Mập mờ dự án khu dân cư ở Tiền Giang

Chính quyền thu hồi đất của dân với giá rẻ rồi giao cho doanh nghiệp làm dự án 'khu dân cư' nhưng xây nhà phố, biệt thự bán khiến khiếu kiện kéo dài, gây mất an ninh trật tự

Từ đơn tố cáo của bạn đọc, sau hơn 1 tháng thu thập tư liệu, phóng viên Báo Người Lao Ðộng đã phát hiện hàng loạt vấn đề khuất tất liên quan đến dự án khu dân cư dọc sông Tiền, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Dự án này do Công ty CP Đầu tư Xây dựng Tây Bắc (Công ty Tây Bắc) làm chủ đầu tư, UBND TP Mỹ Tho đứng ra thu hồi đất của 134 hộ dân và doanh nghiệp (DN).

Bất thường, vô lý

Ðược cấp phép từ tháng 3-2015 nhưng đúng 2 năm sau, dự án khu dân cư dọc sông Tiền mới được khởi công. Lý do là việc giải tỏa, bồi thường dự án liên tục bị người dân khiếu kiện bởi nó quá bất thường và vô lý.

Trường hợp của bà Trần Thị Ngàn (ngụ 25/26 A Lê Thị Hồng Gấm, phường 4, TP Mỹ Tho) phản ánh đầy đủ sự vô lý vừa nêu. Theo bà Ngàn, gia đình bà mua căn nhà cặp bờ sông này từ năm 1969 và đã có hộ khẩu. Ðùng một cái, giờ nhà bị giải tỏa trắng, chỉ được đền bù phần kiến trúc và hỗ trợ di dời.

"Với số tiền 187,9 triệu đồng, không đủ để mua nền tái định cư thì chúng tôi lấy gì để cất nhà hoặc mua đất ở nơi khác? Ðó là chưa kể gia đình tôi có tổng cộng 14 người, 3 thế hệ cùng ở chung một nhà. Kiểu này chỉ có nước ra đường ăn mày" - bà Ngàn bức xúc.

Ngoài nỗi bức xúc như bà Ngàn, bà Trần Thị Kim Xuân (117/5B Lê Thị Hồng Gấm, phường 4) còn tỏ ra khó hiểu vì dự án gọi là "khu dân cư" nhưng hàng trăm gia đình sống ở đây từ hơn nửa thế kỷ giờ bị buộc phải ra đi để nhường chỗ xây dựng nhà phố, biệt thự để bán. Thậm chí, dù bị giải tỏa trắng nhưng lúc đầu, những người ở nhà sàn cũng không được bán nền tái định cư. Người dân phải khiếu nại gần 2 năm, chính quyền địa phương mới đồng ý bán nền tái định cư nhưng giá cao hơn những người có đất bị giải tỏa.

"Phải chi xây trường học, bệnh viện thì ai sao tôi vậy, đằng này họ xây nhà phố, biệt thự để bán. Dân chưa dời đi thì đất đã phân lô hết rồi, như nhà của tôi đã phân thành 2 nền. Nghe nói sau khi san lấp, người ta bán tới 20 triệu đồng/m2" - bà Xuân thất vọng.

Hành xử bất nhất

Không chỉ các hộ dân bức xúc, dự án khu dân cư dọc sông Tiền còn khiến nhiều DN kinh doanh trong phạm vi giải tỏa đối mặt nguy cơ mất trắng và phá sản.

Cay đắng nhất có lẽ là trường hợp bà Huỳnh Thị Chín (chủ hãng nước mắm Hải Lợi Nguyên ở phường 6, TP Mỹ Tho). Bà Chín cho hay khi triển khai dự án, UBND TP Mỹ Tho yêu cầu phải giao đất và chỉ bồi thường tài sản trên đất, riêng hơn 2.000 tấn cá nguyên liệu thì không được kiểm kê. "Sau khi tôi khiếu nại, họ nói tại sai sót và trở lại kiểm kê. Thế nhưng, thấy cá nhiều quá, họ lại nói không bồi thường" - bà Chín kể.

Ông Nguyễn Công Hầu (DNTN Phước Hương, phường 6) cho biết gia đình ông sở hữu 5.543 m2 đất làm xưởng chế biến nước mắm từ năm 1939. Để thực hiện dự án, chính quyền địa phương quyết định lấy 758,2 m2 đất mặt tiền (ngang gần 40 m, sâu 20 m) giao cho chủ đầu tư. Theo ông Hầu, nếu họ lấy hết mặt tiền thì DN của ông không còn chỗ lên xuống nguyên liệu. Do vậy, ông đề nghị hoặc là giải tỏa toàn bộ diện tích để ông tìm nơi khác làm ăn hoặc không lấy phần mặt tiền.

Trước yêu cầu của ông Hầu, UBND TP Mỹ Tho chỉ đạo chủ đầu tư giải quyết. Công ty Tây Bắc đã tiến hành thương lượng và ký thỏa thuận đồng ý giải tỏa hết nhà, xưởng của ông Hầu. Vậy mà, ngày 17-6-2015, ông Phan Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND TP Mỹ Tho lúc đó (đã bị khởi tố trong một vụ án khác), ký thông báo "dự kiến thu hồi 758,2 m2" đất mặt tiền của DNTN Phước Hương. "Nếu không chấp hành thì nhà nước triển khai kiểm đếm bắt buộc" - thông báo nêu rõ. Ông Hầu phản đối nên ngày 8-3-2017, UBND TP Mỹ Tho tiếp tục mời ông tới, yêu cầu giao đất và bác bỏ nguyện vọng với lý do yêu cầu của ông "không hợp lý"!

