Mạnh Trường chia sẻ áp lực khi bị 'soi' diễn xuất trong 'Tình yêu và tham vọng'

Đã quá quen với khán giả qua những vai diễn chính diện, sự 'lột xác' của Mạnh Trường trong 'Tình yêu và tham vọng' khiến khán giả 'ngã ngửa' vì bất ngờ. Vai diễn này đã giúp anh xóa tan định kiến 'diễn xuất một màu'.

Cái khó là vừa ác vừa khiến người ta thương

Vai diễn Kiều Phong trong “Tình yêu và tham vọng” được xem là cú “lột xác” hoàn toàn của Mạnh Trường. Cảm xúc của anh khi nhận vai diễn này như thế nào?

Khi đọc kịch bản "Tình yêu và tham vọng", tôi rất khoái vai diễn Kiều Phong. Tôi xem trải nghiệm lần này là một thử thách cần chinh phục. Tôi hình dung nhân vật Phong với từng ánh mắt, cử chỉ hay biểu cảm sao cho lúc nào cũng toát lên được "chất" của một Giám đốc tham vọng, thủ đoạn. Đặc biệt, diễn bằng ánh mắt là diễn xuất quan trọng nhất của vai phản diện nên tôi luôn phải tập trung cao độ, bỏ lại tất cả những câu chuyện bên lề.

Vai giám đốc Kiều Phong đầy mưu mô, nham hiểm của Mạnh Trường trong "Tình yêu và tham vọng".

Vai giám đốc Kiều Phong đầy mưu mô, nham hiểm của Mạnh Trường trong "Tình yêu và tham vọng".

Việc Mạnh Trường đóng vai phản diện khiến rất nhiều người tò mò, thích thú, nhưng cũng vì thế sẽ “soi” diễn xuất của anh hơn. Anh có thấy áp lực về điều này?

Sáu năm kể từ vai Khánh vừa ác vừa bệnh hoạn trong phim “Người đứng trong gió” đến phim “Tình yêu và tham vọng” tôi mới vào vai phản diện. Còn lại, phần lớn tôi chỉ vào vai soái ca, điềm đạm, chỉnh chu. Nhiều người nói với tôi rằng không ngờ Mạnh Trường vào vai phản diện ngọt đến vậy. Tuy nhiên, cũng nhiều người không ủng hộ mà muốn tôi giữ hình ảnh soái ca trên màn ảnh. Thật ra, sự thay đổi này cũng là mong muốn của tôi, để khám phá năng lực diễn xuất của mình đến đâu. Cá nhân tôi cũng thấy nhàm chán với chính mình vì những vai diễn hiền lành. Nếu cứ ăn mãi một món, người ta sẽ thấy chán. Với sự thay đổi lần này, tôi luôn lắng nghe và chọn lọc những ý kiến của khán giả để ngày càng hoàn thiện về diễn xuất.

Điều gì khiến Mạnh Trường ấn tượng nhất ở nhân vật Phong?

Phong tuy là nhân vật phản diện nhưng không một màu, xuyên suốt từ đầu đến cuối phim mà có chiều sâu, có những góc lẩn khuất, đáng thương sau con người đó. Ví dụ khi tiếp xúc với Linh, anh ta vẫn ân cần, hay hình ảnh Phong khóc trước mộ vợ.

Tôi nghĩ mình đã thành công ở những tập đầu trong việc xây dựng hình ảnh nhân vật Phong. Anh ta vẫn nhận được sự cảm thông, thậm chí khán giả còn muốn Linh đến với Phong dù cũng dự đoán được nhân vật này lắm mưu mô, toan tính, căm thù. Tuy nhiên, những tính cách phản diện của Phong sẽ bộc lộ rất rõ trong những tập về sau này.

Có những người, chỉ nhìn mặt thôi cũng ra chất “phản diện”. Còn những người phải chuyển màu diễn từ chính diện sang phản diện như Mạnh Trường có phần mạo hiểm hơn. Trường xử lí vấn đề đó như thế nào?

