Mạnh tay xử lý các đối tượng đòi nợ theo kiểu 'giang hồ'

Thời gian vừa qua, trên địa bàn Đồng Nai liên tiếp xuất hiện nhiều hình thức đòi nợ theo kiểu 'giang hồ' như: hủy hoại tài sản, cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản… gây mất an ninh trật tự và tạo tâm lý lo sợ cho người dân.

Một số đối tượng bị Công an huyện Trảng Bom bắt giữ vì đòi nợ theo kiểu “giang hồ”. Ảnh: Do công an cung cấp

Một số đối tượng bị Công an huyện Trảng Bom bắt giữ vì đòi nợ theo kiểu “giang hồ”. Ảnh: Do công an cung cấp

Trước tình trạng đó, lực lượng công an đã vào cuộc và bắt giữ nhiều đối tượng liên quan đến hành vi này để xử lý mạnh tay nhằm răn đe, phòng ngừa chung.

* Đi đòi nợ thành cướp tài sản

Mới đây nhất, Công an huyện Trảng Bom đã tạm giữ hình sự Vũ Văn Huy (24 tuổi) và Nguyễn Tiến Đạt (24 tuổi), cùng ngụ xã Bình Minh (huyện Trảng Bom) để điều tra về hành vi cướp tài sản.

Theo thông tin ban đầu của cơ quan công an, vào ngày 21-11, tại ấp Quảng Biên, xã Quảng Tiến (huyện Trảng Bom), do thiếu nợ nên ông H.N.Q. (ngụ phường Phước Tân, TP.Biên Hòa) đã bị nhóm đối tượng gồm: Huy, Đạt; Trần Trung Hiếu (24 tuổi), Nguyễn Ngọc Minh Quân (29 tuổi), cùng ngụ xã Quảng Tiến; Nguyễn Văn Thăng (25 tuổi, ngụ xã Bình Minh); Trịnh Văn Dũng (24 tuổi, ngụ xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) và Trí (chưa rõ lai lịch) đòi nợ.

Trí và Dũng dùng tay đánh và bắt ông Q. điện thoại về cho vợ chuyển vào tài khoản của Huy 70 triệu đồng. Sau khi nhận được tin báo của bị hại, Công an huyện Trảng Bom vào cuộc điều tra, bắt giữ Huy, Đạt và tiến hành điều tra đối với các đối tượng còn lại để làm rõ hành vi, xử lý theo quy định pháp luật.

Cũng liên quan đến việc dùng vũ lực để đòi nợ, Công an TP.Biên Hòa đã khởi tố bị can đối với các đối tượng: Ngô Trí Vinh (35 tuổi, ngụ phường Phước Tân), Đặng Thành Trung (22 tuổi, quê tỉnh Bình Định), Vi Văn Tiếp (29 tuổi, quê tỉnh Nghệ An), Đặng Thị Mai (38 tuổi, quê tỉnh Bình Định) về hành vi cướp tài sản

Theo kết quả điều tra của cơ quan công an, trong tháng 8-2019, chị T.V. (quê tỉnh Quảng Ngãi) ghi số đề thiếu tiền của Mai nhưng không trả nên Mai nảy sinh ý định bắt chị V. để đòi nợ. Vào ngày 11-9, khi phát hiện chị V. đang ở khu vực phường Tam Hiệp (TP.Biên Hòa) thì Mai cùng các đối tượng Vinh, Trung, Tiếp đã khống chế bắt chị V. lên ô tô đưa đến bãi đất trống thuộc phường Long Bình (TP.Biên Hòa) đánh đập yêu cầu trả nợ và bắt chị V. viết giấy vay mượn số tiền gần 50 triệu đồng. Khi phát hiện sự việc, Công an TP.Biên Hòa đã bắt giữ các đối tượng để xử lý.

