Mạo hiểm với 'Bức tường Việt Nam': Ngược đường đến Sơn Đoòng (Kỳ 1)

Sơn Đoòng - một địa danh được cả thế giới biết đến bởi sự kỳ vĩ khiến ai trong đời cũng muốn đặt chân đến đây một lần để khám phá và chinh phục. Và khi đến Sơn Đoòng, để “xuyên thủng” hang động lớn nhất thế giới này phải vượt qua “Bức tường Việt Nam”. Đến nay, rất ít người vượt qua được “Bức tường Việt Nam”, PV Báo Lao Động may mắn là một trong những người trong số đó.

Đường đến Sơn Đoòng phải nỗ lực vượt qua những đoạn đường lởm chởm đầy đá tai mèo sắc nhọn. Ảnh: LÊ PHI LONG

Đường đến “thiên đường”

Để chuẩn bị cho chuyến đi, chúng tôi có mặt tại đại bản doanh của Cty TNHH Chua Me Đất (Oxalis) ở Phong Nha - Kẻ Bàng (H.Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) từ sáng sớm. Tại đây, các chuyên gia của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh hướng dẫn chi tiết về các biện pháp an toàn trong chuyến thám hiểm trong khi Oxalis đã chuẩn bị sẵn cho chúng tôi các trang phục và đồ dùng chuyên dụng; những vật dụng cần thiết của cá nhân và cho cả đoàn đi thì được các porter (nhân viên khuân vác) gùi đi theo đoàn.

Nhớ lại cách đây 8 năm, khi đoàn thám hiểm thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh tuyên bố phát hiện ra Sơn Đoòng, nhà thám hiểm Howard Limbert đã khuyến cáo mọi người không nên tự tổ chức đến đó thám hiểm vì rất nguy hiểm. Để đến được Sơn Đoòng, du khách phải trải qua những chặng đường mạo hiểm với độ khó cao; mỗi tour chỉ tối đa 10 khách và mức giá lên đến 3.000 USD; việc đặt chỗ cũng không hề đơn giản vì số lượng người đăng ký đi quá nhiều. Vì thế, nghĩ đến việc được đặt chân đến Sơn Đoòng đã khiến ai trong số chúng tôi cũng cảm thấy háo hức trong một tâm trạng khó tả.

Mất chừng 30 phút chuẩn bị, xe ôtô chở chúng tôi trực chỉ hướng đường 20 - Quyết Thắng, đến ngã tư Trạ Ang thì rẽ theo đường Hồ Chí Minh đến Km số 28 - đây chính là điểm khởi đầu của chuyến đi bộ xuyên rừng nguyên sinh Phong Nha - Kẻ Bàng để khám phá Sơn Đoòng từ cửa sau, nơi có “Bức tường Việt Nam” án ngữ. Cũng cần nói thêm, hang Sơn Đoòng nằm trong quần thể hang động Phong Nha - Kẻ Bàng. Hang là một phần của hệ thống ngầm nối với hơn 150 động khác ở Việt Nam tọa lạc gần biên giới với đất Lào.

Đi cùng với chúng tôi còn có Hồ Khanh - người đầu tiên phát hiện ra Sơn Đoòng vào năm 1991. Từ đó đến nay Hồ Khanh và Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh đã có mối quan hệ phối hợp thân thiết để bảo tồn và phát huy giá trị thiên nhiên vô giá. Việc tìm ra hang Sơn Đoòng được ví như việc tìm thấy đỉnh núi Everest dưới lòng đất đã gây chấn động thế giới. Khoang hang lớn nhất tại Sơn Đoòng dài hơn 6km, cao 150m và rộng 200m. Ban đầu, đoàn thám hiểm Hoàng gia Anh đã dành vinh dự cho Hồ Khanh khi lấy tên anh đặt tên cho hang này.

Lộ trình “ngược”

Hang Sơn Đoòng được thông hai đầu, nếu khám phá Sơn Đoòng từ cửa trước thì phía cửa sau được án ngữ bởi một vách nhũ đá khổng lồ cao khoảng 85m nhô ra ở độ sâu hơn 6km dưới lòng hang. Bức tường này được đặt tên là “Bức tường Việt Nam” (Great Wall of Viet Nam), nằm sâu bên trong hang - tên được Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh đặt và được ví như là Vạn lý trường thành của Việt Nam. Vượt qua “Bức tường Việt Nam” cũng chính là lối thứ hai để vào Sơn Đoòng.

Từ khi phát hiện ra Sơn Đoòng, đến nay, hang Sơn Đoòng đã được khai thác du lịch gần 3 năm và lộ trình đến Sơn Đoòng hiện đang được triển khai là 5 ngày 4 đêm, khi đi sâu vào hang Sơn Đoòng đến “Bức tường Việt Nam” thì du khách quay trở lại và trở về bằng đường cũ. Sau khi tham khảo ý kiến của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh, vào tháng 6.2016 Oxalis đã kiến nghị đến VQG Phong Nha - Kẻ Bàng và UBND tỉnh Quảng Bình cho thử nghiệm lộ trình mới đi xuyên hang Sơn Đoòng bằng cách vượt “Bức tường Việt Nam” và trở về bằng cổng phía trước với thời gian rút ngắn còn 4 ngày 3 đêm. Để hiểu rõ hơn, chúng tôi đã đến Sơn Đoòng bằng đường ngược lại, tức là vượt qua “Bức tường Việt Nam” để vào sâu trong Sơn Đoòng mà mọi người nói vui là lộ trình “ngược”.