Ngoại hình của tôi vẫn bị coi là không phù hợp với vai phản diện. Hơn nữa, những vai chính diện lâu nay lại chiếm được cảm tình của khán giả. Vì thế, tôi gặp khó khăn. Tuy nhiên, tôi nghĩ, nếu tôi làm tốt thì sẽ tạo hiệu ứng ngược rất tốt, làm thay đổi suy nghĩ vốn đóng đinh bao lâu nay: Mạnh Trường sẽ chỉ đóng được chính diện. Tất nhiên, những kinh nghiệm từ phim “Người đứng trong gió” cũng giúp tôi một số kinh nghiệm, tuy rằng hai màu phản diện trong hai phim là khác nhau.

Trong “Tình yêu và tham vọng”, trường đoạn tâm lí nào làm khó Mạnh Trường nhất?

Tôi tâm đắc nhất phân đoạn Phong đưa Linh ra mộ vợ và khóc. Nó có diễn biến tâm lí, cảm xúc khác nhau, khá phức tạp, có thành thật nhưng vẫn khiến khán giả nghi hoặc, bên cạnh sự đau xót có cả thù hận. Khi diễn, tôi cũng khá ưng ý, đạo diễn và khán giả cũng thích. Thậm chí một khán giả còn bình luận rằng: “Sau này, nếu Phong có phản diện đến mức nào, tôi cũng cố nhớ về cảnh này để cảm thông cho anh ta”. Thật ra, ác hẳn thì dễ diễn hơn, còn vừa ác nhưng vẫn để người ta thương thì khó hơn nhiều.

Mạnh Trường vốn quen thuộc với khán giả qua những vai diễn "soái ca", chỉnh chu.

Không chỉ ở “Tình yêu và tham vọng” mà trong nhiều phim khác, cũng hay thấy Mạnh Trường… khóc. Hình như các đạo diễn rất thích khai thác anh trong những cảnh khóc?

Những nhân vật tôi đóng đều có chiều sâu và nội tâm, vì thế, không thể thiếu khai thác những cảnh tâm lí, cảm xúc sâu. Những trường đoạn khóc đúng là một trong những thế mạnh của tôi nên hay được các đạo diễn khai thác nhiều. Thậm chí, trong một số phân cảnh, dù tình huống chưa đạt đến mức đó, nhưng tôi và đạo diễn bàn bạc để đẩy cảm xúc tới hơn, sâu hơn. Thực tế, những cảnh đó, đều nhận được sự cảm thông, thương mến từ khán giả.

Hỏi thật, đàn ông diễn cảnh khóc có khó không?

Đối với người diễn viên, diễn cười hay khóc không phải khó. Điều khó là chọn điểm rơi cảm xúc, thả nước mắt. Vì thế, phải nghiên cứu kịch bản kĩ lưỡng, hiểu rõ nhân vật để không làm lố. Đôi khi khóc không phải rơi nước mắt là xong, mà khóc trong tâm trạng nào, có phân đoạn phải phối hợp với máy quay, chỉ đúng lời thoại đó, khi máy quay bắt chặt vào đôi mắt thì diễn viên mới được khóc. Đó là những phân đoạn rất khó. Nếu khóc suốt từ đầu đến cuối thì đơn giản hơn, nhưng như cảnh Phong đưa Linh ra mộ vợ, sau lời kể về vợ, anh ta còn ánh lên nụ cười hạnh phúc rồi mới rơi nước mắt. Tiếng khóc đó không chỉ lấy tình thương từ nhân vật Linh mà có cả sự thù hận trong đó, để khi khán giả xem sẽ phải hình dung, hoài nghi liệu Phong có thật lòng với Linh không.

Đoàn làm phim “Tình yêu và tham vọng” quy tụ dàn diễn viên hai miền Nam Bắc, Mạnh Trường có thể chia sẻ một chút về những kỉ niệm và ấn tượng về các đồng nghiệp trong quá trình làm phim?

