Mảnh vỡ tên lửa Trung Quốc sắp đâm vào Mặt Trăng

Các nhà thiên văn học đã xác định được nguồn gốc vật thể dự kiến đâm vào Mặt Trăng trong tháng 3.

Nhà thiên văn học Bill Gray, đến từ dự án Project Pluto vừa đính chính thông tin về vật thể sắp đâm vào Mặt Trăng. Theo chuyên gia này, vật dự kiến đâm vào Mặt Trăng vào ngày 4/3 là mảnh vỡ của Trường Chinh 3C, tên lửa cũ của Trung Quốc.

Trước đó, Gray đã đưa ra loạt bằng chứng chứng minh vật thể là mảnh vỡ đến từ tên lửa của SpaceX. Ông cho rằng đây là tầng đẩy của tên lửa Falcon 9 mang theo Đài quan sát khí hậu không gian (DSCOVR) do SpaceX phóng vào vũ trụ cách đây 7 năm.

Falcon 9 phải chạm đến cao độ tối đa để đưa DSCOVR vào quỹ đạo chuyển tiếp. Trùng hợp là mảnh rác vũ trụ đâm vào Mặt Trăng được phát hiện chỉ sau 2 ngày tên lửa SpaceX hoàn thành sứ mệnh vận chuyển đài quan sát khí hậu của NOAA. Những đặc điểm và chi tiết cụ thể khác càng khiến Gray và nhóm nghiên cứu khẳng định quan điểm của mình.

 Vệ tinh DSCOVR được tên lửa Falcon 9 phóng lên vào ngày 11/2/2015 từ Trạm không quân Mũi Canaveral, bang Florida. Ảnh: SpaceX.

Vệ tinh DSCOVR được tên lửa Falcon 9 phóng lên vào ngày 11/2/2015 từ Trạm không quân Mũi Canaveral, bang Florida. Ảnh: SpaceX.

Tuy nhiên, nhà thiên văn học cũng thừa nhận vật thể rất khó quan sát. “Tôi có nhiều bằng chứng gián tiếp để chứng minh luận điểm của mình. Tuy nhiên, không có chứng cứ nào trong số đó mang tính quyết định”, Gray chia sẻ trong bài viết mới nhất của mình, theo Ars Technica.

Sau dự đoán quỹ đạo sẽ giao cắt với Mặt Trăng vào ngày 4/3, mảnh tên lửa nhận được rất nhiều sự quan tâm đến từ dư luận.

Nhưng sau khi kiểm tra hành trình của vật thể, đồng thời nhận được tin mới từ NASA, Gray lại cho rằng đây là mảnh vỡ còn sót lại của tên lửa Trường Chinh 3C đưa tàu vũ trụ Hằng Nga 5-T1 lên Mặt Trăng. Tên lửa có nhiệm vụ đưa con tàu vòng quanh Mặt Trăng sau đó quay về Trái Đất để thử nghiệm công nghệ mang mẫu vật từ Mặt Trăng về hành tinh mẹ.

Theo The Verge, Gray nhận ra nhầm lẫn của mình khi nhận được email từ Phòng Thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (Jet Propulsion Laboratory) của NASA, chuyên giám sát các chương trình không gian.

Có hệ thống theo dõi riêng biệt, Phòng Thí nghiệm khẳng định việc Falcon 9 đâm vào Mặt Trăng chỉ sau 2 ngày đưa DSCOVR vào quỹ đạo là sai sự thật. Dựa vào sứ mệnh không gian của SpaceX, Falcon 9 đang trôi nổi tại một nơi khác trên vũ trụ sau khi lướt qua bề mặt Mặt Trăng.

Ngay sau đó, Bill Gray tiếp tục tìm kiếm những vật thể không gian khác phù hợp với những dữ kiện đã có. Theo đó, tên lửa Trường Chinh đưa tàu Hằng Nga 5 rời Trái Đất vào tháng 10/2014 là kết quả khả thi nhất dựa vào bản dựng lại quỹ đạo bay của ông.

“Tôi nghĩ giờ đây chúng ta đã có bằng chứng chắc chắn cho chuyện này. Quỹ đạo va chạm với Mặt Trăng của tên lửa trùng khớp với thời điểm nó được phóng vào không gian”, nhà thiên văn học khẳng định.

Bill Gray đã theo dõi mảnh vỡ từ tháng 3/2015, và cho biết nó được phát hiện lần đầu bằng Catalina Sky Survey. Đây là một dự án dùng một loạt kính viễn vọng để “săn” các tiểu hành tinh có thể đâm vào Trái Đất, có trụ sở nằm trên Núi Lemmon ở Tucson, Arizona.

Trường Chinh 3C được phóng vào vũ trụ năm 2010. Hiện mảnh vỡ của tên lửa được cho là sắp "đâm sầm" vào Mặt Trăng vào tháng 3. Ảnh: Getty Images.

Khi phát hiện mảnh vỡ, các nhà thiên văn học nhận ra nó không quay quanh Mặt Trời như những hành tinh thông thường mà quay quanh Trái Đất. Điều này cho thấy vật thể do con người tạo ra và hoàn toàn có thể là vệ tinh được phóng vào vũ trụ.

Ngoài ra, Bill Gray cho rằng khi phóng tên lửa lên vũ trụ, các tổ chức nên báo cáo vị trí cuối cùng của vật thể để dễ dàng giám sát và nhận diện những mảnh vỡ còn sót sau sứ mệnh không gian.

Cũng theo nhà thiên văn học, Trung Quốc thường ít tiết lộ về loạt tên lửa của họ. “Việc theo dõi các vật thể vũ trụ sẽ trơn tru hơn khi có quy định pháp lý buộc các hãng khai thác không gian phải báo cáo về hành trình của họ”.

Trường Chinh 3C là một tên lửa đẩy quỹ đạo 3 tầng với 2 tầng tách của Trung Quốc được phóng tại Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương ở tỉnh Tứ Xuyên. Là một phiên bản thuộc dòng tên lửa Trường Chinh, tên lửa này được sử dụng để bổ sung phần dung lượng phụ tải chênh lệch giữa Trường Chinh 3A và 3B.

Thúy Liên

Theo The Verge

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/manh-vo-ten-lua-trung-quoc-sap-dam-vao-mat-trang-post1296155.html