Mập mờ chất lượng 'hàng xách tay'

Nhiều người tiêu dùng có tâm lý ưa thích hàng ngoại nhập giá rẻ đã tìm mua hàng hiệu vận chuyển về Việt Nam theo hình thức xách tay miễn thuế. Thế nhưng không phải tất cả những sản phẩm này đều là hàng chính hãng mà không ít trong số đó là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra cửa hàng kinh doanh “hàng xách tay” tại phố Nguyễn Sơn, quận Long Biên. Ảnh: Nam Lê

Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra cửa hàng kinh doanh “hàng xách tay” tại phố Nguyễn Sơn, quận Long Biên. Ảnh: Nam Lê

Rẻ hơn hàng nhập chính hãng

Tại cửa hàng bán đồ trẻ em trên phố Nguyễn Sơn (quận Long Biên), hiện bày bán hàng chục loại sữa dành cho trẻ em, người già và nhiều loại thực phẩm chức năng, mỹ phẩm... Các mặt hàng này được quảng cáo là “hàng xách tay” từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc... nhưng giá bán lại rẻ hơn hàng nhập khẩu chính hãng.

Thực tế kiểm tra các cửa hàng kinh doanh hàng nhập khẩu chính hãng trên địa bàn Hà Nội, lực lượng chức năng phát hiện không ít mặt hàng trôi nổi, không tem nhãn được các chủ cửa hàng trà trộn với hàng nhập khẩu chính hãng để tiêu thụ dưới danh nghĩa “hàng xách tay”. Nhưng thực ra đây chính là hàng nhập lậu, nhái nhãn mác, kiểu dáng do nước ngoài sản xuất.

Phó cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Nguyễn Công San

Chẳng hạn, một hộp kem nền BB Cushion hãng Laneige bày bán tại siêu thị Lotte Mart có giá 930.000 đồng, thì “hàng xách tay” chỉ có giá 710.000 đồng. Sữa Meiji (Nhật Bản) số 0 loại 800gam/hộp được bán với giá 460.000 đồng/hộp, tại hệ thống siêu thị Kids Plaza giá 550.000 đồng/hộp. “Hàng xách tay” không chỉ có hàng tiêu dùng, mỹ phẩm mà ngay cả sản phẩm điện tử cũng có hàng bán. Cụ thể, dù Apple chưa chính thức ra mắt dòng sản phẩm iPhone 11, iPhone 11 Pro Max tại Việt Nam nhưng trên thị trường sản phẩm iPhone 11 được nhiều cửa hàng chào bán ở mức 22,3 triệu đồng, Phone 11 Pro 29,8 triệu đồng và iPhone 11 Pro Max chào bán ở mức 33,3 triệu đồng. Ngoài những cửa hàng bán đồ xách tay mọc lên khắp các tuyến phố, thì nhiều shop online kinh doanh quần áo, nước hoa, đồng hồ... cũng đua nhau xuất hiện trên mạng xã hội, website rao vặt...

Lý giải nguyên nhân khiến “hàng xách tay” rẻ hơn hàng chính hãng nhập khẩu, những người chuyên kinh doanh cho biết: Hàng đưa vào Việt Nam dưới danh nghĩa đồ dùng cá nhân được miễn thuế nhập khẩu trị giá không quá 10 triệu đồng/người. Ngoài ra các chủ hàng thường “rình” mua hàng khuyến mại tại nước ngoài để gom hàng chuyển về Việt Nam.

Phập phù với chất lượng

Mặc dù “hàng xách tay” bày bán trên thị trường được quảng cáo là chính hãng mua theo diện miễn thuế nhưng trên thị trường có không ít hàng lậu, hàng nhái cũng núp bóng để tiêu thụ. Vì vậy người tiêu dùng khi mua “hàng xách tay” đều đặt niềm tin vào người bán chứ rất khó để xác định được đó là hàng thật, hàng giả, hàng lậu.

Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội, ngày 19/9 vừa qua Đội QLTT số 17 (Cục QLTT Hà Nội) qua kiểm tra cơ sở kinh doanh mỹ phẩm tại số 25, ngách 35/18 đường Ngô Thì Sỹ, quận Hà Đông, Hà Nội đã phát hiện 2.500 sản phẩm mỹ phẩm (tương đương 1,6 tấn), bao gồm dầu gội đầu, dầu xả do nước ngoài sản xuất nhập lậu vào Việt Nam. Chủ lô hàng thừa nhận số mỹ phẩm này do Trung Quốc sản xuất, nhập lậu vào Việt Nam tiêu thụ tại các shop, salon làm đẹp hoặc rao bán trên mạng xã hội dưới danh nghĩa “hàng xách tay”.

Trước đó ngày 26/8, Đội QLTT số 1 qua kiểm tra điểm tập kết hàng hóa của nhà xe Sao Việt (số 789 đường Giải Phóng) đã phát hiện 50 chiếc túi xách mang các nhãn hiệu như Gucci, Versace.... có đủ hộp, hóa đơn, mã code bên trong. Tuy nhiên, theo đánh giá của Đội trưởng đội QLTT số 1 Hoàng Đại Nghĩa, số túi xách này có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam. Nếu lực lượng chức năng không kịp thời phát hiện thì những chiếc túi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa này sẽ được bán dưới danh nghĩa “hàng xách tay”.

Để ngăn chặn hàng nhập lậu, trốn thuế, mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có văn bản chỉ đạo Bộ Tài chính, Công Thương, Y tế, NN&PTNT, Công an tăng cường quản lý đối với hàng hóa là hành lý, quà biếu, quà tặng từ nước ngoài vào Việt Nam. Thực hiện chỉ đạo này, Cục QLTT Hà Nội đã đẩy mạnh đấu tranh với các đối tượng buôn lậu có tổ chức quy mô lớn; Tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát các địa điểm bày bán “hàng hóa xách tay”, việc rao bán hàng hóa trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội...

Mặc dù lực lượng chức năng đã tích cực vào cuộc ngăn chặn hàng lậu núp bóng “hàng xách tay”, tuy nhiên, chính người tiêu dùng cũng phải nâng cao nhận thức để không tiếp tay cho hàng lậu, hàng giả nhãn mác.

Lê Nam

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/map-mo-chat-luong-hang-xach-tay-353512.html