Trong số hai diễn viên từ miền Nam, những cảnh quay với diễn viên Nhan Phúc Vinh vai Minh với tôi không nhiều, phần lớn tôi phối hợp với Diễm My vai Linh. Ấn tượng của tôi là cả hai diễn viên này đều rất chuyên nghiệp, nghiêm túc trong suốt quá trình làm việc. Ngoài thuộc thoại, Diễm My còn chăm chỉ tự tập trước mỗi ngày quay, ra hiện trường bạn ấy rất tập trung, vì thế, chúng tôi phối hợp nhanh và hiệu quả.

Không cố gồng để trở thành người chồng chuẩn mực

Mạnh Trường từng chia sẻ việc bà xã rất hay xem phim và góp ý về diễn xuất của mình. Với vai Kiều Phong lạnh lùng, thủ đoạn trong “Tình yêu và tham vọng”, phản ứng của vợ anh thế nào?

Vợ tôi là khán giả khó tính nhất của tôi. Có những vai tôi nhận những lời khen thì cô ấy vẫn tìm thấy lỗi để góp ý. Với Kiều Phong, vợ tôi nói: “Em bất ngờ vì anh vào vai phản diện ngọt đến vậy”. Cô ấy còn trêu tôi, chưa từng thấy đôi mắt gian xảo, độc ác như vậy ở nhà, hay do con người anh có phần nào xấu thế?” Bé Chíp, con gái lớn cũng thể hiện sự ngạc nhiên về vai diễn mới của bố. Mỗi lần cùng cả nhà xem phim, Chíp đều quay sang trách móc: "Ôi, sao bố ác thế, sao mặt bố kinh thế"... Những lúc đó tôi chỉ biết cười trừ còn bà xã thì phải giải thích với con rằng đó chỉ là nhân vật trong phim.

Phân cảnh "hơi nóng" của nhân vật Kiều Phong và gái làng chơi trong "Tình yêu và tham vọng".

Vợ là khán giả thường xuyên, vậy đã bao giờ Mạnh Trường bị bà xã giận dỗi vì đóng cảnh nhạy cảm? Đặc biệt, khi mới đây, trong “Tình yêu và tham vọng”, anh còn có một phân cảnh nóng với gái làng chơi?

Tôi đi làm phim hơn 10 năm rồi, chỉ duy nhất một lần cô ấy ghen là phim đầu tay của tôi. Đến bây giờ cô ấy không ghen nữa, đặc thù công việc diễn viên là có những cảnh thân mật, và cô ấy hiểu đó là công việc. Khi có kịch bản mới, cô ấy cũng đọc và tìm hiểu cùng chồng. Vì thế, tôi thoải mái làm nghề mà không sợ bị vợ hiểu lầm.

Cảnh nóng mới đây cũng bình thường. Vì lúc đó diễn biến tâm lý của Phong nham hiểm nên nó thành cảnh được chú ý thôi, còn nói về góc độ cảnh nóng hở hang hay táo bạo thì chưa đến mức nóng lắm. Lúc xem xong cô ấy bảo “ghê gớm đấy”. Ghê gớm vì cách diễn và nhân vật Phong lúc đó chứ không phải ghê gớm vì dám đóng cảnh nóng.

Gia đình nhỏ hạnh phúc của diễn viên Mạnh Trường.

Hẳn ngoài đời, Mạnh Trường phải là một người chồng chuẩn mực thì mới có được sự tin tưởng, ủng hộ như thế?

Tôi không cố gồng để trở thành một người chồng chuẩn mực nhưng tôi luôn sống trách nhiệm với gia đình. Tất cả mọi thứ trong cuộc sống hiện tại của tôi vẫn cứ tiếp diễn như cách đây 10 năm. Tôi vẫn yêu thương nâng niu bà xã của mình như ngày đầu mới yêu. Tôi cũng luôn nói với bà xã rằng ai cũng có điểm tốt, điểm xấu. Yêu nhau tức là chấp nhận, yêu cả những tính xấu của nhau, miễn sao phải dung hòa được với nhau. Được cái vợ chồng tôi rất gần gũi, dễ chia sẻ và hiểu nhau.

Cảm ơn những chia sẻ của Mạnh Trường!

Nhã Khanh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/manh-truong-chia-se-ap-luc-khi-bi-soi-dien-xuat-trong-tinh-yeu-va-tham-vong-1667830.tpo