Mập mờ 'nợ xấu' margin

Cho vay ký quỹ hàng nghìn tỷ đồng, song các khoản cho vay khó đòi, khả năng mất vốn của các công ty chứng khoán chưa bao giờ được thuyết minh chi tiết...

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Báo cáo tài chính soát xét bán niên của Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho thấy, giá trị cho vay giao dịch ký quỹ của công ty tính đến 30/6/2019 ở mức 4.861 tỷ đồng.

Với mức dư nợ margin này, Mirae Asset trở thành công ty chứng khoán có dư nợ cho vay ký quỹ tăng mạnh nhất trong vòng 5 năm qua với dư nợ cuối tháng 6/2019 cao gấp 63 lần năm 2015.

Thế nhưng, dự phòng cho khoản margin này lại chiếm một con số rất nhỏ, thậm chí còn giảm trong vòng mấy năm qua, được ghi nhận ở mục Dự phòng suy giảm giá trị các tài sản tài chính với mức 5,8 tỷ đồng, tương đương bằng 0,1% tổng dư nợ margin hiện tại.

Công ty cho biết đây là khoản dự phòng cho vay giao dịch ký quỹ đã bị quá hạn từ năm 2015 và 2016. Công ty thực hiện trích lập dự phòng 100% cho các khoản cho vay này và không có biến động từ năm 2017 đến nay.

Ở vị trí đầu ngành và là công ty chứng khoán có mức cho vay ký quỹ lớn nhất, SSI có dư nợ margin tính đến cuối tháng 6/2019 đạt 6.256 tỷ đồng, dự phòng suy giảm ở mức 30 tỷ đồng, tăng nhẹ không đáng kể so với hồi đầu năm 2019.

Tương tự như hai công ty chứng khoán trên, dự phòng suy giảm giá trị tài sản tài chính của nhiều công ty chứng khoán khác dao động quanh mức vài chục tỷ đồng, chiếm tỷ trọng nhỏ so với hàng nghìn tỷ đồng đang cho vay ký quỹ.

Đối với các công ty chứng khoán, dự phòng cho vay hầu hết là dự phòng cho vay giao dịch ký quỹ. Và cũng hầu hết các công ty chứng khoán trích lập dự phòng suy giảm theo ước tính chênh lệch giá trị thị trường so với giá trị cho vay ban đầu, ngoại trừ VNDirect cho biết công ty còn thực hiện trích lập dự phòng chung đối với các khoản cho vay với tỷ lệ 0,75%. Không có thuyết minh chi tiết về các khoản nợ xấu không thể thu hồi nếu có trên báo cáo tài chính.

Thời gian qua, vụ cổ phiếu FTM giảm sàn khiến nhiều công ty chứng khoán ngậm đắng do cho vay ký quỹ gây chú ý. Những trường hợp tương tự FTM có thể gây ra những khoản nợ xấu margin cho các công ty chứng khoán.

Trao đổi với VnEconomy, một chuyên gia chứng khoán đang giữ vị trí quản lý tại 1 trong 11 công ty chứng khoán được cho là bị thiệt hại từ vụ margin cổ phiếu FTM, cho biết, FTM là điển hình của việc khi doanh nghiệp báo lỗ, các các công ty chứng khoán bắt đầu hạ tỷ trọng cho vay ký quỹ - một biện pháp để dự phòng rủi ro. Khi dư nợ vay quá lớn ở các công ty chứng khoán dẫn đến tình huống người vay margin không thể trả được.

Ngoài ra, một vấn đề lớn là ứng xử của công ty chứng khoán khi một công ty chứng khoán thông báo call margin, xả hẳn khiến các công ty chứng khoán khác phải bán theo. Tình trạng này dẫn tới việc "tự bắn vào chân nhau".

Về nguyên tắc, chênh lệch giá trị cổ phiếu khi thu hồi tài sản so với giá trị cho vay thì đó sẽ là trích lập dự phòng phải thu, nợ xấu quá thì buộc trích lập 100% dự phòng. Khi giá trị đảm bảo không đủ, công ty chứng khoán được quyền bán cho đến khi thu hồi được đủ tài sản, đến khi ko bán được nữa thì số cổ phiếu đấy sẽ được chuyển sang mục tự doanh.

Nói về giá trị trích lập dự phòng chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ, chuyên gia này khẳng định dự phòng hiện tại dù không thuyết minh chi tiết nhưng phản ánh đúng bản chất đối với nợ xấu margin. Ví dụ vụ FTM công ty anh trích lập cũng chỉ ở mức 2-3 tỷ mà thôi.

Nêu quan điểm về việc nên chăng trích lập theo tỷ lệ nhất định trên tổng dư nợ cho vay, chuyên gia này cho rằng mục đích của trích lập dự phòng là để giúp cho doanh nghiệp không bị "sốc" nếu có biến động xấu, điều này phụ thuộc vào mức độ chấp nhận rủi ro của từng doanh nghiệp, nên bây giờ nếu áp một tỷ lệ trích lập nhất định cho toàn bộ các công ty chứng khoán thì không hợp lý.

"Nếu quản trị một cách 'cứng' thì trong dư nợ margin cuối kỳ phải công bố các mã đang cấp margin là gì tương tự như công bố các mã tự doanh thôi. Đây có thể là một cách thức để tiến tới minh bạch hơn".

Tuy gợi ý vậy nhưng chuyên gia này cũng cho rằng, đối với chứng khoán, các mã cổ phiếu như một loại hàng hóa phải thu phải trả đối với từng đối tượng khách hàng. Ví dụ chốt số dư cuối kỳ 2.000 tỷ thì cũng không đồng nghĩa rằng ngày mai số dư này vẫn giữ nguyên do thị trường chứng khoán thay đổi rất nhanh.

Thời điểm chốt quý để soát xét, kiểm toán cho đến thời điểm công bố báo cáo kiểm toán đã khác rất nhiều do tính chất tài sản lưu động liên tục, các khoản margin và tỷ trọng margin có thể đã biến đổi mạnh nên việc công bố không còn chuẩn nữa, khác biệt lớn so với yếu tố tự doanh liên quan đến công bố các khoản đầu tư. Do vậy, làm thế nào để minh bạch hơn trong việc thuyết minh các khoản trích lập dự phòng đối với các công ty chứng khoán vẫn đang là một bài toán khó giải.

Nguyên Minh

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/map-mo-no-xau-margin-20190930230821688.htm