Mạnh tay xử lý 'lạm thu' đầu năm học

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo không được ép buộc học sinh mua tài liệu tham khảo

Trước thềm năm học mới, nhiều phụ huynh có con năm nay vào lớp 1 Trường Tiểu học An Phong (quận 8, TP HCM) cho hay thật sự bất ngờ khi giá của bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 1 chương trình mới năm nay quá đắt.

Tách bạch SGK, sách tham khảo

Bộ sách này có giá tới 807.000 đồng, bao gồm sách Tiếng Việt tập 1, Tiếng Việt tập 2, Toán, Âm nhạc (bộ sách "Cánh diều"), Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Mỹ thuật (bộ "Chân trời sáng tạo"), Hoạt động trải nghiệm, Giáo dục thể chất (bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống"), sách tiếng Anh "I-Learn Smart Start". Còn lại là 9 vở bài tập các môn, các sách tham khảo khác, 10 cuốn tập giấy trắng và bảng viết… Trong đó, đắt nhất là sách tiếng Anh "I-Learn Smart Start" có giá 146.000 đồng/cuốn, bộ sách thực hành Toán, Tiếng Việt 1 có giá 173.400 đồng.

Giá sách quá cao khiến nhiều phụ huynh bức xúc lên tiếng. Một phụ huynh băn khoăn chỉ riêng bộ sách lớp 1 đã hơn 800.000 đồng, cộng thêm rất nhiều khoản tiền trường đầu năm, liệu gia đình thu nhập thấp có đủ tiền cho con đi học? Trên thực tế, giá các bộ SGK lớp 1 được các nhà xuất bản công bố đều có giá dưới 200.000 đồng. Cụ thể, bộ "Cánh diều" gồm 9 cuốn giá 199.000 đồng, bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" gồm 10 cuốn giá 179.000 đồng. Bộ "Chân trời sáng tạo" 9 cuốn giá 186.000 đồng. Bộ "Cùng học để phát triển năng lực" có 10 cuốn giá 194.000 đồng. Bộ "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục" gồm 9 cuốn giá 189.000 đồng.

Mua sách giáo khoa cho năm học mới tại FAHASA Cây Gõ (TP HCM) Ảnh: TẤN THẠNH

Mua sách giáo khoa cho năm học mới tại FAHASA Cây Gõ (TP HCM) Ảnh: TẤN THẠNH

Trước tình trạng một số trường "nhập nhèm" giữa SGK và sách tham khảo khiến phụ huynh phải bỏ ra một khoản tiền lớn mua sách đầu năm, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), khẳng định theo quy định, bộ SGK lớp 1 mới (Chương trình giáo dục phổ thông 2018) có 8 cuốn bắt buộc và 1 môn tự chọn gồm là Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm, Âm nhạc, Mỹ thuật và sách tiếng Anh tự chọn. Ngoài các cuốn SGK chính thức trên đây, những tài liệu bổ trợ tham khảo khác cho học sinh, phụ huynh có thể tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và quyền tự chọn, không bắt buộc. Trường nào đưa các loại sách, tài liệu không đúng quy định vào sử dụng hoặc bán cho phụ huynh học sinh là vi phạm. Người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sai phạm trên. "Ngoại trừ SGK là bắt buộc, các tài liệu bổ trợ đều phải theo nhu cầu thực tế của việc dạy và học, trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh mà trang bị cho các em. Nhà trường, giáo viên không được ép buộc học sinh mua tài liệu tham khảo. Các phụ huynh cần nắm rõ quy định này để việc phối hợp với nhà trường trong mua sắm sách và đồ dụng học tập cho con em" - ông Thái Văn Tài nhấn mạnh.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cũng cho rằng theo phản ánh sơ bộ của Sở GD-ĐT TP HCM, danh mục sách vở lớp 1 năm học 2020 - 2021 mà phụ huynh cung cấp cho báo chí đúng là danh mục sách trường tiểu học đưa ra để phụ huynh tham khảo, tự trang bị cho con em nếu có nhu cầu và thấy cần thiết, không có sự ép buộc phụ huynh phải mua thêm sách tham khảo. Theo đó, do việc trao đổi thông tin tư vấn giữa giáo viên và phụ huynh chưa rõ ràng dẫn tới việc phụ huynh nắm thông tin không đầy đủ. Sở GD-ĐT TP HCM đã nhắc nhở, yêu cầu các trường trên địa bàn TP cung cấp thông tin sách vở cần trang bị cho học sinh trong năm học mới đến phụ huynh phải đầy đủ, rõ ràng. Trong đó nêu rõ sách nào bắt buộc phải có, tài liệu nào là tham khảo, phụ huynh có thể lựa chọn mua theo nhu cầu và thấy thật sự cần thiết cho con em mình.

"Sự việc ở TP HCM là bài học kinh nghiệm để nhà trường khi thông tin về việc mua sắm sách vở năm học mới cần rõ ràng, công khai, minh bạch và cũng rất cần sự giám sát của các lực lượng truyền thông, xã hội" - ông Thái Văn Tài nhấn mạnh.

Không được ép buộc học sinh mua tài liệu tham khảo

Bộ GD-ĐT cũng vừa có văn bản gửi các sở GD-ĐT về việc trang bị SGK và tài liệu tham khảo trong trường tiểu học. Bộ GD-ĐT yêu cầu sở GD-ĐT phải thực hiện nghiêm túc các nội dung về SGK và tài liệu tham khảo đã được quy định tại Điều lệ Trường tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT ngày 30-12-2010 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Theo quy định này, SGK là tài liệu bắt buộc sử dụng trong dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định. Nhà trường trang bị tài liệu tham khảo phục vụ cho hoạt động giảng dạy và nghiên cứu của giáo viên; khuyến khích giáo viên sử dụng tài liệu tham khảo để nâng cao chất lượng giáo dục. Mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo, phụ huynh, học sinh tự mua sắm theo nhu cầu thực tế.

Bộ GD-ĐT yêu cầu các sở GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn nghiêm túc thực hiện các quy định trên để việc trang bị SGK và tài liệu tham khảo cho học sinh bảo đảm đúng, đủ, hiệu quả, tránh lãng phí.

Cũng theo ông Thái Văn Tài, muốn việc trang bị SGK, đồ dùng học tập phù hợp và hiệu quả, cần tăng cường trao đổi giữa phụ huynh với giáo viên chủ nhiệm/nhà trường để có được sự tư vấn và thông tin cần thiết.

Yến Anh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/manh-tay-xu-ly-lam-thu-dau-nam-hoc-20200905220123774.htm