Từ Km28 đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, chúng tôi theo một con đường mòn rất nhỏ chỉ vừa chừng hơn 2 bàn chân người đi để tiến sâu vào rừng rậm nguyên sinh. Đi cùng đoàn ngoài hơn 15 porter có nhiệm vụ gùi các thiết bị và các nhu yếu phẩm cần thiết còn có đại diện lực lượng kiểm lâm và chuyên gia hang động người Anh John Palmer. Ông Nguyễn Châu Á - GĐ Oxalis - cho biết, bình thường trong một chuyến thám hiểm Sơn Đoòng có 10 du khách nhưng số lượng người đi theo đoàn gấp 3 lần số khách; gồm 25 porter, 1 đại diện lực lượng kiểm lâm, 1 đại diện VQG Phong Nha - Kẻ Bàng đi theo để giám sát và các chuyên gia hang động, cứu hộ người Anh để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho du khách.

Khoảng 100m đầu tiên, chúng tôi phải vượt qua những cung đường rậm rạp những lùm cây, chỉ chậm chừng vài chục bước chân là không thấy bóng dáng người đi trước. Thi thoảng, bắt gặp những cây cổ thủ và cây nhỏ đổ gãy chắn ngang đường. Đại diện lực lượng kiểm lâm cho biết, những cây trên đổ gãy là do mưa bão và đây là khu vực rừng lõi nguyên sinh trong Vườn Quốc gia cấm xâm hại bằng mọi hình thức. Cứ vậy chúng tôi nối chân nhau theo con đường nhỏ để tiến tới Sơn Đoòng. Dọc đường đi, các porter luôn dặn chúng tôi phải luôn cẩn thận chú ý quan sát trên người kẻo bị vắt cắn.

Vượt qua những con dốc rậm rạp những lùm cây, chúng tôi lại đối mặt với những dốc đá lởm chởm đá tai mèo sắc nhọn. Có những con dốc cao gần thẳng đứng, bên dưới là vực sâu khiến ai cũng thót tim khi cố gắng vượt qua. Vì là khu rừng nguyên sinh ẩm ướt nên vừa đi qua những đoạn đường trơn trượt do bùn lầy, giờ lại đi chênh vênh trên lởm chởm những tảng đá vôi sắc nhọn nên ai ai cũng phải nhẹ nhàng nhích từng bước chân bởi nếu không cẩn thận thì sẽ bị rơi xuống vực sâu hoặc bị đá cắt vào chân. Để thuận lợi cho việc vượt các tảng đá sắc nhọn đi lên cao, các porter và chuyên gia hang động đã nối các đoạn dây thừng tại một số vị trí dốc cao thẳng đứng để mọi người có điểm bám, đu lên rồi đạp chân lên những mảnh đá tai mèo sắc nhọn để tiến lên phía trên cao.

Ai cũng bất ngờ khi thấy hình ảnh một cô gái cứ thoăn thoắt đi trên các mỏm đá như những chú sơn dương, vừa đi vừa trò chuyện hướng dẫn, đó là Anetta - cô gái 27 tuổi người dân tộc Ê Đê, đến từ Đắk Lắk. Anetta là nữ hướng dẫn viên chuyên nghiệp duy nhất của loại hình du lịch mạo hiểm khám phá Sơn Đoòng. Trước là sinh viên Đại học Ngoại ngữ Huế, sự đam mê khám phá thiên nhiên đã đưa Anetta đến với Sơn Đoòng và cô đã gắn bó với nơi đây được gần 3 năm.

Cũng giống như Anetta, gần 100 porter tại đây để được làm việc phải trải qua các lớp huấn luyện, đào tạo bài bản từ những chuyên gia thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh và Trung tâm đào tạo Vertical Academy để nắm bắt các kỹ thuật an toàn và đảm bảo tốt cho du khách trong quá trình đi tour. Để chính thức dẫn khách vào Sơn Đoòng, tất cả phải được ông Howard Limbert - trưởng nhóm chuyên gia - xác nhận đạt các tiêu chuẩn bắt buộc.

Mất chừng 1 tiếng rưỡi, đang lúi húi đu bám trên sợi dây thừng để bươn lên phía trước, từ xa xa tôi đã nghe vọng lên tiếng người hò reo vui mừng “Sơn Đoòng, Sơn Đoòng đây rồi”. Trước mắt tôi là hình ảnh một cửa hang hùng vĩ - đây chính là “cửa sau” của hang Sơn Đoòng. Ngỡ là mơ, nhưng lại là thật. Thấy tôi tâm tư, nữ hướng dẫn viên Anetta cười nói “để đến được hang Sơn Đoòng, đây là đoạn đường ngắn nhất. Nhưng điều quan trọng nhất đang chờ đợi ở phía trước chính là phải vượt qua được Bức tường Việt Nam. Nếu vượt qua, anh sẽ là một trong số ít những người vượt qua thử thách tính đến thời điểm này”.

Kỳ 2: Có mạo hiểm với “chinh phục thử nghiệm”?

LÊ PHI LONG

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/phong-su/mao-hiem-voi-buc-tuong-viet-nam-nguoc-duong-den-son-doong-ky-1-669837.bld