"Ðúng là chính quyền địa phương hành xử bất nhất. Lúc đầu, họ để tôi và DN thương lượng, sau thì "cưỡng ép". Làm vậy là triệt đường sống của người này, làm giàu cho kẻ khác" - ông Hầu uất ức.

Khu đất bên sông Tiền mà UBND TP Mỹ Tho sẽ tiếp tục thu hồi cho đủ 7,3 ha để giao cho Công ty Tây Bắc xây nhà, phân lô bán

Chênh lệch 20 lần

Theo điều tra của phóng viên, dự án khu dân cư dọc sông Tiền ban đầu được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt tại Quyết định 333 (ngày 25-1-2010) chỉ có tổng diện tích 25.000 m2. Tuy nhiên, sau đó, UBND TP Mỹ Tho đã "phù phép" biến dự án này có quy mô đến 78.000 m2 - tức tăng gấp 3 lần diện tích đất phải thu hồi. Trong đó, hình thức lựa chọn nhà thầu Tây Bắc là chỉ định thầu.

Theo báo cáo thực hiện dự án mới nhất do ông Nguyễn Hoàng Ðảm, Phó Chủ tịch UBND TP Mỹ Tho, ký thì UBND TP phải giao cho Công ty Tây Bắc 7,3 ha đất sạch dọc sông Tiền. Thế nhưng, theo hợp đồng thì Công ty Tây Bắc chỉ bỏ ra 85 tỉ đồng giải phóng mặt bằng. Như vậy, mỗi mét vuông đất nằm ở vị trí đắc địa này chỉ được đền bù hơn 1 triệu đồng. Trong khi đó, giá đất ở đây theo thị trường hiện không dưới 20 triệu đồng/m2. "Giá đất đền bù và bán ra chênh lệch đến 20 lần thì quả là siêu lợi nhuận. Ðề nghị các cơ quan chức năng làm rõ việc này và chuyện nới diện tích giải tỏa trắng gấp 3 lần ban đầu của dự án" - các hộ dân bị giải tỏa bày tỏ.

Liên quan đến sự mập mờ của chính quyền địa phương, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Ðộng, ông Nguyễn Văn Tư, Giám đốc Chi nhánh Tiền Giang Công ty Tây Bắc, thừa nhận từ tháng 3-2017, DN đã giao UBND TP Mỹ Tho 30 nền tái định cư. Thế nhưng, đến nay, tiếp xúc phóng viên, hàng chục hộ dân bị giải tỏa trắng cho biết vẫn chưa nhận được nền tái định cư.

Cũng theo báo cáo do ông Ðảm ký thì dự án này đến thời gian đăng ký đầu tư chỉ có nhà đầu tư duy nhất là Công ty Tây Bắc. Vì thế, UBND tỉnh Tiền Giang khi ban hành quyết định phê duyệt nhà đầu tư dự án, lựa chọn nhà đầu tư đã chỉ định thầu chính Công ty Tây Bắc.

Nhìn nhận về báo cáo này, nhiều DN cho rằng "kèo thơm" như vậy mà chỉ có một nhà đầu tư đăng ký và được chỉ định thầu ngay là chuyện rất khó hiểu.

Nghịch lý chính quyền thu hồi đất cho doanh nghiệp

Theo hợp đồng đầu tư ký ngày 27-1-2015 giữa Công ty Tây Bắc và ông Nguyễn Hoàng Ðảm, UBND TP phải đứng ra thu hồi đất của dân và cả đất công với tổng diện tích 7,3 ha để giao cho DN này làm dự án - xây dựng biệt thự, nhà liền kề, nhà ở chia ô, khách sạn, khu thương mại, dịch vụ... Trong đó, với đất xây dựng biệt thự, nhà ở liền kề khoảng 3 ha thì Công ty Tây Bắc phải nộp tiền sử dụng đất một lần cho UBND TP Mỹ Tho. Tuy nhiên, hợp đồng này không nói số tiền mà Công ty Tây Bắc phải nộp là bao nhiêu. Riêng phần đất xây dựng thương mại, dịch vụ thì được nhà nước cho nhà đầu tư thuê có thời hạn 50 năm.

Theo hợp đồng được ký kết, phương án thu hồi vốn đầu tư của Công ty Tây Bắc được thông qua là hình thức "kinh doanh, chuyển nhượng đất và tài sản gắn liền với đất". Phân tích về cách thu hồi vốn này, một doanh nhân ở tỉnh Tiền Giang cho rằng đã vi phạm quy định. Cụ thể, trong dự án này, chính quyền địa phương đã đứng ra thu hồi đất của dân giao cho DN với giá rẻ nhằm xây nhà liền kề, biệt thự để bán. Như vậy, không khác gì chính quyền địa phương lấy đất của dân giao DN để xây nhà hay khách sạn bán và cho dân thuê lại.

Bài và ảnh: MINH SƠN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/map-mo-du-an-khu-dan-cu-o-tien-giang-20180422205941552.htm