Mập mờ doanh thu trạm BOT: Dư luận bức xúc, cơ quan quản lý vẫn im lặng

Nhiều ngày sau vụ cướp tại trạm thu phí trên cao tốc TP.HCM-Long Thành- Dầu Giây, dư luận vẫn còn băn khoăn, không rõ thực hư doanh thu hàng ngày trên tuyến cao tốc này là bao nhiêu? Liệu có thực sự chỉ đạt hơn 3 tỷ đồng/ngày như Tổng Công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) báo cáo?

Đã giải thích nhưng chưa hết mập mờ

Báo cáo sơ bộ của VEC cho thấy, doanh thu thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây năm 2018 của công ty là 1.100 tỷ đồng, trung bình một ngày thu hơn 3 tỷ đồng. Đây là mức tăng khá mạnh sau 4 năm tuyến cao tốc này đưa vào khai thác.

Báo cáo tài chính năm 2015 của VEC ghi nhận doanh thu thu phí cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây hơn 565 tỷ đồng, chiếm hơn 33% doanh thu. Ước tính trong năm đầu tiên thông xe toàn tuyến, cao tốc nay thu bình quân mỗi ngày hơn 1,5 tỷ đồng.

Khi xảy ra vụ cướp, 2 đối tượng đã cướp đi 2,2 tỷ đồng, trong khi trong két vẫn còn hơn 1 tỷ đồng. Dù sau đó, VEC đã lên tiếng giải thích nhưng dư luận vẫn chưa hết nghi ngờ doanh thu mỗi ngày của trạm thu phí này cao hơn nhiều con số VEC báo cáo.

Không chỉ riêng tại dự án này, tình trạng mập mờ, thiếu minh bạch, thậm chí là che giấu doanh thu phí đã được dư luận đặt ra từ vài năm nay ở nhiều dự án khác.

Dư luận chưa hết nghi ngờ về doanh thu thật sự của tuyến cao tốc TP.HCM-Long Thành- Dầu Giây

Dư luận chưa hết nghi ngờ về doanh thu thật sự của tuyến cao tốc TP.HCM-Long Thành- Dầu Giây

VEC hiện đang quản lý, khai thác 4 tuyến cao tốc, TP.HCM-Long Thành- Dầu Giây, Nội Bài- Lào Cai, Cầu Giẽ- Ninh Bình và Đà Nẵng-Quảng Ngãi. Trong đó, hai tuyến cao tốc TP.HCM-Long Thành- Dầu Giây và Nội Bài- Lào Cai hiện là “hai con gà đẻ trứng vàng” cho doanh nghiệp này.

Cần phải nói thêm rằng, số tiền hơn 3 tỷ đồng tại trạm thu phí Dầu Giây chỉ là một trạm trên tuyến cao tốc dài 55km này, trên toàn tuyến còn có các trạm thu phí khác.

Không doanh nghiệp nào để cả đống tiền ở trạm thu phí

Đáng nói, cho tới thời điểm này, trước sự nghi ngờ của dư luận, chỉ có VEC lên tiếng cho rằng “việc thu phí tại các tuyến cao tốc là minh bạch” còn cơ quan quản lý Nhà nước chưa có bất kỳ động thái nào liên quan đến sự việc này.

Trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, việc kiểm soát thu phí trên các tuyến cao tốc, trong đó có cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây đã có nhiều bên tham gia, trong đó có Ban giám sát. Dữ liệu tại các trạm thu phí cũng được lưu trữ từ 1-5 năm theo yêu cầu nên việc hậu kiểm cũng không quá khó khăn.

Trả lời câu hỏi về việc, dư luận đang nghi ngờ VEC thu nhiều báo cáo ít về doanh thu tuyến cao tốc TP.HCM-Long Thành- Dầu Giây, Tổng cục Đường bộ liệu có kế hoạch hậu kiểm để có câu trả lời cho dư luận, lãnh đạo Tổng cục cho biết, chưa có kế hoạch này.

