'Mánh khóe vàng' mộ tặc sử dụng để 'đánh hơi' kho báu trong mộ cổ: Gói gọn trong 4 chữ

Thủ thuật của mộ tặc Trung Quốc có thể tóm gọn trong 4 từ. Đó là gì.

Hành vi trộm cắp cổ vật, đồ tùy táng trong các lăng mộ Trung Quốc, đặc biệt là các lăng hoàng gia vốn chôn theo nhiều báu vật giá trị, đã xuất hiện từ thời cổ xưa.

Ngành khảo cổ tại Trung Quốc mới xuất hiện cách đây chưa lâu nhưng mỗi khu mộ táng mà họ tìm thấy dấu chân đi trước của những tên trộm.

Đặc biệt với những lăng mộ dưới triều đại nhà Hán (202 TCN - 220), thời điểm cực thịnh của phong tục bồi táng, các nhà khảo cổ luôn phải thốt lên ngao ngán "có mười mộthì chín mộ trống không".

Xẻng Lạc Dương

Ngày nay, với sự giúp sức của khoa học hiện đại, giới khảo cổ vẫn gặp nhiều khó khăn khi truy tìm tung tích những di chỉ khảo cổ, vậy làm cách nào mà những kẻ mộ tặc cổ đại có thể định vị chính xác vị trí các lăng mộ?

Trước thời nhà Minh (1368 - 1644), những kẻ trộm mộ không có quá nhiều kinh nghiệm và lựa chọn về công cụ "hành nghề". Mộ tặc chỉ nhắm tới những ngôi mộ có dấu hiệu nhận biết rõ ràng trên mặt đất như một tấm bia mộ hay màu sắc đất chôn.

Chúng thường dùng một cái dùi sắt dài để thăm dò lớp đất. Khi rút dùi lên, nếu đất trên dùi có mùi kim loại thì có nghĩa là dưới đất có kho báu.

Cuốn sách cổ "Quảng Chí Dịch" của Vương Sĩ Tính dưới thời nhà Minh có ghi chép: "Ở vùng Lạc Dương, người chết được chôn cách mặt đất 4-5 trượng, mộ tặc vẫn đánh hơi được mùi vàng, bạc, đồng, sắt để mà đào."

Hình hài bảo vật của giới mộ tặc - xẻng Lạc Dương. (Ảnh: Sohu)

Hình hài bảo vật của giới mộ tặc - xẻng Lạc Dương. (Ảnh: Sohu)

Một thời gian sau, những tên trộm mộ đã phát minh ra một công cụ thăm dò có hiệu quả vượt bậc, đó chính là xẻng Lạc Dương. Công cụ này được một tên mộ tặc ở Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc phát minh vào đầu thế kỷ 20 và dần được cải tiến cho các thế hệ sau.

Xẻng có mặt hình chữ U (không phẳng như mặt xẻng hiện đại), chiều rộng hẹp để tập trung đào sâu vào một điểm nhất định. Mỗi lần xúc xuống đất, lưỡi xẻng có thể chạm độ sâu 30 - 40cm.

Xẻng Lạc Dương vừa có thể đào sâu, vừa có chức năng lấy mẫu đất để phân tích nên tới năm 1928, các nhà khảo cổ đã lần đầu tận dụng công cụ này cho công tác khai quật lăng mộ.

Bộ tứ kỹ năng mộ tặc

Qua nhiều năm, tay nghề của những kẻ mộ tặc ngày càng nâng cao với nhiều kỹ năng và công cụ sáng tạo hơn. Thông qua quá trình tìm hiểu sử sách và khai quật tại thực địa, nhà nghiên cứu người Hồ Nam, Lưu Hồng Phu, đã giúp làm sáng tỏ những mánh khóe tinh vi trong giới mộ tặc suốt hàng nghìn năm qua. Ông cho biết:

Thủ thuật trong giới trộm mộ có thể tóm gọn trong 4 từ: "xem, ngửi, hỏi và bắt."

XEM ở đây có nghĩa là xem phong thủy. Có thể bạn chưa biết, nhưng những tên mộ tặc cổ đại thường là bậc thầy về phong thủy.

Mối liên hệ giữa trộm mộ và phong thủy nằm ở chỗ những ngôi mộ lớn (thường là của các bậc vua chúa, quý tộc) luôn được nghiên cứu kỹ càng về địa thế để chủ mộ được an tâm yên nghỉ và để lại phúc phần cho con cháu đời sau.

Ví dụ như vị trí Càn Lăng của Võ Tắc Thiên nằm ở đỉnh núi Lương Sơn - nơi được coi là "thánh địa long mạch" với 2 dòng sông ôm lấy núi non, tạo thành bức tường bằng nước; hay Thập Tam Lăng của các hoàng đế nhà Minh tọa lạc tại một thung lũng yên tĩnh ở chân núi Thiên Thọ.

