Mạo danh người khác là vi phạm pháp luật

Việc mạo danh, giả danh cá nhân, tổ chức để lừa đảo hoặc thực hiện các giao dịch dân sự, hành chính là hành vi bị pháp luật ngăn cấm và chế tài. Tuy nhiên, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác của nạn nhân, một số người đã dùng mọi thủ đoạn để đạt được mục đích và dạng tội phạm này đang có xu hướng gia tăng khi tận dụng sự tiến bộ, phát triển của công nghệ để thực hiện hành vi lừa đảo.

Nạn nhân trong một vụ lừa đảo qua mạng xã hội trình báo với Công an tỉnh. Ảnh minh họa: Trần Danh

Nạn nhân trong một vụ lừa đảo qua mạng xã hội trình báo với Công an tỉnh. Ảnh minh họa: Trần Danh

Luật sư Nguyễn Đức, Hội Luật gia tỉnh cho biết, hành vi mạo danh, mượn danh của người khác sẽ bị chế tài bởi Bộ luật Hình sự năm 2015 và các quy định xử phạt vi phạm hành chính nếu ảnh hưởng tới tài sản, nhân thân của người khác, trật tự xã hội...

* Không thể xem là chuyện nhỏ

Thấy người cháu họ tên T.T.B. chưa đủ tuổi làm công nhân nên chị T.T.H. (ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho chị B. mượn giấy tờ mang tên mình để làm hồ sơ xin việc làm. Sau đó, chị B. lấy giấy tờ mang tên chị H. làm giấy chứng minh nhân dân và kết hôn với ông T.H.K. (TP.Biên Hòa). Khi chị B., ông K. làm thủ tục ly hôn, chị H. mới tá hỏa khi biết mình “bỗng dưng” là vợ của ông K.

Theo luật sư Nguyễn Đức, khi phát hiện bị chị B. mạo danh để đi đăng ký kết hôn với ông K., chị H. đương nhiên có quyền khởi kiện chị B. về việc dùng giấy tờ mang tên người khác để kết hôn và thực hiện nhiều giao dịch dân sự khác (như: làm hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân, chuyển nhượng đất đai...) trái pháp luật. Đồng thời, chị H. có quyền yêu cầu tòa án hủy giấy đăng ký kết hôn và các giao dịch mà chị B. thực hiện với tên của mình. Để làm những việc trên, chị H. cũng phải tốn nhiều thời gian, công sức.

Vì muốn thuận tiện cho mình trong việc bán khu đất khi vợ vắng nhà, ông V.V.P. (H.Tân Phú) nhờ một người khác đóng vai vợ mình để đi công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng bị công chứng viên phát hiện và từ chối giao dịch này.

Nghị định 82/2020/NĐ-CP ngày 15-7-2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, HTX quy định, phạt từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi giả mạo chữ ký của người thực hiện chứng thực; cho người khác sử dụng giấy tờ của mình để làm thủ tục đăng ký kết hôn hoặc sử dụng giấy tờ của người khác để làm thủ tục đăng ký kết hôn; phạt từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi giả mạo, thuê hoặc nhờ người khác giả mạo người yêu cầu công chứng; giả mạo, thuê hoặc nhờ người khác giả mạo người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng, giao dịch để công chứng hợp đồng, giao dịch; giả mạo chữ ký của người yêu cầu công chứng…

“Chiếu theo quy định hiện hành thì các hành vi vi phạm nói trên không thể xem là chuyện nhỏ, bình thường. Cá nhân nào vi phạm sẽ bị chế tài bằng biện pháp hành chính như: cảnh cáo, phạt tiền; các giao dịch vi phạm bị hủy, thu hồi, vô hiệu” - luật sư Nguyễn Đức phân tích.

* Mạo danh để lừa đảo

Ngoài ra, hành vi mạo danh người khác, dùng thủ đoạn gian dối để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Dự án Khu dân cư tại P.Tam Phước (TP.Biên Hòa) dù không được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chỉ là bãi đất trống thuộc sở hữu của người khác nhưng Nguyễn Đình Chính (32 tuổi, Giám đốc Công ty Bất động sản Rồng Đất, có trụ sở tại xã Bình Minh, H.Trảng Bom) vẫn tổ chức triển khai rao bán cho trên 40 khách hàng để chiếm đoạt số tiền trên 16 tỷ đồng. Chính đã bị cơ quan Công an tỉnh tạm giữ, khởi tố điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo đơn tố giác của khách hàng.

Luật sư Nguyễn Đức cho hay, theo Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015, hành vi phạm tội của Chính có khung hình phạt tù từ 12-20 năm hoặc chung thân. Đây là hình phạt khá nghiêm khắc đối với người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền trên 500 triệu đồng.

Theo Chỉ thị 21/2020/CT-TTg ngày 25-5-2020 của Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thời gian qua xuất hiện các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như: tài chính, ngân hàng, bất động sản, dự án đầu tư, môi giới việc làm, đưa người đi lao động, học tập tại nước ngoài, kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử..., đặc biệt là lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi như: giả danh cơ quan thực thi pháp luật, cán bộ cơ quan nhà nước, quen biết qua mạng xã hội, lợi dụng quan hệ tình cảm để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Quá trình hoạt động, các đối tượng lừa đảo thường xuyên thay đổi thông tin cá nhân, số điện thoại, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội, sử dụng tài khoản ảo, thay đổi địa bàn hoạt động, cư trú nhằm đối phó với công tác phòng ngừa, xử lý của cơ quan chức năng.

“Hành vi lừa đảo của các đối tượng xấu không chỉ ảnh hưởng tới đời sống, kinh tế của các nạn nhân mà còn tác động xấu, gây bất ổn cho công tác quản lý nhà nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh, trật tự xã hội. Người dân nên đề cao cảnh giác không cho ai mượn giấy tờ cá nhân hoặc tiết lộ thông tin cá nhân, số tài khoản cho người lạ. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần quyết liệt đấu tranh để bài trừ loại tội phạm này theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để tội phạm mạo danh người khác lừa đảo chiếm đoạt tài sản không còn đất sống và người dân không còn bị “sập bẫy” của các đối tượng này” - luật sư Nguyễn Đức nhấn mạnh.

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202011/mao-danh-nguoi-khac-la-vi-pham-phap-luat-3032600/