'Mạnh Thường Quân' của trò nghèo làng biển

'Mỗi người để tâm một chút, cố gắng một chút, góp một chút sức lực thì nhiều học sinh sẽ không phải bỏ học giữa chừng, có khi còn giúp các cháu xây dựng được một tương lai tươi sáng'. Suy nghĩ đó đã theo anh Cao Văn Lộc, Trưởng ban quản lý cảng cá phường 6, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên trên hành trình vận động các nguồn lực xã hội giúp cho những học trò nghèo làng biển phường 6 đến trường.

Những trẻ em làng biển phường 6 được anh Cao Văn Lộc trao tặng sách, vở chuẩn bị cho năm học mới.

Những trẻ em làng biển phường 6 được anh Cao Văn Lộc trao tặng sách, vở chuẩn bị cho năm học mới.

Vững tin hơn nhờ sách

Tìm được số điện thoại của Đặng Thị Trúc Quyên, con gái ngư dân Đặng Long Thạnh (phường 6, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), tôi gọi điện ngay thì được biết, sáng nay em vừa thi xong môn cuối cùng kết thúc năm thứ 2 đại học. Nói chuyện với tôi qua điện thoại, cô sinh viên khoa Tiếng Anh của trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh nhỏ nhẹ tâm sự, từ chiều nay, em sẽ đi tìm việc làm, mong kiếm tiền gửi về phụ giúp mẹ chữa bệnh cho ba rồi dành một ít chuẩn bị cho năm học tới. "Hồi trưa, nhìn thấy bạn cùng phòng sửa soạn đồ đạc để về quê, em cũng buồn vì nhớ nhà lắm, nhưng nay mai đi làm, công việc chiếm hết thời gian chắc sẽ bớt buồn. Hơn nữa, nghĩ đến lúc nhận lương, đem tiền gửi về cho mẹ, lòng em thấy vui" - Quyên bộc bạch.

Với Quyên, dù hiện tại hoàn cảnh còn khó khăn, nhưng khi đã vượt qua được thời kỳ chông gai nhất của gia đình để tiếp tục đi học, thi đậu vào đại học thì bây giờ không có bất cứ điều gì khiến em lo ngại. "Đó là thời điểm mang tính quyết định, mình đã vượt qua được thử thách, tương lai sẽ không khép lại" - Quyên tự tin nói như một người nhiều trải nghiệm.

Quyên kể, một buổi chiều năm 2011 (khi đó Quyên đang học lớp 11), vừa từ trường về đến ngõ, em đã thấy trước nhà đông kín người, bước vô nhà thấy mẹ đang khóc. Thì ra, có tin ở biển các bác gọi về báo, ba em tự nhiên bất tỉnh, nằm mê man, tàu đang đưa ba về Đà Nẵng để cứu chữa nhưng sợ khó qua khỏi. Tối đó, mẹ khăn gói lên xe ra Đà Nẵng với ba. Quyên là con lớn nên tự phải biết lo cho em, trông coi nhà cửa. "Hồi trước, có mẹ lo hết nên cứ vô tư. Giờ phải tự mình chuẩn bị cơm nước hằng ngày cho các em, mà trong nhà hết tiền, hết gạo, lại không có tiền mua sách vở, tài liệu học hành, em thấy hoang mang, cứ nghĩ đến chuyện phải bỏ học. Nếu không có bác Lộc ở Ban quản lý cảng cá cùng bà con trong xóm đến an ủi, chia sẻ, tận tâm giúp em trong những ngày khốn khó đó, em đã bỏ học vì chán nản, bế tắc" - Quyên chia sẻ.

Căn nhà nhỏ của Quyên nằm ngay trong một con hẻm, sau lưng dãy nhà làm việc của Ban quản lý cảng cá. Từ ngày ba đổ bệnh, những lúc hết giờ làm việc ở cơ quan, bác Lộc thường qua nhà thăm mấy chị em, cho tiền mua sách vở rồi nhắc nhở học hành. Bác luôn dặn: "Dù khó khăn đến mấy cũng phải cố đi học để mai sau còn giúp đỡ lại cha mẹ, thay đổi cảnh sống của gia đình".

Quyên tiết lộ, trong phòng làm việc của bác Lộc có một tủ sách gần 600 đầu sách, đủ loại từ truyện lịch sử, xã hội, giáo dục các kỹ năng sống, cách phòng chữa bệnh đến sách ngoại ngữ. Bác Lộc đã vận động những người bạn ở nhà xuất bản trong TP Hồ Chí Minh gửi sách về, rồi lập tủ sách cho mọi người đến đọc. Cứ mỗi năm, số đầu sách trong tủ của bác lại tăng thêm một ít. Những lần đi vào xóm, bác luôn nhắc bọn em đến chỗ bác lấy sách về đọc. Hôm ba em từ bệnh viện trở về với một bên tay chân bị liệt, em thường vào Ban quản lý cảng cá xem sách, mong tìm được bài thuốc chữa trị chứng liệt cho ba. Khi tìm vào tủ sách, mới biết có nhiều quyển sách rất hay, bổ ích, nhất là sách nói về nền văn hóa các nước trên thế giới. Em đã mượn về đọc và bị cuốn hút luôn. Chỉ trong hai năm học lớp 11 và 12, em đã đọc gần hết tủ sách. "Đó là thứ tài sản vô giá làm "nền", giúp em quyết tâm thi đậu đại học và thêm tự tin trên mỗi chặng đường phía trước" - Quyên tâm sự.

