Mành tre Đa Quang lên ngôi

Mỗi năm làng nghề này có thể làm ra trên 1 triệu m2 mành các loại, doanh thu ước đạt 50 tỷ đồng, thu nhập của người làm nghề từ 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng, tùy theo khả năng.

 Công đoạn chẻ nan làm mành.

Công đoạn chẻ nan làm mành.

Thôn Đa Quang, xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên có nghề truyền thống làm mành tre từ hàng trăm năm nay. Trải qua nhiều biến động thăng trầm của nền kinh tế đất nước, địa phương này vẫn duy trì được nghề làm mành ngày càng phát triển.

Theo thống kê của UBND xã Dị Chế: Toàn thôn Đa Quang có 718 lao động (chiếm 51,4% tổng số lao động trong thôn) tham gia sản xuất mành tre theo hướng thủ công truyền thống. Sản phẩm chủ yếu cung ứng cho người tiêu dùng ở TT - Huế, Đà Nẵng, Đồng Nai, Khánh Hòa, Bình Dương, Bến Tre, thành phố Hồ Chí Minh, Tây Nguyên...

Giá trị sử dụng chính của mành tre Đa Quang là, dùng treo dưới hiên nhà, tiền sảnh, cửa các hàng quán ăn uống, để che nắng, ngăn mưa hắt và chắn bụi.

Ông An Văn Quỳnh (thôn Đa Quang) cho biết: Ưu điểm nổi bật của nghề làm mành tre là, kỹ thuật sản xuất đơn giản, chỉ cần nhìn thoáng qua là ai cũng có thể hành nghề được, việc làm tại nhà, không vất vả, không phải dãi nắng dầm mưa như nhiều ngành nghề khác. Mọi lứa tuổi đều có thể tham gia sản xuất, vốn đầu tư lại khá thấp, những hộ kinh tế khó khăn có thể mua nguyên liệu trả chậm từ thương lái để làm nghề.

Nét mới trong nghề làm mành tre ở Đa Quang hiện nay là: Đã tự phân công lao động theo hướng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra sự chuyên môn hóa trong từng khâu lao động, giúp gia tăng nhanh số lượng và chất lượng sản phẩm. Các loại mành làm ra cũng có nhiều cải tiến về kiểu dáng và kích thước, đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của đa số người tiêu dùng. Đáng chú ý, trong một vài năm lại đây, có một số hộ đã đưa dây chuyền điện máy vào làm mành, đạt thu nhập rất cao (hơn 10 triệu đồng/người/tháng).

Phơi mành khô kiệt trước khi xuất bán.

Thăm dò thực tế chúng tôi thấy, hiện nay người tiêu dùng đang có rất nhiều lựa chọn mành nhựa, mành vải dùng thay cho mành tre, nhưng mành tre vẫn là sản phẩm chiếm ưu thế trên thị trường, vì rẻ tiền, tiện dụng, thoáng mát, độ bền cao (4-5 năm mới hỏng), không thấm nước, ẩm mốc và bắt bụi như mành vải, không giòn ải nhanh gẫy như mành nhựa. Đặc biệt mành tre rất thân thiện môi trường, do phế thải nhanh hoàn thổ.

Ông An Thế Sơn (Trưởng thôn Đa Quang) cho rằng: Mành tre Đa Quang phải gọi là mành nứa mới đúng, bởi hầu hết nguyên liệu làm mành hiện nay là bằng nứa, chỉ có 2 ống nẹp trên và dưới mành là làm bằng trúc. Gọi là mành tre là cách gọi truyền thống.

Mành truyền thống toàn bộ làm bằng tre, do xưa kia đường xá khó khăn, phương tiện cơ giới ít, việc chuyển nứa từ rừng về xuôi rất vất vả, phải đóng thành bè mảng, thả trôi theo dòng chảy dưới sông, rồi lại phải qua nhiều trạm, chặng trung gian mới đến tay người làm nghề, nên tỷ lệ hao hụt lớn, giá thành sản phẩm cao, khó bán.

Mặt khác khi đó ở làng quê còn rất nhiều tre, hầu như nhà nào cũng có vài ba bụi to vật vã, chỉ khai thác tại chỗ cũng đủ nguyên liệu cho sản xuất kinh doanh. Từ vài chục năm nay tre đồng bằng bị cạn kiệt, đổi lại giao thông đi lại dễ dàng, có nhiều phương tiện vận tải cơ giới, nứa khai thác từ rừng chỉ ngày một ngày hai là đã về đến quê, đưa vào chế biến cây vẫn còn tươi xanh nguyên vẹn, rất tiện lợi cho dùng làm mành, hạ giá thành sản phẩm.

Dùng nứa làm mành còn có lợi thế nữa là, chẻ vót dễ dàng, hao hụt ít. Nếu làm mành bằng tre, chỉ những người khéo tay, chuyên nghiệp mới có thể pha cây chẻ nan không lẹm vát, hao hụt thấp. Ngược lại, những người mới vào nghề pha vót không khéo thường bị thất thoát nhiều, sản xuất không có lãi, đôi khi còn lỗ vốn.

Khoảng 15-20 năm trước, mành nứa thường không bền bằng mành tre, nhưng sau nhờ có công nghệ sơn PU, đã giúp mành nứa bền đẹp hơn mành tre, vượt trội hơn nhiều so với mành nhựa.

Tập kết mành xuất bán cho thương lái.

"Thôn Đa Quang đã được UBND tỉnh Hưng Yên công nhận là làng nghề truyền thống năm 2016. Để thúc đẩy nghề làm mành ngày càng phát triển, trong thời gian tới, xã sẽ phối hợp với các cấp, ngành chuyên môn, mở lớp đào đạo nâng cao tay nghề có cho người thợ, nhằm tạo ra các sản phẩm có trang trí thêm nhiều họa tiết, hoa văn sinh động, giúp tăng tính thẩm mỹ và giá trị kinh tế cho các loại mành", ông Phạm Văn Đĩnh – Chủ tịch UBND xã Dị Chế.

NGUYỄN HẢI TIẾN

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/manh-tre-da-quang-len-ngoi-post252485.html