Dãy Lương Sơn đặt Càn Lăng được gọi là "thánh địa long mạch" ngàn năm có một. (Ảnh: Tuxing Tianxia)

Kẻ trộm sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng các loại sách phong thủy để tìm đến những nơi có vị trí đắc địa, với hy vọng phát hiện một lăng mộ giá trị.

Một câu truyện lưu truyền ở tỉnh Hồ Nam kể rằng, vào thời Trung Hoa Dân Quốc, có tên trộm mộ họ Thái kia rất giỏi về phong thủy.

Một lần hắn ta đi thăm họ hàng ở huyện Ninh Hương, đi bộ đến một nơi có phong cảnh hữu tình, hắn chỉ vào một cánh đồng lúa và nói với người bạn đi cùng: "Dưới cánh đồng này có một ngôi mộ và những kho báu trong ngôi mộ sẽ làm cho chúng ta giàu có."

Những người đi cùng không ai tin, họ Thái mới cất lời thách thức: Nếu dưới đất không có mộ, hắn sẽ mất một khoản tiền lớn còn nếu có mộ bên dưới, 70% kho báu sẽ thuộc về hắn ta. Mọi người thấy lời cá cược như vậy là quá hời nên đã nhờ hàng chục người dân làng khai quật khu đất trong đêm.

Quả nhiên, bên dưới cánh đồng có một ngôi mộ gạch, bên trong còn chôn theo rất nhiều vàng, kiếm ngọc, đỉnh ngọc, đồ sơn dầu... giúp chúng giàu lên nhanh chóng.

Ngoài xem phong thủy, những kẻ mộ tặc còn học nằm lòng một mánh khóe gọi là xem đất. Đất được phân ra làm ba loại: Đất chín, đất sống (hay còn gọi là đất hoa) và đất chết.

Xác định loại đất sẽ giúp mộ tặc khoanh vùng vị trí cổ mộ. (Ảnh: Sina)

Trong đó, đất chết là loại đất thô tự nhiên chưa từng bị xáo trộn nên cấu trúc chắc chắn ổn định, màu sắc đồng nhất; đất sống lại là đất đã bị đào trộn bởi con người nên kết cấu lỏng hơn còn đất chín là thứ đất được hấp chín hoặc xào qua lửa để tránh có dại mọc.

Đất chín không dễ thấm hút nước, khi phơi nắng lại khô rất nhanh, vì vậy sau khi trời mưa, mộ tặc thường đi kiểm tra độ ẩm của vùng đất xung quanh, nơi khô ráo đầu tiên rất có thể là vị trí mộ cổ. Những vùng đất có lăng tẩm cũng thường ít cỏ dại, cây cối dễ bị khô héo hơn.

Lăng Tần Công số 1 đuợc khai quật năm 1975 cũng được tìm thấy theo cách này. Trước đây, vị trí lăng vốn là khu đất trồng trọt nhưng thu hoạch hoa trái của người dân năm nào cũng nghèo nàn, chẳng được bao nhiêu. Kể cả khi dân làng quyết định bỏ hoang khu đất, cỏ dại cũng không mọc lên nhiều.

Sau này một nhà khảo cổ học tình cờ nghe dân làng nhắc đến chuyện kỳ lạ đã phán đoán về sự tồn tại của cổ mộ bên dưới lòng đất và khai quật lên cả một lăng mộ khổng lồ.

Ngoài những kỹ thuật trên, việc tìm thấy mùn cưa, than hay chu sa khi đào đất cũng là dấu hiệu khá rõ ràng của một địa điểm mai táng.

NGỬI là một thủ thuật đặc biệt khác trong giới mộ tặc. Những tên trộm giỏi thường có khứu giác cực kỳ nhạy bén. Trước khi đào, mộ tặc sẽ lấy một nắm đất ngửi thử, những nơi đặt mộ thường có mùi đất sét trắng.

Những tên mộ tặc cao tay hơn còn có thể ngửi mùi đất để phán đoán xem ngôi mộ phía dưới đã từng bị đào trộm hay chưa. (Ảnh: DP)

Chuyện kể rằng có một huyền thoại trong giới trộm mộ được biết đến với khả năng phân biệt mùi rất giỏi, chỉ cần ngửi qua là hắn có thể biết được cổ vật thuộc thời Hán hay thời Đường.

Một mộ tặc mới vào nghề đã đem theo vài món đồ sơn mài đến bán cho hắn để kiếm lời, nói rằng cổ vật được lấy cắp từ lăng mộ một vương hầu. Hắn nhặt một mảnh cổ vật lên, đưa lên mũi ngửi trong khi vẫn đang hút thuốc.