Không chỉ đòi nợ dẫn tới hành vi cướp tài sản mà các đối tượng còn bắt giữ, khống chế người thân của người vay mượn tiền nhằm đe dọa để chiếm đoạt tài sản. Cụ thể như vào đầu năm 2019, chị P.B.H. (ngụ xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) vay số tiền 60 triệu đồng (lãi suất 1 triệu đồng/tháng) của Danh Thanh Tâm (23 tuổi, ngụ huyện Trảng Bom). Do chị H. bỏ trốn không chịu trả nợ nên Tâm đã nhờ Thạch Dự (20 tuổi, quê tỉnh Sóc Trăng) và Nguyễn Ngọc Tú (30 tuổi, ngụ xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom) bắt anh P.T.T. (chồng chị H.) đưa đến bãi đất trống ở xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom) đánh đập, yêu cầu viết giấy vay mượn 60 triệu đồng. Ngoài ra, các đối tượng còn chiếm đoạt 4 triệu đồng và sợi dây chuyền bằng vàng của anh T.

* Mạnh tay xử lý

Theo Công an huyện Trảng Bom, thời gian vừa qua, trên địa bàn huyện, tình trạng cho vay lãi nặng dẫn đến đòi nợ theo kiểu “giang hồ” đang diễn ra phức tạp. Hầu hết các thủ tục vay tiền của các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” rất đơn giản nên không ít người vẫn vay mượn nợ bất chấp các cơ quan chức năng đã ra sức tuyên truyền, cảnh báo. Trong khi thủ đoạn và cách thức đòi nợ của các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” rất manh động, liều lĩnh.

Theo luật sư Lê Quang Y, Đoàn Luật sư Đồng Nai, trong một số trường hợp đòi nợ bằng cách đe dọa, dùng vũ lực khống chế người thiếu nợ dù không chiếm đoạt được tài sản thì tội phạm cũng đã hoàn thành và người đòi nợ trong trường hợp này vẫn bị xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật.

Thông thường những đối tượng đi đòi nợ là những kẻ có tiền án tiền sự, xăm trổ đầy mình và thường “siết” nhà cửa, tài sản hoặc bắt cóc những người vay tiền, người thân của họ để đánh đập, đe dọa, uy hiếp tinh thần nhằm đòi tiền. Những hành vi đòi nợ như trên là vi phạm pháp luật. Thời gian qua, lực lượng công an các đơn vị đã liên tiếp bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các đối tượng đòi nợ theo kiểu “giang hồ” bằng việc khởi tố về các hành vi: cướp tài sản, hủy hoại tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản… để răn đe và phòng ngừa chung.

Về vấn đề này, luật sư Lê Quang Y, Đoàn Luật sư Đồng Nai cho biết, việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hay khủng bố đe dọa, gây thương tích… đều có dấu hiệu vi phạm luật hình sự với các tội danh khác nhau. Việc đe dọa người vay mượn tiền để đòi nợ ở mức độ nhẹ có thể bị xử lý vi phạm hành chính với mức phạt từ 10-20 triệu đồng. Nặng hơn thì sẽ bị xử lý hình sự với các tội danh như: cướp tài sản, hủy hoại tài sản, cố ý làm hư hỏng tài sản, cưỡng đoạt tài sản hoặc bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản… với mức án tù có thể lên đến 12-20 năm hoặc án chung thân.

Do đó, theo cơ quan chức năng, ngoài việc người dân cần nâng cao ý thức trong việc vay mượn nợ thì những người cho vay cũng phải thực hiện việc cho vay mượn và đòi nợ theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp người vay chậm thanh toán thì phải thực hiện thủ tục khởi kiện bằng vụ án dân sự để được tòa án giải quyết nhằm tránh việc vì thiếu hiểu biết pháp luật mà vướng vào vòng lao lý.

Tố Tâm

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/201912/manh-tay-xu-ly-cac-doi-tuong-doi-no-theo-kieu-giang-ho-2976791/