Mạnh tay với đùa dai

Đồng hành cùng lực lượng cảnh sát PCCC TP.HCM, PV Thanh Niên trong một ngày ghi nhận chỉ 1 trong 600 cuộc gọi đến tổng đài 114 là để báo cháy thực sự.

Ngoài một số cuộc gọi “đi lạc” do sai phân tuyến địa giới, phần lớn các cuộc gọi còn lại là “tào lao” và phá rối.

Có thể, không phải ngày nào, các tổng đài 114 cũng hứng chịu tỷ lệ cuộc gọi “tào lao” và phá rối nhiều như vậy, nhưng con số trên cũng quá đủ để chỉ rõ tình trạng quấy rối tổng đài 114. Và cũng như Thanh Niên đã phản ánh, “số phận” tổng đài 115 cũng không khác là bao. Không riêng gì tại TP.HCM, tình trạng này cũng gây ra thiệt hại không nhỏ về chi phí, ảnh hưởng quá trình xử lý các trường hợp khẩn cấp tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành. Kiểu “đùa dai” này cũng đã tồn tại nhiều năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa dứt.

Thực ra, đây cũng là tình trạng xảy ra tại nhiều nước chứ không riêng gì ở VN. Tuy nhiên, điểm khác biệt là có lẽ những kẻ gây rối tổng đài khẩn cấp ở VN bị nhờn thuốc, vì mức phạt xem ra chưa đủ thấm.

Ở nhiều nước, hình phạt dành cho những kẻ quấy rối như vậy thường rất nặng khi số tiền phạt rất khủng hoặc thậm chí phải vướng vòng lao lý. Điển hình như vài năm trước, tại bang Pennsylvania (Mỹ), một người đàn ông 52 tuổi trong một ngày đã gọi vài cuộc đến tổng đài 911 ở địa phương để báo mình cần hỗ trợ y tế khẩn cấp.

Thực tế, khi lực lượng hỗ trợ đến nơi thì người này đang say, và thừa nhận gọi chỉ để “tâm sự đỡ buồn”. Sau 3 lần đùa dai, kẻ quấy rối này bị tuyên phạt 75.000 USD (khoảng 1,7 tỉ đồng). So sánh để thấy, 75.000 USD tương đương với số tiền mà người có thu nhập khá tại Mỹ kiếm được trong một năm. Không có tiền phạt, người đàn ông trên phải “tâm sự đỡ buồn” sau song sắt nhà giam.

Tương tự, vài năm trước, một người đàn ông tại New Zealand bị nhà chức trách xử phạt tổng cộng đến 600.000 NZD (hơn 9 tỉ đồng) vì thành tích thường xuyên quấy phá tổng đài của lực lượng chữa cháy.

Tại VN, nhiều đại diện của lực lượng chức năng liên quan thừa nhận mức phạt “kịch khung” 5 triệu đồng cho hành vi quấy phá tổng đài khẩn cấp là quá thấp. Chính vì thế, việc nâng cao mức phạt là rất cần thiết để xử lý triệt để trò đùa trên.

Thêm vào đó, cơ quan chức năng cũng cần xem xét bổ sung quy định để xử lý hình sự đối với những đối tượng tái phạm nhiều lần. Chỉ khi phải trả giá bằng án tù hoặc số tiền cực lớn như ở nhiều nước, thì may ra những kẻ thích “chơi ngu lấy tiếng” mới từ bỏ trò quấy phá các tổng đài khẩn cấp.

Hoàng Đình

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/toi-viet/chao-buoi-sang/manh-tay-voi-dua-dai-1082168.html