Mạnh tay dẹp 'giang hồ mạng'

Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đề nghị nhà cung cấp dịch vụ YouTube khóa các kênh giang hồ mạng trên YouTube như kiểu của Khá Bảnh

Trưa 3-4, kênh YouTube của Khá Bảnh đã biến mất trên YouTube. Kênh YouTube của Khá Bảnh trước khi bị khóa có 1,99 triệu người đăng ký và hơn 400 video được đăng tải.

Phải xử lý các đối tác địa phương

Đến trưa 4-4, tới lượt kênh YouTube của một "giang hồ mạng" khác là Dương Minh Tuyền cũng đã bị YouTube khóa đi kèm thông báo do "vi phạm nhiều lần hoặc vi phạm nghiêm trọng chính sách của YouTube về bạo lực".

Theo các chuyên gia công nghệ, với động thái mạnh này thì trong thời gian tới, YouTube có thể tiếp tục khóa các kênh "giang hồ mạng" khác. Đây được xem là động thái cứng rắn hiếm hoi của YouTube sau một thời gian dài để cho các kênh này lộng hành khiến cộng đồng bức xúc.

Sự bùng nổ của những kênh YouTube như Khá Bảnh, Huấn Hoa Hồng, Dương Minh Tuyền, Ngân Trọc… bắt nguồn từ các đối tác địa phương của YouTube. Các đối tác này hợp tác với YouTube dưới hình thức Mạng đa kênh (MCN). Đây là các nhà cung cấp dịch vụ của bên thứ ba liên kết với nhiều kênh YouTube để cung cấp dịch vụ, có thể bao gồm cả tăng lượng người xem, dựng chương trình nội dung, cộng tác với người sáng tạo, quản lý quyền kỹ thuật số, kiếm tiền và/hoặc bán hàng. Các MCN này kiểm soát các kênh địa phương về nội dung, kiếm tiền, quảng cáo… Vì lợi nhuận nên các MCN này đã làm ngơ với các "giang hồ mạng".

Những vụ việc trên cũng cho thấy trách nhiệm của YouTube. Cách đây 2-3 năm, ngay từ khi đăng tải những video đầu tiên, nội dung trên các clip của Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền thực tế đã vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục, chuẩn mực ứng xử xã hội. Không những thế, YouTube còn khuyến khích các "giang hồ mạng" bằng cách trao tặng nút vàng, nút bạc cho các kênh này. Do đó, YouTube phải thay đổi chính sách vì cộng đồng sao cho chặt chẽ hơn, phù hợp với pháp luật và thuần phong mỹ tục của Việt Nam để không bị lọt các clip tục tĩu, bạo lực, quảng cáo cờ bạc, cổ vũ sử dụng chất kích thích... như thời gian qua.

Một số video trên YouTube có nội dung bạo lực, giang hôÀ̉nh: HOÀNG TRIỀU

Một số video trên YouTube có nội dung bạo lực, giang hôÀ̉nh: HOÀNG TRIỀU

Nước ngoài mạnh tay với YouTube

Quốc hội Úc hôm 4-4 thông qua Đạo luật chia sẻ nội dung bạo lực ghê rợn (SAVM) nhằm ngăn chặn video bạo lực trên mạng xã hội. Theo đó, các công ty mạng xã hội hoạt động tại Úc sẽ bị phạt 10% doanh thu toàn cầu hằng năm và giám đốc điều hành của họ sẽ bị phạt 3 năm tù giam nếu các công ty này không khẩn trương xóa những nội dung bạo lực ghê rợn.

Theo kênh Al Jazeera, đây là một động thái phản ứng đối với vụ việc liên quan đến công dân Úc Brenton Tarrant, nghi phạm xả súng tại 2 nhà thờ Hồi giáo ở TP Christchurch - New Zealand khiến 50 người thiệt mạng vào ngày 15-3. Quá trình gây án được y quay trực tiếp (livestream) trên mạng xã hội Facebook và đoạn video này sau đó được phát tán rộng rãi, kể cả trên những trang mạng xã hội khác như YouTube và Twitter.

"Chúng ta phải cùng hành động để bảo đảm rằng thủ phạm và đồng phạm của chúng không thể sử dụng các nền tảng trực tuyến để truyền bá nội dung bạo lực và cực đoan. Những nền tảng này không thể trở thành vũ khí của cái ác" - Bộ trưởng Tư pháp Úc Christian Porter tuyên bố trước Quốc hội trong lúc đệ trình luật.

Trước đó, vào tháng 5-2018, YouTube đã xóa hơn 30 video ca nhạc bị Cảnh sát đô thị Anh (BMP) xem là "nguyên nhân khiến tình trạng bạo lực đường phố gia tăng ở London". Giới chức London khẳng định những video ca nhạc này dường như cổ xúy bạo lực đường phố khi nói về sự đối đầu của các băng đảng.

Cần hình mẫu tích cực, sống đẹp

ThS Trần Xuân Tiến, giảng viên Khoa Khoa học xã hội và nhân văn - Trường ĐH Văn Hiến, lý giải: Nhu cầu phản biện ở người trẻ thường bộc lộ một cách mạnh mẽ, đôi khi thiếu chừng mực. Một số bạn trẻ có xu hướng từ chối những tư tưởng, định hướng mà gia đình, nhà trường và xã hội đề ra. Thế nên, khi một nhân vật trẻ tuổi "mạnh dạn", "anh dũng" phát ngôn và hành động theo cách "độc, lạ" xuất hiện là các bạn trẻ sẵn lòng tung hô.

Ngoài ra, tâm lý đám đông phần nào tác động đến người trẻ trong việc chọn lựa hình mẫu thần tượng. Vì vậy, chúng ta cần những hình mẫu người trẻ tích cực, truyền cảm hứng sống đẹp để các bạn cùng trang lứa noi theo.

D.Lâm

Chánh Trung - Cao Lực

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/manh-tay-dep-giang-ho-mang-20190404215406073.htm