Mánh khóe hợp thức tiền phi pháp

Phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ án đánh bạc nghìn tỷ do bị cáo Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch HĐTV - Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (Công ty CNC) và bị cáo Phan Sào Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc - Công ty cổ phần VTC truyền thông trực tuyến (Công ty VTC online) và đồng phạm thực hiện sau 7 ngày đưa ra xét xử, đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Trong những ngày qua, HĐXX đã xét hỏi nhóm đối tượng phạm tội "Mua bán trái phép hóa đơn" đồng phạm với vai trò giúp sức "Tổ chức đánh bạc" và phạm tội "Rửa tiền"... Nhóm đối tượng này, bằng hành vi của mình đã trực tiếp hoặc gián tiếp giúp cho 2 ông trùm Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương che giấu nguồn tiền rất lớn có được từ việc tổ chức đánh bạc.

Nguyễn Văn Dương đã "rửa tiền" thế nào?

Sau khi có được những khoản doanh thu đầu tiên từ hoạt động tổ chức đánh bạc trên ứng dụng RikVip (khoảng năm 2015), Nguyễn Văn Dương đã có ý định giấu bớt một phần doanh thu. Để thực hiện ý đồ này, Dương chỉ đạo Nguyễn Quốc Tuấn, Phó giám đốc kỹ thuật Trung tâm thanh toán Công ty CNC thỏa thuận với các công ty trung gian gạch thẻ đang kết nối với Công ty CNC, khi đó là Công ty cổ phần thanh toán điện tử VNPT (VNPT EPAY) tách doanh thu thanh toán cho Công ty CNC thành 2 phần.

Một phần thanh toán bằng chuyển khoản qua ngân hàng, phần này Dương sẽ dùng pháp nhân Công ty Giải Pháp Việt xuất hóa đơn đầy đủ cho VNPT EPAY. Phần còn lại, VNPT EPAY sẽ trả cho Công ty CNC bằng tiền mặt và không có hóa đơn. Theo thỏa thuận, toàn bộ phần tiền mặt này không được thể hiện trong sổ sách kế toán của cả 2 công ty.

VNPT EPAY biết việc thanh toán như vậy là sai quy định nhưng vì muốn giữ khách hàng nên đã đồng ý với thỏa thuận trên. Để hợp lý hóa phần tiền mặt thanh toán cho Công ty CNC, các đối tượng ở VNPT EPAY đã thống nhất với Đình Chiến, sinh năm 1976, trú tại phường Đồng Mai, quận Hà Đông, Hà Nội, là người điều hành Công ty TNHH đầu tư và phát triển HQ Việt Nam (Công ty HQ) cũng là khách hàng sử dụng dịch vụ trung gian gạch thẻ của VNPT EPAY nâng khống doanh thu dịch vụ của Công ty HQ, để công ty này xuất hóa đơn khống bù vào phần tiền mặt đã thanh toán cho Công ty CNC ở trên.

Đây là thủ đoạn mua bán hóa đơn rất tinh vi. Vì với việc nâng khống doanh số như vậy, trong hóa đơn sẽ có phần doanh số thật và doanh số khống lẫn lộn, khó tách rời. Mặt khác, hàng hóa ghi trên hóa đơn là dịch vụ gạch thẻ - đây là dạng hàng hóa được kiểm soát thông qua hệ thống phần mềm và thể hiện trên biên bản đối soát ký giữa 2 công ty. Vì vậy, nếu 2 bên cùng thống nhất nâng khống số liệu trên biên bản đối soát thì có thể dễ dàng qua mặt các cơ quan chức năng. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi chưa có cơ quan, tổ chức nào có chức năng kiểm tra giám sát hoạt động này.

