Mánh khóe 'né' cơ quan chức năng của 'cát tặc'

Các đối tượng hoạt động khai thác cát trái phép rất tinh vi, thời điểm thực hiện hút trộm cát thường vào ban đêm, rạng sáng, vào các ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ. Thậm chí, nhiều đối tượng còn thuê người theo dõi, trang bị xuồng máy 'vệ tinh', khi phát hiện lực lượng chức năng sẽ báo tin, ngay lập tức việc hút trộm cát sẽ tạm dừng để 'đối phó'.

Nhiều giải pháp quyết liệt

Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, nhu cầu về vật liệu xây dựng ngày càng lớn, những mỏ cát được cấp phép đang dần cạn kiệt. Chính vì vậy, rất nhiều kẻ hám lợi đã mở rộng địa bàn khai thác cát, dùng máy móc hiện đại với phương thức khai thác bất chấp hậu quả, ngang nhiên vi phạm pháp luật.

Hoạt động khai thác cát trái phép, sai phép không chỉ gây thất thoát tài nguyên khoáng sản, ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự, mà còn là nguyên nhân chính gây sạt lở đất, đe dọa an toàn công trình đê điều, phòng chống lũ lụt...

Hậu quả rõ ràng nhất là vào cuối tháng 8 vừa qua, nhiều đoạn đê hữu Hồng, thuộc địa bàn các huyện Ba Vì, Phú Xuyên, Thường Tín, Phúc Thọ, thị xã Sơn Tây (đều của Hà Nội)… bị sạt lở bờ, bãi sông, hư hại công trình đê điều gây bức xúc nhân dân…

Thời gian qua, CA TP.Hà Nội cũng như Phòng phòng Cảnh sát đường thủy (PC68) đã ban hành nhiều kế hoạch, thực hiện nhiều biện pháp để phòng, chống nạn “cát tặc”.

Điển hình, CA TP.Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 120 (ngày 9/5), Phòng PC68 cũng có kế hoạch số 258 (ngày 10/5) về tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn các tuyến sông thuộc địa bàn TP Hà Nội; phương án số 222 (ngày 23/8) về phối hợp giữa các lực lượng liên quan trong việc phát hiện, bắt giữ các trường hợp khai thác cát trái phép.

Thực hiện các kế hoạch này, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tá Đào Thanh Hải - Phó Giám đốc CA TP.Hà Nội, rạng sáng ngày 3/11 vừa qua, Phòng PC68 phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành tuần tra, mật phục và đã bắt giữ được 15 tàu khai thác cát trái phép trên sông Hồng, đoạn thuộc địa bàn huyện Đan Phượng và quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Lực lượng tham gia cuộc vây bắt ngoài Phòng PC68 còn có Phòng PV11, Công an các quận, huyện, Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) và lực lượng cơ động mạnh là Phòng PK20E. Tổ công tác liên quân được trang bị đầy đủ phương tiện, công cụ hỗ trợ, bất ngờ ập tới, bắt giữ các tàu khai thác cát trái phép. Sự xuất hiện bất ngờ, nhanh chóng của lực lượng công an đã khiến các chủ tàu chuyền không kịp trở tay, bị khống chế tại trận.

Theo đó, khoảng 1h00 ngày 3/11, tại Km201 sông Hồng (thuộc địa bàn phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm), tổ công tác Đội Tuần tra kiểm soát (TTKS) số 2, Thủy đoàn 1, Cục Cảnh sát Giao thông phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ CA TP.Hà Nội và CAQ Bắc Từ Liêm phát hiện, bắt quả tang 7 phương tiện thủy đang thực hiện hành vi khai thác cát trái phép.

Trong số 7 phương tiện này có 4 tàu hút sang mạn do các đối tượng cùng ở xã Nghĩa Phong, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định điều khiển, 3 tàu chở hàng. Cùng thời điểm trên, Đội TTKS số 1, Phòng PC68 phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường, Công an huyện Đan Phượng và các đơn vị chức năng của CA TP.Hà Nội cũng đã phát hiện, bắt giữ 8 phương tiện gồm các tàu hút cát sang mạn tự chế và tàu chở hàng.

Trong đó, tại Km204+200 thuộc địa phận xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, tổ công tác bắt giữ một tàu hút cát sang mạn tự chế, không biển số. Tại Km 204+400 cùng địa điểm trên, tổ công tác tiếp tục bắt giữ 2 tàu hút cát sang mạn không đăng ký biển số.

