lý). Dù khi sinh ra, Phi phải chuyển gấp ra Đà Nẵng vì có vấn đề về phổi, nhưng sau đó đã được điều trị tốt nên nhanh phục hồi.

Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như mẹ con Lý. Năm 2016, vợ ông Hồ Văn Thuyền (28 tuổi) đã bị tử thần cướp mất khi trên đường đưa cấp cứu bằng võng.

Năm ấy, vợ Thuyền đang mang đứa con đầu lòng bỗng dưng than đau đầu, sáng hôm sau thức dậy thì mờ mắt. Giữa mùa mưa, đường đầy bùn nhão và sỏi đá, gần trăm thanh niên khiêng từ sáng đến gần cuối chiều mới đến được trạm xá. Nhưng vợ của Thuyền không qua khỏi, chị mất trên võng, giữa đường đi.

Gánh võng cứu người

Ở thôn Tre, đường sá chưa được đầu tư xây dựng, xe máy đi lại đã rất khó khăn. Mùa nắng còn đỡ, mùa mưa thì khủng khiếp, bùn đất nhầy nhụa, đá lởm chởm dưới chân, xe máy cũng “chết cứng”, nói chi đến xe ô tô. Bởi vậy, hàng chục năm qua, mỗi lần có người bệnh nặng, đau bụng chuyển dạ..., dân làng lại cùng nhau gánh võng.

Bệnh nhẹ thì gánh chạy ra trạm xá, bệnh nặng thì gánh chạy ra ủy ban xã rồi gọi xe cấp cứu tới đón, đưa đi bệnh viện huyện hoặc xuống thẳng dưới tỉnh. Dù bằng cách gì thì cũng rất tốn thời gian và vất vả.

Dân làng gánh người bệnh ra trạm xá.

Ngót nghét 10 năm trôi qua kể từ khi người thôn Tre lập làng mới ở khu tái định cư của dự án hồ thủy điện Nước Trong. Trước đây, người dân thôn Tre ở gần lòng hồ, cách làng mới khoảng 20 km. Ở nơi xa xôi như thế, chuyện gánh võng đưa người đi cấp cứu diễn ra thường xuyên. Nhưng đã mười năm dời đến nơi ở mới, xe cấp cứu vẫn chỉ đến được cách làng 10 km.

“Sợ nhất là đau đẻ với đau ruột thừa... Mà gánh vào ban ngày hoặc tờ mờ sáng còn đỡ, chứ gánh chạy vào đêm mới cực. Nhưng dù có thế nào cũng phải ráng hết sức chạy cho nhanh, chạy chậm họ chết mất sao?”, Hồ Văn Chung (38 tuổi) tỉnh rụi.

Chung đã có kinh nghiệm gánh võng khi ở làng cũ, giờ lập làng mới vẫn tiếp tục gánh thêm chục năm. Số lần đưa người đi cấp cứu bằng võng nhiều không nhớ nổi.

“Người đau sơ sơ còn ngồi xe máy chở đi khám, chứ mà đau lưng, đau bụng, đau đẻ hoặc bệnh nặng thì phải gánh thôi. 2 người gánh 2 đầu võng, nếu người bệnh đau quá thì thêm một người nâng phần võng ở giữa cho đỡ xóc. Đường xấu lắm, bình thường đi đã mệt, nói chi người đau. Nếu gánh vào ban đêm hoặc mờ sáng thì phía trước có xe máy chạy để soi đèn, chạy được một đoạn thì có người thay. Có người mang theo nước, ai khát thì uống”, Chung miêu tả.

Thôn Tre có trên mười cụm dân cư với khoảng cách tương đối xa nhưng khi có người cần giúp đỡ, người dân sẵn sàng chạy xe máy đến điểm tập kết như tuân theo quân lệnh. Bình quân, mỗi năm thôn Tre có 10-20 trường hợp đưa người đi cấp cứu bằng võng. Mỗi khi có “biến”, thông qua những chiếc điện thoại, trai làng được triệu tập nhanh chóng để hỗ trợ gia đình người bệnh. Đưa người bệnh đi cấp cứu thành công, đoàn người rủ nhau đi về, hoàn thành một đợt marathon “võng”.

"Mình giúp đỡ người khác rồi khi mình có việc mọi người giúp đỡ lại mình. Có mưa gió, sớm khuya gì cũng không ngại. Đợt năm ngoái sau bão số 9, có người phải đưa đi cấp cứu, bùn ngập đến bắp chân mà mọi người vẫn cắm đầu chạy", Chung nói.

Mơ ước một con đường

Theo quy định, khi tái định cư nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ, đầy đủ điện, đường, trường, trạm. Nhưng đến nay, người dân thôn Tre vẫn khiêng người đi cấp cứu bằng võng, con đường làng vẫn y như thuở hoang sơ, gập ghềnh, trắc trở.

Đường sá ở thôn Tre chưa được đầu tư xây dựng nên đi lại rất khó khăn.

“Lâu lâu lại có vài người lên đây, đo đo vẽ vẽ, nghe đâu là sắp làm đường rồi đấy. Nhưng đợi mãi chẳng thấy đâu, mừng hụt biết bao lần rồi. Đường sá khó khăn, mạng người khó cứu, làm ăn lại chẳng thuận lợi, có rẫy keo trồng 5 năm mà bán đi cùng mất phần lớn chi phí vào công vận chuyển”, Hồ Chí Đặng thất vọng.

Mấy tháng trước, vợ Đặng sinh con, lo sợ những điều không may mắn, Đặng bàn với gia đình đưa vợ xuống bệnh viện nằm trước cả tháng. Đứa con ra đời thuận lợi, Đặng mới thở phào nhẹ nhõm.

Cha Đặng, ông Hồ Chí Thành- Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Trà Tây đã nghỉ hưu được 5 năm cũng đã có mấy chục năm gánh võng. Mới đây nhất, ông tham gia gánh bà Hồ Thị Mương bị đau lưng đưa lên trạm xá. Quãng đường 8km mất hết gần 2 tiếng chạy bộ.

Ông Hồ Chí Thành (đứng đầu) tham gia gánh võng đưa bà Mương đi cấp cứu.

Hồi đương chức cũng như khi đã về hưu, ông Thành rất nhiều lần ý kiến, đề đạt nguyện vọng của người dân thôn Tre về con đường của hàng trăm hộ dân với trên 1.000 nhân khẩu ở đây.

Theo thông tin từ chính quyền địa phương, hiện tại tuyến đường ở thôn Tre đã được bổ sung danh mục vào công trình trung hạn và sẽ được triển khai trong thời gian tới. Trong khi giấc mơ về con đường chưa thành hiện thực, dân làng thôn Tre vẫn tiếp tục gánh võng khi có người đau ốm. Không kể gió mưa hay đêm tối, những bàn chân vẫn thoăn thoắt đạp lên đá sỏi, bùn nhão để chạy đua với thời gian, níu giữ sinh mạng con người.

Hà Phương

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/marathon-vong-o-vung-cao-quang-ngai-416204.html