Theo cáo trạng, các đối tượng ở VNPT EPAY đã hợp tác với Công ty CNC do Nguyễn Văn Dương là Chủ tịch Hội đồng quản trị vì mục đích hai bên cùng có lợi. Qua đó đã nâng khống doanh số (thể hiện trong 49 tờ hóa đơn giá trị gia tăng) số tiền hơn 1.264 tỷ đồng. Ngoài VNPT EPAY, Công ty CNC của Nguyễn Văn Dương còn nhận thanh toán bằng tiền mặt từ Công ty Cổ phần viễn thông và giải trí số Việt Nam (Công ty GTS) do Lê Thị Lan Thanh làm đại diện pháp luật.

Tuy nhiên, không giống với VNPT EPAY dùng thủ đoạn nâng khống doanh số hóa đơn, Lê Thị Lan Thanh đã chỉ đạo nhân viên của mình mua khống hoàn toàn hóa đơn GTGT từ các công ty của Phạm Thanh Hương, sinh năm 1963, địa chỉ: Số 5, tổ 32, khu phố 6, phường Xuân Khanh, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội và Lê Thị Thu Ngà, sinh năm 1977 ở Trương Định, Hai Bà Trưng, Hà Nội, giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại An Thịnh. Tất cả các hóa đơn này đều là hóa đơn thẻ viễn thông.

Các đối tượng lựa chọn mua hóa đơn viễn thông vì có nguồn cung dồi dào, giá cả lại vô cùng hợp lý. Điều này phần nào cũng phản ánh đúng thực trạng thị trường thẻ viễn thông hiện nay khi mà người tiêu dùng Việt Nam không có thói quen lấy hóa đơn khi mua hàng. Từ những thói quen này đã vô tình tạo nguồn cung cho các công ty, đại lý bán thẻ như Phạm Thanh Hương và Lê Thị Lan Thanh có nguồn hóa đơn bán lẻ lớn, từ đó phát sinh việc mua bán hóa đơn viễn thông như trên.

Còn tại Công ty VTC online, sau khi nhận tiền ăn chia từ hoạt động tổ chức đánh bạc, Phan Sào Nam "rửa tiền" bằng nhiều cách khác nhau: Mua hóa đơn khống từ Công ty cổ phần dịch vụ dữ liệu trực tuyến (Công ty ODS) Công ty cổ phần (Công ty Logic) gửi cho người thân, bạn bè cất giữ hoặc đầu tư vào các dự án bất động sản. Với các hành vi này, bản thân Nam không những bị khởi tố về tội "rửa tiền" mà còn khiến cho người thân, bạn bè của mình cũng vướng vào vòng lao lý. Cụ thể Phan Thu Hương - dì ruột của Nam và Đỗ Bích Thủy - chị họ của Nam đều là đồng phạm rửa tiền với anh ta trong vụ án này.

Trả lời HĐXX sáng 19-11, bị cáo Phan Thu Hương khai giúp Nam cất giữ số tiền hơn 236 tỷ đồng và đầu tư sinh lời là do bị cáo tin tưởng Nam và cho rằng đó là số tiền hợp pháp nên đã dùng để kinh doanh sinh lời. Chỉ đến khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo mới biết đó là tiền do phạm tội mà có?! Bị cáo Phan Thu Hương cũng thừa nhận sai lầm khi không tìm hiểu nguồn gốc của số tiền rất lớn như vậy.

Theo cáo trạng, Phan Sào Nam chỉ đạo nhân viên và đối tác chuyển vào tài khoản của Phan Thu Hương hơn 236 tỷ đồng và nhờ Hương kinh doanh sinh lời. Sau khi nhận được số tiền trên, Phan Thu Hương gửi tiết kiệm ngắn hạn, sau đó rút ra mua vàng, đô-la Mỹ rồi bán kiếm lời. Đến nay, bị cáo Phan Thu Hương đã khắc phục hoàn toàn số tiền mà cơ quan điều tra thông báo, là hơn 236 tỷ đồng.

Nguồn hóa đơn phong phú, giá rẻ từ đâu?

