Mạnh tay với phim kém chất lượng

Về nguyên tắc, một bộ phim vi phạm các quy định pháp luật cũng như các chuẩn mực về thuần phong mỹ tục... sẽ không thể được cấp phép để công chiếu. Thế nhưng, dư luận cho rằng không chỉ những phim vi phạm mà đã đến lúc cần phải mạnh tay với cả những phim kém chất lượng, phim rác.

Thực tế vài năm gần đây, thị trường chứng kiến sự xuất hiện ngày càng nhiều những phim chất lượng quá kém, đến mức không khái niệm nào dễ hình dung hơn hai từ “thảm họa”.

Xem những phim như Biệt đội hotgirl, Huyền sử vua Đinh, Trà, Virus cuồng loạn, Kẻ đào mồ, Mưu kế thượng lưu, Bến phà xác sống, Cù lao xác sống, Duyên ma…, điều đọng lại duy nhất có lẽ là câu hỏi: Vì sao những sản phẩm rác với đầy rẫy những tình tiết vô lý, sự cẩu thả, hời hợt và dễ dãi từ kịch bản, bối cảnh, dàn dựng đến diễn xuất như thế vẫn được cấp phép để phát hành đến với công chúng?

Và thái độ rõ ràng nhất của khán giả dành cho những phim “thảm họa” như trên chính là doanh thu thuộc hàng “thảm hại”. Minh chứng rõ nét nhất có thể kể đến Biệt đội hotgirl sau một tuần ra rạp chỉ thu về chưa đến 50 triệu đồng, Huyền sử vua Đinh chỉ thu về gần... 43 triệu đồng...

Lâu nay, chúng ta vẫn thường cho rằng doanh thu phòng vé không phải thước đo để đánh giá chất lượng một bộ phim. Điều này đúng khi xét đến những tác phẩm nghệ thuật độc lập, những bộ phim đoạt giải thưởng quốc tế nhưng lại có lượng khán giả hạn chế. Ai cũng hiểu, dòng phim này kén người xem và hướng đến một đối tượng khán giả nhất định, thậm chí mang tính khu biệt. Tuy nhiên, đối với đại đa số các bộ phim thương mại, doanh thu phòng vé vẫn là thước đo quan trọng để đánh giá chất lượng một bộ phim. Phim đạt doanh thu cao chứng tỏ đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của khán giả đại chúng, sở hữu những yếu tố giải trí hấp dẫn và khả năng tiếp cận rộng rãi...

Để một bộ phim có thể ra rạp phải có giấy phép từ Hội đồng thẩm định và phân loại phim (Cục Điện ảnh) và nhà phát hành. Hội đồng thẩm định có trách nhiệm đảm bảo phim không vi phạm các điều cấm đã được nêu cụ thể trong Luật Điện ảnh, trong khi nhà phát hành đóng vai trò “bà đỡ” đưa phim đến với khán giả. Với hàng loạt phim rác ra rạp thời gian qua, dư luận cho rằng vai trò "gác cổng" của cả đơn vị cấp phép lẫn các đơn vị phát hành cần được đặt ra.

Hội đồng thẩm định không chỉ tuýt còi những phim có vấn đề, vi phạm các quy định pháp luật mà còn phải có trách nhiệm thẩm định, là "bộ lọc" liên quan đến chất lượng bộ phim trước khi cấp phép cho ra mắt công chúng. Các đơn vị phát hành cũng phải sàng lọc một cách khắt khe hơn trước khi cho phép một bộ phim trình chiếu trong hệ thống rạp của mình. Đó không chỉ vì uy tín của thương hiệu mà còn là trách nhiệm xã hội của một lĩnh vực kinh doanh rất đặc thù khi điện ảnh chính là văn hóa chứ không đơn thuần chỉ mang yếu tố giải trí.

Đầu tư sản xuất phim và đưa phim đến với đông đảo khán giả là mong muốn chính đáng của các nhà làm phim. Tuy nhiên, trong một thị trường ngày càng cạnh tranh và chuyên nghiệp, các bộ phim khi ra rạp để đến với công chúng ít nhất phải đạt được những chuẩn mực nhất định. Trước hết, đó phải là một tác phẩm điện ảnh. Và đã gọi là tác phẩm thì nó phải mang những giá trị về thẩm mỹ, văn hóa, tư tưởng nhất định, phải được lồng ghép những giá trị nhân văn, thông điệp tích cực về cuộc sống...

Để hướng đến một thị trường lành mạnh, ngày càng phát triển, nhất là không còn những bộ phim rác ra thị trường, không thể chỉ trông chờ vào việc "tẩy chay" từ khán giả. Đó phải là sự cộng hưởng trách nhiệm từ tất cả những mắt xích liên quan.

VĂN TUẤN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/manh-tay-voi-phim-kem-chat-luong-post766546.html