Mạnh tay xử lý tài sản bất minh

Ngay sau phiên khai mạc phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) tiến hành thảo luận, cho ý kiến lần thứ ba về một số vấn đề có ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) (sửa đổi) đang được đông đảo cử tri và dư luận xã hội quan tâm.

Ra tòa hay chịu thuế?

Báo cáo một số vấn đề lớn về dự án Luật PCTN (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (QH) Lê Thị Nga cho biết, tại kỳ họp thứ năm, QH thảo luận và cho ý kiến lần thứ hai về dự án Luật PCTN. Ngay sau kỳ họp, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban TVQH, Thường trực Ủy ban Tư pháp của QH đã phối hợp Cơ quan trình dự án, các cơ quan hữu quan nghiên cứu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu QH để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật. Ủy ban Tư pháp của QH đã có Báo cáo trình Ủy ban TVQH tại các phiên họp thứ 25 và 26 xin ý kiến về một số vấn đề lớn của dự thảo luật. Riêng quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc (Ðiều 57) vẫn có nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban TVQH giao Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp các cơ quan hữu quan nghiên cứu để xây dựng hai phương án gồm: Thu hồi thông qua thủ tục xem xét, giải quyết tại tòa án (phương án 1) và thu thuế thu nhập cá nhân (phương án 2) bảo đảm có căn cứ, phù hợp thực tiễn, báo cáo xin ý kiến các cấp có thẩm quyền và xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu QH chuyên trách mới đây.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga, theo phương án 1, đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập chuyển kết luận xác minh và các tài liệu liên quan để yêu cầu tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình.Về phía tòa án, sẽ ra quyết định thu hồi tài sản, thu nhập tăng thêm nếu người có nghĩa vụ kê khai không giải trình hợp lý về nguồn gốc, hoặc bác yêu cầu của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập trong trường hợp người có nghĩa vụ kê khai giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm.

Ðối với phương án 2, theo quan điểm của Ủy ban Tư pháp của QH, nếu Nhà nước không chứng minh được tài sản, thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có thì tạm coi đây là một khoản thu nhập phải chịu thuế, người kê khai phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Thảo luận tại phiên họp, về thu nhập tăng thêm không giải trình hợp lý về nguồn gốc, nhiều đại biểu băn khoăn về tính khả thi của các phương án được lựa chọn. Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải ghi nhận những ưu điểm của phương án 1- xem xét, giải quyết tại tòa án, cụ thể: Theo phương án này, thủ tục xem xét, quyết định các biện pháp xử lý hành chính tại tòa án và phiên họp có sự tham gia của luật sư, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên, bảo đảm dân chủ, thận trọng, khách quan, các bên có quyền khiếu nại quyết định giải quyết của tòa án. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu kỹ tính khả thi của phương án, có thể vẫn gây áp lực trong bối cảnh tòa án đang có dấu hiệu quá tải do phải thụ lý, giải quyết nhiều loại vụ việc, vụ án khác... Một số đại biểu cho rằng, theo phương án này, Ủy ban TVQH phải ban hành pháp lệnh quy định về trình tự, thủ tục giải quyết cũng như việc thi hành thì phán quyết của tòa án mới thi hành được.

Kiểm soát dòng tiền và tài sản

Nhiều đại biểu cho rằng, đây là một trong những vấn đề các cơ quan tư pháp dù đã rất cố gắng, quyết liệt nhưng tỷ lệ thu hồi tiền tham nhũng vẫn thấp. Tại Hội nghị đại biểu QH chuyên trách, theo đại biểu Ðinh Duy Vượt (Gia Lai), quy định về đối tượng kê khai là "mấu chốt" để kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ. Ðại biểu Vượt cho rằng, tài sản tham nhũng không tự nhiên mất đi mà chuyển từ người này sang người khác, dạng này sang dạng khác, biến hóa "ẩn mình như ma trận", "sân trước", "sân sau" nhằm hợp lý hóa, rửa tiền... Ðại biểu này cũng cho rằng những cán bộ có chức, thực quyền thì mới tham nhũng được, mới có sân sau như "nuôi gà đẻ trứng vàng". Tuy nhiên, quy định chỉ người có nghĩa vụ phải kê khai tài sản, thu nhập của mình, của vợ/chồng và con chưa thành niên là quá hẹp. "Ðiều này chưa thật sự xoáy vào "tảng băng chìm", hang ổ, tài sản tham nhũng", đại biểu Ðinh Duy Vượt nói.