Quá trình đưa vụ án ra xét xử như đã nói ở trên đã xác định được phần số lượng lớn hóa đơn bắt nguồn từ các công ty bán thẻ viễn thông. Đây là loại hàng hóa rất phổ biến và có doanh số lớn, nhưng do thói quen tiêu dùng nên nhiều khách hàng khi mua thẻ viễn thông thường không lấy hóa đơn. Tận dụng điều này, các công ty như Công ty HQ, Công ty Logic và Công ty Mai Tuấn Hương đã lập hóa đơn khống, bán cho các đối tượng khác.

Trong vụ án này còn một loại hóa đơn khác được mua bán là hóa đơn dịch vụ gạch thẻ. Loại hóa đơn này rất khó bị phát hiện vì hàng hóa là sản lượng thẻ (các mã thẻ viễn thông). Đây là những hàng hóa vô hình, không tồn tại dưới dạng vật chất; những gì nhìn thấy chỉ là biên bản đối soát và dữ liệu lưu ở hệ thống, vì thế cơ quan thuế và cơ quan chức năng rất khó phát hiện nếu hai bên thống nhất với nhau ghi khống sản lượng.

Bị cáo Lê Thị Lan Thanh.

Cụ thể trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ này khi Lê Thị Lan Thanh, 37 tuổi, trú tại 53A, ngõ Văn Chương, phường Văn Chương, quận Đống Đa, TP Hà Nội phát hành hóa đơn cho các nhà mạng thì đồng thời phát sinh doanh thu. Và theo quy định của pháp luật, khi phát sinh doanh thu, doanh nghiệp phải kê khai chịu thuế (gồm có 2 loại 10% là thuế giá trị gia tăng và từ 20-25% là thuế thu nhập doanh nghiệp nếu như không có khoản chi phí khác).

Trong khi đó, Nguyễn Văn Dương chỉ trả cho Thanh từ 3- 3,5%... Nếu như vậy thì Lan Thanh sẽ bị thua lỗ. Chính vì thế, đối tượng buộc phải mua hóa đơn khống để kê khai vào phần đầu vào của các công ty. Đây cũng là lý do vì sao Lan Thanh và các đối tượng phải mua hóa đơn. Khi mua hóa đơn nêu trên, Thanh đã trả cho công ty trên số tiền gần 3 tỷ đồng, tương đương từ 0,05% đến 0,08% doanh số ghi trên hóa đơn.

Toàn bộ 133 tờ hóa đơn khống với doanh số 4.583 tỉ đồng đã được Thanh và đồng phạm là Nguyễn Thị Dung, sinh năm 1981, thường trú huyện Sóc Sơn, Hà Nội, nhân viên của Công ty GTS sử dụng làm chứng từ kê khai, khấu trừ thuế đầu vào tại 5 công ty đều do Thanh điều hành hoạt động, gây thiệt hại về thuế với tổng số tiền khoảng 800 tỷ đồng. Để hợp thức thủ tục cho các hóa đơn khống đã mua, Thanh đã chỉ đạo nhân viên kế toán, thực hiện chuyển tiền từ tài khoản của 5 công ty do Thanh quản lý đến tài khoản của các Công ty Mai Tuấn Hương, Công ty Hà My và Công AHHA. Sau đó, Dung lại rút tiền về trả lại cho Thanh.

Ngoài ra, đối tượng Thanh còn lập ra các hợp đồng, phụ lục hợp đồng khống có nội dung Công ty Mai Tuấn Hương thuê Dung thực hiện việc rút tiền từ tài khoản của Công ty Mai Tuấn Hương. Sau mỗi lần, các Công ty của Thanh chuyển tiền hợp thức thanh toán qua ngân hàng cho các hóa đơn khống...

Vai trò của các công ty trung gian

Một điểm chung, nổi bật của các công ty trung gian trong vụ án này là tất cả thanh toán đều phải mua hóa đơn. Song đến thời điểm này, vẫn còn nhiều lỗ hổng trong việc quản lý đối với dịch vụ gạch thẻ như đã nói ở trên.

Bị cáo Phan Sào Nam.

