Mạnh tay hơn với các DN nợ bảo hiểm xã hội

Trước tình trạng các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) gây bức xúc trong dư luận và đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và đời sống của người lao động, nhiều người lao động đang rất trông chờ vào ngày 1/1/2018 tới đây, khi Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực, đi vào áp dụng hình phạt nếu người sử dụng lao động trốn đóng BHXH sẽ bị phạt nặng, thậm chí có thể bị đi tù cao nhất là 7 năm.

Tỉ lệ người tham gia BHXH so với lực lượng lao động còn thấp. Ảnh: Hương Dịu.

Đã thu hồi được gần 600 tỷ đồng

Theo số liệu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, số tiền mà các doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm gần 12.000 tỷ đồng đang ảnh hưởng lớn đến đời sống và quyền lợi người lao động. Đặc biệt, còn khoảng gần 2.000 tỷ đồng nợ BHXH từ các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ doanh nghiệp bỏ trốn, không thể thu hồi, điều này đồng nghĩa với việc quyền lợi của hơn 193.000 người lao động cũng bị ảnh hưởng theo.

Tính từ tháng 1/2016 đến nay, tổng số tiền nợ BHXH thu hồi được là gần 600 tỷ đồng. Đáng chú ý, qua 2 năm thực hiện việc khởi kiện các doanh nghiệp nợ BHXH ra tòa án, các cấp Công đoàn đã tiếp nhận 2.705 bộ hồ sơ do cơ quan BHXH chuyển sang, đã gửi đơn kiện đến các cấp Tòa án 187 vụ doanh nghiệp nợ BHXH. Trong số đó, tòa án nhân dân các cấp đã hòa giải 28 vụ, tòa án nhân dân cấp tỉnh thụ lý 2 vụ, 48 vụ trả lại hồ sơ, số còn lại Tòa án không thụ lý giải quyết với nhiều lý do. Việc tòa án không thụ lý các vụ khởi kiện nợ BHXH đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người lao động, làm cho số nợ BHXH tiếp tục gia tăng.

Là một trong những địa phương có số nợ BHXH cao nhất cả nước, để chủ động thu hồi nợ BHXH, BHXH TP. Hà Nội đã xây dựng, triển khai các kế hoạch tổ chức đợt cao điểm đôn đốc, thu nợ BHXH, BHYT, BHTN; thành lập 10 Tổ công tác, có trách nhiệm giải đáp thắc mắc, tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp và người lao động về lĩnh vực BHXH, BHYT hàng tháng tại 10 khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố. Bên cạnh đó, BHXH TP. Hà Nội cũng công khai danh sách các doanh nghiệp nợ BHXH; thực hiện gửi văn bản đôn đốc thu nợ đến 184.069 đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH, thực hiện kiểm tra, thanh tra chuyên ngành tại 897 đơn vị với số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN là 494,5 tỷ đồng, thu hồi được 158,7 tỷ đồng (chiếm 32%).

Đồng thời, Cục Thuế Hà Nội cũng đã cung cấp cho BHXH Thành phố danh sách 13.473 đơn vị giải thể, ngừng hoạt động, tạm dừng hoạt động; 2.351 đơn vị có dấu hiệu vi phạm về trích nộp BHXH để cơ quan BHXH kiểm tra, thanh tra và có biện pháp giải quyết. Trong tháng 10, thông qua hệ thống thư điện tử, Cục Thuế Hà Nội đã gửi công văn đôn đốc thu, thu nợ BHXH, BHYT giúp cơ quan BHXH đến 120.480 DN và gửi thông báo nợ BHXH cho 10.919 DN nợ trên 3 tháng. UBND các quận, huyện, thị xã cũng đã ban hành các quyết định thanh tra, kiểm tra tại 465 đơn vị với số tiền nợ BHXH, BHYT lên tới 121 tỷ đồng, trong đó đã thu hồi được 49 tỷ đồng (bằng 40,48%).

Sẽ xử lý hình sự

Theo ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc BHXH TP. Hà Nội, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, tính đến hết tháng 10/2017, số nợ trên địa bàn giảm còn 2.963,2 tỷ đồng (không bao gồm số tiền nợ của các đơn vị đã giải thể, phá sản, ngừng giao dịch), bằng 8,9% số phải thu. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, ngành BHXH TP Hà Nội tiếp tục nỗ lực thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp, phấn đấu hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xuống dưới 5%.

Đặc biệt, hiện tình trạng doanh nghiệp chưa tham gia BHXH còn rất lớn, cả nước có khoảng gần 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng mới có hơn 235.000 doanh nghiệp đóng BHXH, đạt khoảng 47%. Tỉ lệ người tham gia BHXH so với lực lượng lao động còn thấp (24,09%). Vì vậy để đảm bảo và nâng cao hơn nữa quyền lợi của người lao động từ ngày 1/1/2018 tới đây, ngay khi có đầy đủ văn bản hướng dẫn, BHXH Việt Nam sẽ chuyển hồ sơ các doanh nghiệp cố tình nợ đọng, trốn đóng BHXH của người lao động sang cơ quan Cảnh sát điều tra để xử lý hình sự.

Theo đó, người sử dụng lao động gian dối, dùng thủ đoạn để không đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm tai nạn cho người lao động hoặc đóng không đầy đủ từ 6 tháng trở lên, ngoài việc bị phạt hành chính sẽ còn bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.

Luật mới cũng quy định phạt tiền từ 200 - 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng năm đến 3 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp như sau: Phạm tội 2 lần trở lên; trốn đóng bảo hiểm từ 300 triệu đến 1 tỷ đồng; trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người; không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động; nếu pháp nhân phạm tội thì bị phạt tiền từ 500 triệu đến dưới 1 tỷ đồng. Phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 2 - 7 năm nếu phạm tội thuộc các trường hợp sau: Trốn đóng bảo hiểm 1 tỷ trở lên; trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên; không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động…

Với khung hình phạt tăng nặng, tình trạng trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN nhiều năm nay sẽ sớm được khắc phục, đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, bảo vệ các quan hệ pháp luật.

Tuấn Phong

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/manh-tay-hon-voi-cac-dn-no-bao-hiem-xa-hoi.aspx