Thượng tá Nguyễn Ngọc Cương, Phó trưởng (PC68, CA TP.Hà Nội) cho biết, hiện 15 tàu khai thác cát trái phép bị các lực lượng chắc năng bắt giữ ngày 3/11 vừa qua đã được đưa về Cảng Hồng Vân (ở Thường Tín, Hà Nội) và bãi tập kết phương tiện vi phạm tại Tây Sơn (Hà Nội) để xử lý theo thẩm quyền.

Trước đó, hàng loạt vụ “cát tặc” trên địa bàn TP Hà Nội cũng đã bị cơ quan chức năng bắt giữ. Điển hình như vào ngày 3/5, Phòng PC68 phối hợp với Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường và CAH Gia Lâm tuần tra bắt giữ 1 tàu vỏ sắt đang hút trộm cát trái phép dưới lòng sông (đoạn thuộc địa bàn xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm).

Riêng 10 tháng đầu năm 2016, Công an thành phố đã bắt giữ 151 vụ, với 191 đối tượng, phạt vi phạm hành chính 2,8 tỷ đồng, tịch thu gần 300 đầu nổ, sên vòi hút cát…

Trong thời gian tới, Phòng PC68 và các đơn vị nghiệp vụ của CA TP.Hà Nội tiếp tục phát huy hiệu quả của công tác tuần tra, mật phục để phát hiện vi phạm pháp luật trên lĩnh vực này.

Ranh ma như “cát tặc”

Trao đổi với phóng viên, Thượng tá Nguyễn Văn Cương, Phó Trưởng Phòng PC68 cho biết, hiện nay trên địa bàn TP.Hà Nội có 12 công ty, doanh nghiệp được cấp phép khai thác bãi nổi và 13 công ty, doanh nghiệp được Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) chấp thuận thực hiện dự án nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa, kết hợp tận thu sản phẩm. Hà Nội còn chung dòng sông với các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hưng Yên. Các tỉnh này đã cấp phép cho 16 doanh nghiệp hoạt động ở địa bàn giáp ranh với Hà Nội.

Thượng tá Nguyễn Văn Cương, Phó Trưởng phòng PC 68 Công an TP Hà Nội

Thượng tá Nguyễn Văn Cương, Phó Trưởng phòng PC 68 Công an TP Hà Nội

Tuy nhiên, qua kiểm tra sơ bộ, riêng đối với 13 công ty, doanh nghiệp được Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chấp thuận cho thực hiện dự án nạo vét luồng lạch, kết hợp tận thu sản phẩm thì có 8 đơn vị đủ các giấy tờ cần thiết, còn nếu tính hoàn thiện các thủ tục pháp lý đúng theo quy định thì chỉ có khoảng 50% tổng số doanh nghiệp trên.

Đặc biệt, nổi lên một số vấn đề gây mất ổn định trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội. Trong đó, nhiều doanh nghiệp “quên” thông báo kế hoạch triển khai dự án; phương tiện không có đầy đủ giấy tờ về an toàn kỹ thuật; phương tiện không đúng chủng loại, số lượng phương tiện thi công nhiều hơn số lượng phương tiện được cho phép; thi công cả vào ban đêm gây phức tạp tình hình…

Theo quy định, thời gian hoạt động khai thác bãi nổi hoặc nạo vét đường thủy được thực thiện từ ngày 15/10 năm trước đến 15/6 năm sau. Sau ngày 15/10 vừa qua, từ công tác tuần tra kiểm soát cho thấy, tình trạng hoạt động khai thác khoáng sản, nạo vét luồng lạch diễn ra ồ ạt trên tuyến sông Hồng, sông Đuống.

“Chúng tôi dự báo rằng, tình trạng này sắp tới có thể sẽ có diễn biến phức tạp hơn so với những tháng mùa lũ vừa qua. Bởi trong mùa mưa lũ, nước sông dâng cao, phương tiện có khai thác thì cũng hoạt động khó khăn hơn. Còn hiện nay đang là mùa nước cạn, hiện mực nước sông Hồng đã hạ thấp hơn 1,9m so với cùng kỳ năm ngoái. Khi nước sông hạ thấp thì các phương tiện khai thác hoạt động dễ dàng hơn. Đặc biệt, hiện đã hết mùa lũ, các doanh nghiệp được cấp phép nạo vét luồng, tận thu sản phẩm trên sông đã đi vào hoạt động”, Thượng tá Nguyễn Văn Cương cho hay.