Lan tỏa tấm lòng

Tôi tìm về Ban quản lý cảng cá phường 6, TP Tuy Hòa buổi trưa một ngày cuối tháng 7. Điều khiến tôi không khỏi ngạc nhiên là trong căn phòng chật chội chưa đầy 6m2 của Trưởng ban quản lý cảng là một núi những chồng sách, vở, bút viết, bên cạnh là những phần quà gói vuông vắn, xếp chồng lên nhau trên chiếc bàn. Trưởng ban quản lý cảng Cao Văn Lộc cho biết, những ngày tới, anh sẽ tổ chức phát quà cho các cháu là con những ngư dân nghèo hiếu học. "Đã thành lệ, mấy năm nay, cứ đến tháng 7 là mình chạy lo tìm nguồn tài trợ, mong được nhiều người ủng hộ để có những phần quà và sách, vở, dụng cụ học tập dành tặng các cháu học sinh ở làng biển phường 6 này, trước khi các cháu vào năm học mới".

Anh Lộc cũng vui mừng cho biết, nếu những năm trước, mình rụt rè đi liên hệ để quyên góp thì năm nay, một số đơn vị tài trợ đã chủ động gọi điện đến, bày tỏ ý định tặng một cơ số sách cho các cháu trước mùa khai giảng. Ngoài 210 suất quà gồm sách, vở, bút viết để tặng học sinh, anh còn đi trao 5 suất quà cho những gia đình ngư dân khó khăn do rủi ro, hoạn nạn, bị bệnh hiểm nghèo tại địa phương.

Anh Cao Văn Lộc thăm gia đình chị Trần Thị Tuyết Hạnh, có chồng qua đời vì bệnh hiểm nghèo.

Chúng tôi cùng Trưởng ban quản lý cảng cá Cao Văn Lộc đến thăm nhà chi Trần Thị Tuyết Hạnh, vợ anh Mai Thành Đô, một ngư phủ dạn dày sóng gió đã lâm bệnh hiểm nghèo qua đời 2 năm trước. Giữa mùa nắng nóng, căn nhà 4 bức vách thưng bằng tôn của chị nằm trên bãi đất bồi cạnh cửa biển phường 6 xiêu vẹo, ọp ẹp. Trên vách là một hàng dài giấy khen, bằng khen về thành tích học tập của Mai Thị Ngọc Hân, con gái chị, học sinh lớp 7, trường Trung học cơ sở Ngô Quyền. Trao cho chị Hạnh khoản tiền nhỏ giúp đỡ gia đình, anh Lộc cho biết, một số doanh nghiệp chỗ thân quen, bạn bè của anh đã đóng góp ủng hộ, mong chia sẻ phần nào những vất vả với bà con ngư dân lâm cảnh khó khăn, hoạn nạn.

Chị Hạnh tâm sự, mỗi ngày chị chạy chợ gánh nước mướn, ai thuê gì làm nấy để kiếm cái ăn qua ngày. Ba đứa con thì Ngọc Hân là đứa cố gắng theo học, còn cháu lớn 15 tuổi đã phải bỏ học, đi bạn cho tàu cá kiếm tiền, cháu nhỏ chưa vào lớp một. Từ ngày chồng chị qua đời, cảnh nhà khó khăn, nhiều lúc chị muốn cho Ngọc Hân nghỉ học để đi làm nhưng thấy con ham học, chị không nỡ. Hai năm nay, mùa khai giảng, chị không phải lo lắng, chạy đôn chạy đáo kiếm tiền cho con mua sách đến trường nữa. "Sách vở đã có anh Lộc bên Ban quản lý cảng cá cho, cháu yên tâm đủ học cả năm. Trong cảnh nghèo nhưng năm nào cháu cũng được phần thưởng học sinh giỏi" - Chị Hạnh hãnh diện cho biết.

Cũng như Ngọc Hân, nhiều năm qua, những đứa trẻ nghèo ở làng biển phường 6 đều có niềm vui được nhận về những bộ sách, tập vở, dụng cụ học tập trước mùa khai giảng năm học mới. Hàng trăm phụ huynh nơi này không phải nặng mối lo chạy tiền mua sách vở mới cho con trước mùa khai giảng. Thế nhưng, những tấm lòng, những ân tình của người giúp mình thì không phải ai cũng biết.

Trưởng ban quản lý cảng cá Cao Văn Lộc chia sẻ, cơ quan đóng ở địa bàn, hằng ngày nhìn thấy bà con nghèo tất bật, bươn chải với cuộc sống khó khăn, nhất là nỗi buồn khi tàu về bán cá không đủ chi phí, anh rất xót xa. "Điều tôi canh cánh là tương lai của những đứa trẻ. Khi cha mẹ nặng gánh vì cuộc mưu sinh, các cháu sẽ bị sao nhãng, thiếu thốn, dễ bị bỏ học giữa chừng. Bản thân tôi không thể giúp được nhiều, nhưng hy vọng sẽ kết nối được nhiều người có tấm lòng, sẵn sàng giúp các cháu. Mỗi người để tâm một chút, góp một chút sức lực, có khi giữ được cho các cháu cả một tương lai rộng mở" - Anh Lộc bộc bạch.

Phương Oanh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/manh-thuong-quan-cua-tro-ngheo-lang-bien/