Tiếp tục thảo luận về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của Luật PCTN, một số thành viên Ủy ban TVQH chỉ ra rằng, vấn đề cơ bản của PCTN là kiểm soát dòng tiền và tài sản trên cơ sở pháp lý. Chủ nhiệm Ủy ban Ðối ngoại của QH Nguyễn Văn Giàu chỉ rõ, nếu xử lý bằng chính sách thuế thì sẽ gọn hơn, theo tinh thần cải cách và Chính phủ điện tử; "Thực tế như cách làm rất cũ hiện nay, việc kê khai tài sản dài 5, 6 trang, nhưng nhìn vào bảng kê khai tài sản gần như không có gì; cơ quan kiểm soát tài sản cũng không giải quyết được". Do đó, đại biểu Nguyễn Văn Giàu đề nghị phải minh bạch trong tất cả những quy định, trên tinh thần bình tĩnh, xem xét thận trọng, bảo đảm tính khả thi.

Cho ý kiến về dự án luật, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển phân tích, nước ta có nhiều luật để thực hiện việc PCTN như Luật Phòng, chống rửa tiền; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Ngân sách và một số luật khác. Trong dự án luật này, chúng ta phải làm nổi bật hơn phần "phòng" tham nhũng. Thí dụ, chúng ta có thể quy định thanh toán không dùng tiền mặt, tất cả chi tiêu vượt quá 500 nghìn đồng là phải thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đại biểu, những tài sản đã chứng minh là tham ô thì chúng ta xử lý tịch thu theo luật định. Tuy nhiên, khi chưa chứng minh được đã có sự tham ô chưa, chưa chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ của tài sản, có thể áp dụng công cụ là Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Quản lý thuế để xử lý."Nếu chúng ta làm nghiêm túc việc thu thuế thì vừa chắc chắn, vừa nhẹ nhàng lại không phải quy định thủ tục sang tòa án, Viện Kiểm sát dẫn đến sự phức tạp"... Với lập luận này, Phó Chủ tịch QH tán thành cao phương án 2 - thu thuế thu nhập cá nhân, coi đây là phương án hiệu quả nhất về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc.

Kết luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhấn mạnh: Ủy ban TVQH giao Ủy ban Tư pháp của QH và Thanh tra Chính phủ tiếp tục hoàn thiện dự án luật; báo cáo giải trình, tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý. Ðảng Ðoàn QH sẽ báo cáo Bộ Chính trị hai phương án về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc.

Những lĩnh vực nhạy cảm lâu nay chưa thực hiện công khai thông tin như dự án đầu tư công, đấu thầu, giao đất… dễ phát sinh chuyện thỏa thuận, chia chác cần được quy định cụ thể trong luật. Công khai, minh bạch sẽ giúp cơ quan truyền thông, dư luận phát giác những điểm vô lý của các dự án, như vậy, ai muốn làm khuất tất cũng không thể làm được...

Ðại biểu Bùi Văn Phương

(Ninh Bình)

Những lĩnh vực nhạy cảm lâu nay chưa thực hiện công khai thông tin như dự án đầu tư công, đấu thầu, giao đất… dễ phát sinh chuyện thỏa thuận, chia chác cần được quy định cụ thể trong luật. Công khai, minh bạch sẽ giúp cơ quan truyền thông, dư luận phát giác những điểm vô lý của các dự án, như vậy, ai muốn làm khuất tất cũng không thể làm được...

Ðại biểu Bùi Văn Phương

(Ninh Bình)

THÁI TRUNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/phapluat/item/37679702-manh-tay-xu-ly-tai-san-bat-minh.html