Cũng theo ông Cương, thời điểm này thường xảy ra tình trạng nhiều tàu thuyền tự chế của tư nhân lợi dụng, bám theo phương tiện của các doanh nghiệp có phép để tiến hành khai thác cát trái phép. Không loại trừ trường hợp, ngay cả các doanh nghiệp có phép cũng lợi dụng đưa các tàu tự chế khác để hút cát.

Những năm qua, nhiều trường hợp vi phạm đã được Phòng PC68 chuyển Phòng CSĐT Tội phạm về kinh tế và quản lý chức vụ (PC46) khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các đối tượng liên quan. Tuy nhiên, có thể thấy, lợi nhuận từ việc khai thác cát trái phép quá lớn nên dù bị kiểm tra, xử lý gắt gao, các đối tượng “cát tặc” luôn tìm mọi thủ đoạn để đối phó, tiếp diễn vi phạm.

Các đối tượng hoạt động khai thác cát trái phép rất tinh vi, thời điểm thực hiện hút trộm cát vào ban đêm, rạng sáng; thường lợi dụng vào các ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ để tổ chức bơm hút cát trái phép. Thậm chí có đối tượng còn thuê người theo dõi, trang bị xuồng máy “vệ tinh”, khi phát hiện lực lượng chức năng sẽ báo tin và việc hút trộm cát sẽ tạm dừng.

Để tránh việc kiểm tra của cơ quan chức năng, nhiều chủ cát làm việc rất cơ động. Họ không cho hút lên tàu rồi chuyển về bãi tập kết như trước đây. Khi có hợp đồng họ mới cho tàu đi hút, chứ không tích trữ như ngày trước. Các ông chủ sẽ cho tàu hút, sau đó xe chở đến tận công trình thi công luôn. Khối lượng bao nhiều thì hút từng đó, tuyệt đối không hút thừa.

Nhiều tàu sau khi bị cơ quan bắt giữ đều được các đối tượng vận hành khai nhận là của cá nhân nên khó xử lý triệt để. Chưa kể nhiều chủ phương tiện sẵn sàng “bỏ của chạy lấy người”, di chuyển sang địa bàn giáp ranh… Đáng chú ý, nhiều đối tượng còn đem theo vợ con lên tàu. Không ít trường hợp, vợ của các đối tượng còn ôm con đứng trên mũi tàu dọa nhảy sông tự tử khi lực lượng chức năng vây bắt các tàu vi phạm.

Bên cạnh đó, tình trạng nhập nhèm vị trí, mốc giới được phép khai thác, nạo vét vẫn diễn ra, thậm chí có những trường hợp tranh chấp địa bàn làm ảnh hưởng tới an ninh trật tự.

“Trường hợp nào chuyên tổ chức khai thác cát trái phép, hay có các đối tượng đầu gấu, xã hội đen bảo kê, khống chế, gây áp lực với chính quyền địa phương để hoạt động thì chúng tôi cũng có biện pháp nghiệp vụ riêng của mình nhằm nắm bắt được. Nếu có đủ căn cứ, cơ sở, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm các trường hợp đó. Thực tế trước đây, đã có nhiều vụ việc, các đối tượng bị xử lý hình sự”, Thượng tá Cương khẳng định.

Sẽ xử lý nghiêm

Do đặc thù công việc, cán bộ, chiến sĩ Phòng PC68 thường xuyên phải thức trắng đêm để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, do hoạt động trên đường thủy nên việc ăn uống cũng gặp nhiều khó khăn, anh em thường phải ăn mỳ tôm hoặc bánh mỳ, nhưng tất cả đều sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có yêu cầu.

Tuy nhiên, theo Thượng tá Nguyễn Văn Cương, lượng cảnh sát đường thủy còn mỏng, lại quản lý tuyến sông dài. Bởi vậy, chỉ mình cảnh sát đường thủy là không đủ, mà cần phải có sự phối hợp của nhiều lực lượng quản lý liên quan thì công tác phát hiện, xử lý mới có hiệu quả.

Hiện Phòng PC68 đã tham mưu tới CATP Hà Nội và các ban ngành chức năng mở lớp học điều khiển xuồng máy, đồng thời cấp xuồng máy cho các quận, huyện. Sắp tới, lực lượng các quận huyện sẽ phối hợp cùng Phòng PC68 để phát hiện, bắt giữ phương tiện khai thác cát trái phép, sai phép.