Trong khi đó, bản chất thẻ viễn thông sinh ra để thanh toán dịch vụ viễn thông cho chính nhà mạng. Tuy nhiên do tính chất quá phổ biến của thẻ viễn thông và có tính chất định giá tương đương với tiền ngân hàng nhà nước nên vô hình trung thẻ viễn thông trở thành phương tiện thanh toán hữu ích - mặc dù Ngân hàng nhà nước không quy định đây là phương tiện thanh toán. Đối với chức năng thanh toán cho dịch vụ viễn thông của nhà mạng, họ trực tiếp kiểm soát (khi nạp thẻ để thanh toán có nghĩa là nhà mạng đang mua lại chính mã thẻ đó) và trực tiếp gạch thẻ từ khách hàng hoặc những người sử dụng thẻ để thanh toán cước viễn thông.

Đối với các chức năng thanh toán cho các dịch vụ khác không phải viễn thông thì các dịch vụ này thường là của một bên thứ ba (bên có dịch vụ cho phép sử dụng thẻ viễn thông) để thanh toán. Về bản chất, khách hàng sử dụng thẻ thanh toán cho dịch vụ đó nhưng nhà mạng vẫn phải là đơn vị mua lại (mã thẻ này phải được truyền đến nhà mạng để họ gạch thẻ). Với hình thức này do có sự xuất hiện của bên thứ ba nên nhà mạng không có đủ cơ sở vật chất và con người kiểm soát và gạch thẻ đối với bên thứ ba. Từ đó, sinh ra các công ty trung gian.

Về bản chất là các công ty trung gian không có hàng hóa. Họ có chức năng kết nối từ dịch vụ khác đến nhà mạng. Để làm được chức năng này, về mặt pháp lý phải trực tiếp ký hợp đồng với nhà mạng; về mặt kỹ thuật họ phải xây dựng được một phần mềm kết nối đến phần mềm gạch thẻ của nhà mạng. Chức năng của phần mềm này là truyền thông tin thẻ đến nhà mạng. Sau khi đã kết nối được với nhà mạng, họ đã tìm kiếm khách hàng ở đây là những công ty cung cấp dịch vụ cho phép sử dụng thẻ viễn thông để thanh toán, trong vụ án này chính là Công ty CNC. Sau đó Công ty CNC sẽ kết nối với Công ty phát hành game và VTC online.

Sau khi các công ty trung gian kết nối được với Công ty CNC và VTC Online sẽ hình thành được một quy trình khép kín bắt đầu từ khi người chơi nhập một mã thẻ viễn thông vào game Rik/ Tip club thì mã thẻ này sẽ được truyền, gửi đến hệ thống game, Công ty CNC và hàng loạt các công ty trung gian và cuối cùng đến các nhà mạng. Khi đến nhà mạng, họ xác nhận hệ thống máy chủ là mã của mình, tương đương với giá trị tiền bao nhiêu. Và được trả ngược lại đến hệ thống máy chủ của game. Tại đây, hệ thống sẽ quy đổi từ số tiền ra bao nhiêu Rik và trả vào tài khoản game của người chơi.

Như thế xét trong tổng thể, vai trò của công ty trung gian không phát hành game, không có chức năng vận hành game nhưng họ lại góp phần vào việc, giúp cho con bạc có thể quy đổi từ tiền thật thành tiền ảo trong game. Thông qua việc này, mặc dù không trực tiếp vận hành game nhưng vẫn được phần trăm tương ứng và lại được hưởng phần trăm tương ứng theo hợp đồng họ đã ký...

Ở Công ty CNC để thực hiện được kết nối các trung gian thanh toán thì Nguyễn Văn Dương đã giao trách nhiệm cho Nguyễn Quốc Tuấn phải tìm kiếm các công ty trung gian để kết nối các nhà mạng, làm nhiệm vụ gạch thẻ cho Rik vip- top.. ... Cứ mỗi khi đặt vấn đề kết nối xong, giao lại cho Phạm Tuấn Anh kết nối về mặt kỹ thuật và chịu trách nhiệm vận hành.

Xuân Mai - Nguyễn Hưng

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vu-an-noi-tieng/manh-khoe-hop-thuc-tien-phi-phap-521013/