Mảnh xương gà nằm trong phế quản suốt 2 năm

Sáng 31/12, các bác sĩ Bệnh viện (BV) Tai mũi họng TP Hồ Chí Minh cảnh báo trường hợp hy hữu: nữ bệnh nhân 62 tuổi có một mảnh xương gà nằm trong phế quản suốt 2 năm.

Cách đây hơn 2 năm, trong một lần ăn cháo gà, bà N.T.T. ho sặc và cố gắng khạc ra nhưng sau đó thấy cổ họng đã êm nên quên bẵng luôn. Sau đó bà bắt đầu ho kéo dài. Bệnh nhân đã đi khám ở nhiều nơi, được chẩn đoán với nhiều kết quả khác nhau như: viêm phổi, hen suyễn, trào ngược dạ dày thực quản… và được cho thuốc điều trị thậm chí kết hợp phương pháp Đông, Tây Y nhưng bệnh ho không dứt.

Sau khi được lấy dị vật xương gà thành công, bà T. đã hết sạch triệu chứng ho dai dẳng

Sau khi được lấy dị vật xương gà thành công, bà T. đã hết sạch triệu chứng ho dai dẳng

Tới khi bệnh ho như bà nói là “ho tưởng chết đến nơi” thì bà tìm tới BV Tai mũi họng Thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây, sau khi xác định thời gian của dị vật nằm trong đường thở của bệnh nhân là hơn 2 năm, để đảm bảo ca bệnh phải được chữa trị, y bác sĩ BV tai mũi họng đã phải ra y lệnh: “Bà phải vào mổ ngay lập tức. Nghiêm cấm không được trốn viện”.

Ngay sau đó, bệnh nhân được hội chẩn gây mê gắp dị vật là mảnh xương, kích thước khoảng 1,5cm ở phế quản góc trái. Sau khi lấy dị vật, sức khỏe bệnh nhân ổn định, đồng thời cũng không có biến chứng nặng về phổi, không có tình trạng tắc nghẽn phế quản, đường thở thông.

BS Nguyễn Thị Thanh Thúy, Trưởng Khoa Nhi BV Tai mũi họng TP Hồ Chí Minh cho biết khi dị vật bị bỏ quên, bệnh nhân rất ít có triệu chứng khó thở. Tuy nhiên khi để lâu, dị vật thường gây phản ứng ho kéo dài, viêm phổi tái đi tái lại, viêm nhiễm, thậm chí áp xe phổi. Bệnh có thể chẩn đoán lầm với nhiều bệnh cảnh khác, do BS thường không lưu ý khai thác bệnh sử của bệnh nhân, thấy bệnh nhân ho kéo dài thì chẩn đoán viêm phổi, giãn phế quản, hen suyễn hoặc thậm chí lao phổi.

Dị vật là mảnh xương gà nằm trong phế quản bệnh nhân suốt 2 năm đã được lấy ra thành công

Cũng theo BS Thúy, trong các trường hợp mắc dị vật, bệnh nhân có thể được chụp X-quang. Tuy nhiên có những dị vật ít cản quang hoặc quá nhỏ, bệnh nhân cần được nội soi hoặc chụp CT-Scan để phát hiện. Các bệnh nhân bị rối loạn phản xạ ho nuốt, uống thuốc an thần, do uống rượu bia hoặc mất răng (đeo hàm răng giả) thường phản xạ ăn uống kém đi cũng dễ sặc và mắc dị vật hơn.

Đây cũng là một trong 22 trường hợp hóc dị vật bị “bỏ quên” trong đường thở hoặc đường tiêu hóa nhập viện Tai mũi họng TP Hồ Chí Minh được xử trí thành công. Tuy nhiên đây là trường hợp dị vật bị bỏ quên lâu nhất mà BV tiếp nhận.

Bà T cho biết, cách đây 2 năm, khi đang ăn cháo gà thì bị ho sặc, bà hốt hoảng khạc ra và cảm nhận mảnh xương đã qua đường thở. Bà T. kể: “Tôi đã tích cực khạc cả tiếng đồng hồ nhưng không ra được gì cả. Sau đó, cảm thấy êm nên không để ý nữa, nhưng khoảng 3 tháng sau thì tôi bắt đầu ho. Qua trường hợp của tôi xin gửi tới bà con là cần phải đi chúng chuyên khoa. Trường hợp của tôi may mắn là được BS lấy mảnh xương ra thành công nếu để lâu nữa bít tắc đường thở bất ngờ sẽ gây nguy tính mạng”.

Huyền Nga

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/y-te/di-sai-chuyen-khoa-khien-manh-xuong-ga-nam-trong-phe-quan-suot-2-nam-625849/