Nhìn vào tên trộm mộ trẻ tuổi, hắn cười khẩy: "Anh bạn à, món sơn mài của anh chắc là ngâm trong hố nước tiểu rồi, thời gian thì chỉ mới được có 7 tháng." Người kia nghe vậy sắc mặt thất thần, luôn miệng nói: "Đắc tội rồi, đắc tội rồi!"

HỎI là bước tiếp theo. Những tên trộm cao tay thường giả làm thầy phong thủy hoặc một nhà nghiên cứu, lang thang đi khắp nơi và đặc biệt chú ý đến những danh lam thắng cảnh nơi từng có nhiều quý tộc, tướng lĩnh sinh sống.

Những tên mộ tặc đặc biệt ăn nói rất giỏi, thường thích lân la nói chuyện lịch sử với những người già trong vùng rồi từ từ chuyển hướng sang chuyện những ngôi mộ cổ. Nhìn chung, muốn biết thông tin về mộ thì đều phải có tài ăn nói, lấy được lòng tin của đối phương.

Khi vị trí chính xác của ngôi mộ được phát hiện, một nhóm trộm sẽ ngay lập tức được huy động đến để khai quật trong đêm, thuận lợi nhất là khi trời nhiều gió.

BẮT là một thủ thuật đặc biệt, có thể hiểu theo 2 tầng nghĩa.

Tầng nghĩa thứ nhất là chỉ việc sau khi định vị mộ cổ, mộ tặc phải tìm được cách đào hố để mở ra con đường ngắn nhất vào trong. Kỹ thuật này không chỉ đòi hỏi kinh nghiệm phong phú mà còn cần có đầu óc linh hoạt, nhạy bén.

Mộ tặc sẽ không bỏ lại bất kỳ món bảo vật nào, kể cả khi nó nằm... trong miệng chủ mộ. (Ảnh: National Geographic)

Những kẻ trộm khôn khéo thường dựa theo hướng của địa hình để "bắt mạch" vị trí của quan tài. Mộ tặc từ đó đào một hố thẳng từ mặt đất đến đầu và đuôi quan tài. Lăng mộ vị tướng Tăng Quốc Phiên đã từng bị đánh cắp theo cách này.

Tầng nghĩa thứ hai đề cập đến việc kẻ trộm khi đã trèo được vào trong cần phải khéo léo "bắt mạch" cho chủ mộ. Từ đầu đến chân chủ mộ đều phải khám xét kỹ càng để không lấy thiếu món bảo vật nào.

Nghe sấm đoán mộ

Cuốn "Thanh bái loại sao" của tác giả Xuke có hé lộ thêm một tuyệt chiêu trộm mộ như sau: Có kẻ mộ tặc người Quảng Châu, tên họ là Tiêu Tứ. Tên này không những làm nghề mà còn thu nạp nhiều đệ tử và dạy loại đủ loại tuyệt kỹ như xem đất, nghe gió, nghe mưa. nghe sấm... Ít khi nào sai lầm.

Một ngày họ, Tiêu Tứ đi cùng các đệ tử ra ngoại ô phía bắc, lúc này trời nổi cơn dông bão. Một tiếng sấm đùng đoàng đánh xuống. Bỗng nhiên, dưới mặt đất cũng có tiếng nổ vang vọng tương ứng.

Những lăng mộ vua chúa, quý tộc thường có kích thước rất lớn, như những cung điện ngầm dưới lòng đất. (Ảnh: Live Science)

Tiêu Tứ bỗng đứng sững lại, quay ra nói với mọi người xung quanh: "Đây là một điềm tốt!". Sau khi trời ngưng bão, Tiêu Tứ nhanh chóng cho người đến đào tại một điểm thì đúng là tìm ra lăng mộ.

Thực tế, có một lý do khoa học cho điều này. Khi sấm sét phát ra âm thanh lớn, những khoảng rỗng dưới lòng đất sẽ tạo ra tiếng vang tương ứng, nghe như âm thanh vọng lại tiếng sấm. Các nhà khảo cổ sau này đều phải công nhận Tiêu Tứ là một tên trộm bậc thầy.

Ngoài việc thuần thục kỹ năng phân biệt màu sắc, mùi hương và hiểu biết về các hiện tượng tự nhiên, những kẻ mộ tặc còn phải khéo léo đào những cái hố sâu hàng trăm mét mà vẫn gọn gàng không để lộ một gò đất nào.

Những kỹ thuật siêu phàm như vậy quả thật người thường khó có thể chạm tới được.

Theo TAMMY/Pháp luật & Bạn đọc

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/-manh-khoe-vang-mo-tac-su-dung-de-danh-hoi-kho-bau-trong-mo-co-goi-gon-trong-4-chu/20201116091421955