Riêng với trường hợp các tàu tư nhân tự chế, hiện Phòng PC68 nắm được có khoảng 122 tàu thuyền loại này, tập trung chủ yếu ở quận Bắc Từ Liêm và huyện Đan Phượng. Lãnh đạo PC68 đề xuất các cơ quan có thẩm quyền phải kiểm tra các cơ sở sản xuất ra các loại tàu này. Nếu phát hiện cơ sở sai phạm, phương tiện không đủ tiêu chuẩn thì phải xử lý nghiêm.

“Ngoài phương tiện khai thác cát trái phép sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, đối với những phương tiện, pháp nhân cố tình vi phạm hợp đồng nạo vét, duy tu lòng sông đã được cấp phép, sẽ xác định rõ vi phạm, từ đó kiến nghị cơ quan có thẩm quyền biện pháp xử lý triệt để, thậm chí cần thu hồi giấy phép, hợp đồng”, Thượng tá Cương nhấn mạnh.

Thượng tá Phùng Quang Hiển, Phó Trưởng PC49, CA TP.Hà Nội cho biết, trong công tác đấu tranh với các đối tượng có hành vi khai thác cát trái phép, lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn.

Nguyên nhân là do TP.Hà Nội và tỉnh Phú Thọ, Hưng Yên, Vĩnh Phúc còn nhiều đoạn sông chưa phân định rõ ràng về địa giới hành chính. Có địa phương cấp phép cho doanh nghiệp khai thác cát vào địa giới hành chính TP.Hà Nội. Thậm chí doanh nghiệp, hộ gia đình cũng lợi dụng giấy phép được cấp ở địa phương khác tổ chức khai thác lấn vào địa giới Hà Nội… Kiểm tra phương tiện khai thác cát vùng giáp ranh, lực lượng công an không thể lập biên bản ngay lập tức vì thiếu thiết bị xác định địa giới.

Nhằm đấu tranh hiệu quả với các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình lợi dụng giấy phép, thực hiện dự án để khai thác khoáng sản trái phép trên các tuyến sông thuộc địa bàn thành phố và khu vực giáp ranh các tỉnh lân cận, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã sử dụng kinh phí từ nguồn thu sự nghiệp của Quỹ Bảo vệ môi trường đầu tư thiết bị định vị cầm tay cung cấp cho CA TP.Hà Nội.

Theo Thượng tá Phùng Quang Hiển, đây là những thiết bị hỗ trợ rất hữu ích cho lực lượng Công an thành phố trong việc đấu tranh phòng ngừa, xử lý hành vi khai thác cát trái phép, sai phép trên tuyến sông Hồng, sông Đáy, sông Đuống… Việc trang bị thiết bị hỗ trợ không chỉ giúp lực lượng Công an thành phố xác định chính xác vị trí, ranh giới làm căn cứ xử lý doanh nghiệp, hộ gia đình vi phạm, nâng cao hiệu quả công tác mà còn cho thấy sự quan tâm, tập trung chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc tăng cường quản lý, khai thác cát sỏi lòng sông, bảo vệ môi trường…

Trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội mới đây, đại biểu Ngọ Duy Hiểu, Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội cho rằng, đáng quan tâm hiện nay là tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra phổ biến ở hầu hết các dòng sông trên phạm vi cả nước. Có hàng ngàn tàu hút cát ngang nhiên cày xới các dòng sông. Trên bờ là hàng loạt xe tải không che chắn nườm nượp, quá trọng tải, nối đuôi nhau chạy trên các triền đê tạo bão cát gây ô nhiễm môi trường.

Theo tính toán của vị đại biểu Quốc hội Đoàn Hà Nội, bình quân mỗi tàu khai thác 100m3 cát/giờ, nếu mỗi đêm họ khai thác 7-8 tiếng đồng hồ, cả nước đang có hàng ngàn tàu hút cát trái phép, thì lượng tài nguyên nhà nước thất thoát là không nhỏ. Cũng theo ông Ngọ Duy Hiểu, dưới đáy sông nơi diễn ra khai thác cát trái phép, là một “thế giới ngầm” đầy bạo lực, vũ khí nóng, thu hút các đối tượng nhiều tiền án, tiền sự tham gia, ẩn chứa nhiều vấn đề về an ninh trật tự, khó lường.

Thu Hồng – Thu Hương

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/ban-doc/manh-khoe-ne-co-quan-chuc-nang-cua-cat-tac-304922.html