Mạnh tay xử lý việc cố tình đi xe máy lên đường trên cao

Sau khi đưa vào vận hành, tuyến đường vành đai 3 trên cao đã giúp giảm tải áp lực giao thông tại các nút giao cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội.

Đây là tuyến đường dành riêng cho ô tô, tuy nhiên, bất chấp nguy hiểm, người điều khiển xe máy, thậm chí xe ba bánh vẫn phớt lờ biển báo cấm, ngang nhiên di chuyển trên đường vành đai 3 trên cao, tiềm ẩn nguy hiểm cho chính mình và các phương tiện khác.

 Xe máy đi trên đường vành đai 3 trên cao dù tuyến đường này chỉ dành cho ô tô.

Xe máy đi trên đường vành đai 3 trên cao dù tuyến đường này chỉ dành cho ô tô.

Để bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên đường vành đai 3 trên cao, tại các vị trí đầu và cuối tuyến, cơ quan chức năng đã lắp hệ thống biển báo phân làn, biển cấm mô tô, xe máy và người đi bộ tham gia giao thông trên cầu. Ngoài ra, tại các điểm lên, xuống, lối mở dọc theo hai chiều của đường đều có biển báo hướng dẫn, thông tin đầy đủ. Tuy đã có quy định, biển báo rõ ràng nhưng nhiều xe máy, xe ba bánh vẫn phớt lờ, cố tình cho xe đi lên tuyến đường này, thậm chí di chuyển với tốc độ cao. Đường vành đai 3 trên cao đạt tiêu chuẩn đường cao tốc, cho phép ô tô đi với tốc độ tối đa lên đến 80km/giờ. Do vậy, khi xe máy lưu thông khiến người điều khiển ô tô không ít lần giật mình và phải nhường đường cho xe máy để tránh xảy ra tai nạn. Anh Đồng Lê Huy (phố Hồ Đền Lừ, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) cho biết: “Tôi thường xuyên đi lại trên tuyến đường này. Ngày nào tôi cũng bắt gặp tình trạng xe máy, xe ba bánh đi lên đường trên cao. Mỗi lần như vậy, tôi thường chuyển vào làn trong cùng để tránh va chạm với xe máy. Do phương tiện đi lại lộn xộn nên xe ô tô thường xuyên phải giảm tốc độ xuống thấp để bảo đảm an toàn".

Thực tế, nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra do va chạm giữa ô tô và xe máy trên tuyến đường này. Mới đây, vào tối ngày 11-9, hai học sinh điều khiển xe máy đi trên đường vành đai 3 trên cao đã va chạm với xe ô tô lưu thông cùng chiều. Vụ tai nạn khiến hai học sinh điều khiển xe máy bị thương nặng, ô tô và xe máy bị hư hỏng. Không chỉ gây thiệt hại về người, tài sản, tai nạn giao thông cũng khiến tuyến đường huyết mạch này gặp ùn tắc nghiêm trọng. Theo Nghị định số 46/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, người điều khiển xe máy và các phương tiện tương tự như xe máy đi vào đường cao tốc sẽ bị phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng, trường hợp gây ra tai nạn sẽ nâng thời gian tước giấy phép lái xe lên từ 2 tháng đến 4 tháng.

Mặc dù lực lượng cảnh sát đã tích cực tuần tra, kiểm soát nhằm giải quyết tình trạng mất trật tự an toàn giao thông trên tuyến đường này, song, những trường hợp vi phạm vẫn xảy ra. Nguyên nhân chính dẫn đến vi phạm là do ý thức của người tham gia giao thông còn kém, coi thường pháp luật, coi nhẹ tính mạng bản thân và những người xung quanh. Để ngăn chặn tình trạng này cần có giải pháp xử lý nghiêm khắc hơn, mang tính răn đe, nhất là với những trường hợp cố tình vi phạm.

Bài và ảnh: TRÀ MY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/an-ninh-trat-tu/manh-tay-xu-ly-viec-co-tinh-di-xe-may-len-duong-tren-cao-591670