Bình luận về vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO cho rằng, không có doanh nghiệp nào để cả đống tiền hàng tỷ đồng như vậy ở trạm thu phí.

“Trạm thu phí là chỗ an ninh khó đảm bảo. Trạm nằm ngoài đường cao tốc, xe cộ qua lại nườm nượp, không dại gì mà để tiền nhiều ở đó. Chưa nói, nếu bài bản thì doanh nghiệp phải hợp tác với ngân hàng để chuyển tiền về gửi cho an toàn” - Luật sư Trương Thanh Đức cho hay. Theo vị luật sư này, có khả năng rất cao là doanh nghiệp thu nhiều nhưng khai nộp ít, nếu đúng như vậy thì cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ chứ không thể phó thác hết cho doanh nghiệp trả lời là xong.

Nhà đầu tư không muốn minh bạch

Trong khi đó, tiến độ thu phí tự động không dừng (ETC) được xem là giải pháp nhằm đảm bảo minh bạch tại các trạm BOT nhưng đến nay qua nhiều lần gia hạn vẫn trì hoãn. Nhà đầu tư BOT không thích thu phí không dừng, nại nhiều lý do và đến nay vẫn chưa thể thực hiện.

Thu phí tự động không dừng được xem là giải pháp đảm bảo minh bạch tại các trạm thu phí BOT

Cuối năm 2018, tại cuộc họp với các bên liên quan, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải quan tâm triển khai, đẩy nhanh tiến độ lắp đặt thu phí tự động không dừng.

Theo ông Nguyễn Văn Thể, thu phí tự động được cả xã hội quan tâm, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt. “Thu phí tự động không dừng sẽ giúp giám sát việc thu phí, doanh thu thu phí dễ hơn thu phí thủ công rất nhiều. Qua đó đem lại lợi ích xã hội to lớn như giảm thời gian dừng xe trả phí, tâm lý của lái xe và người dân tốt hơn, yên tâm và tin tưởng hơn vào hoạt động thu phí”- Bộ trưởng Bộ GTVT nói.

Tuy nhiên đến nay, tiến độ lắp đặt ETC vẫn gặp muôn vàn khó khăn. Trên các tuyến cao tốc do VEC quản lý, dù là thu phí kín và khá hiện đại nhưng nhà đầu tư này cũng liên tục trì hoãn việc lắp đặt ETC.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hiện nay VEC đang xin ý kiến của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước về việc này! Còn lắp đặt ETC tại các trạm BOT trên các tuyến quốc lộ thì hiện vẫn đang làm theo chỉ đạo của Chính phủ!

Kế hoạch của Bộ GTVT đến 31/12/2019, tất cả các trạm thu phí do bộ quản lý đều sử dụng ETC, mỗi trạm chỉ để lại 1 làn hỗn hợp (ETC + MTC) trên mỗi chiều đường.

Đến nay, cả nước có 94 trạm thu phí BOT, trong đó 76 trạm do Bộ GTVT quản lý và mới lắp đặt được ETC tại 29 trạm với 109 làn.

Ông Nguyễn Văn Dưỡng, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thu phí tự động VETC (nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng được Tổng cục Đường bộ lựa chọn) cho biết: Việc triển khai thu phí tự động hiện còn một số vướng mắc khi đàm phán với các nhà đầu tư BOT đường bộ.

Trong đó, có vướng mắc về bàn giao nhân lực thu phí, tài sản trạm thu phí. Cũng có nhà đầu tư BOT không mấy “hào hứng” với thu phí tự động. Cùng đó, hiện số lượng chủ xe nộp tiền vào tài khoản và sử dụng trả phí tự động cũng không nhiều.

Ngân Tuyền

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/oto-xe-may/map-mo-doanh-thu-tram-bot-du-luan-buc-xuc-co-quan-quan-ly-van-im-lang/799028.antd